Chia sẻ nguồn học liệu: Xu hướng để các trường ĐH tận dụng triệt để tài nguyên trong đào tạo

GD&TĐ -Việc các trường ĐH liên kết để chia sẻ nguồn học liệu, nhân lực và cơ sở vật chất đang là xu hướng, đem lại nhiều lợi ích.

Đoàn đại biểu tham quan tại khu thực nghiệm khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: NLU
Đoàn đại biểu tham quan tại khu thực nghiệm khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: NLU

Chia sẻ nguồn lực

PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, thực tế đây là mô hình các trường đại học đang hướng tới là đại học chia sẻ. Mô hình rất tốt để các trường sử dụng thế mạnh của nhau, từ đó hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cộng đồng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo đó, các trường có thể chia sẻ 2 yếu tố chính. “Đầu tiên là chia sẻ cơ sở vật chất, mỗi trường có thế mạnh khác nhau và Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường sử dụng cơ sở vật chất chung để tạo ra sức mạnh. Chẳng hạn Trường Đại học Tài chính - Marketing có thế mạnh ngành Kế toán - Kiểm toán, Quản trị Kinh doanh… nên có những phòng mô phỏng về ngành này, những trường khác chưa có hoặc hạn chế sẽ được nhà trường hỗ trợ, chia sẻ để sử dụng trong công tác đào tạo. Ngược lại, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng sử dụng các phòng mô phỏng của trường khác với các ngành liên quan đến Luật. Chúng tôi có thể cần đến sự sẻ chia của Trường Đại học Luật TPHCM vốn có thế mạnh về các mảng luật”, ông Đạt phân tích yếu tố thứ nhất.

Thứ hai, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, các trường đại học có thể chia sẻ về đội ngũ. Trường nào có thể mạnh về đội ngũ, mảng, ngành, lĩnh vực… hoàn toàn có thể chia sẻ về đào tạo, công tác giảng dạy và kiến thức chuyên môn. Điều này giúp trí tuệ, trí thức lan tỏa vì hiện nay trí thức là “sản phẩm” dùng chung cho mọi người. Quan trọng hơn, việc chia sẻ hướng đến sự phát triển chung của tương lai đất nước.

“Trường Đại học Tài chính - Marketing đang ký kết hợp tác song phương với các trường đại học Ngân hàng TPHCM, Sài Gòn và Luật TPHCM. Việc ký kết này không chỉ để chia sẻ ở lĩnh vực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mà còn cả thư viện, cơ sở dữ liệu để dùng chung. Theo đó, sinh viên trường này có thể được vào thư viện trường khác tra cứu dữ liệu, học thuật… Riêng các trường trong khối Bộ Tài chính còn công nhận các tín chỉ, chương trình đào tạo của nhau”, ông Đạt cho biết thêm.

Tận dụng nguồn lực - Ảnh 1.JPG
Các đại biểu tham quan mô hình “Vườn thực phẩm cộng đồng - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM”. Ảnh: Nong Lam - Food Bank Garden

PGS.TS Nguyễn Nhật Huy - Phó Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM rất quan tâm đến việc hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Trên thực tế, theo ông Huy, các trường thành viên trong Đại học Quốc gia TPHCM đã và đang hợp tác với nhau thông qua các dự án nghiên cứu liên ngành, chương trình đào tạo chung, chia sẻ cơ sở vật chất, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học để trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và hợp tác với doanh nghiệp và cộng đồng để thực hiện các dự án ứng dụng thực tiễn.

Việc hợp tác giữa các trường thành viên không chỉ nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Chẳng hạn, mô hình aquaponics đã được nghiên cứu và phát triển nhờ sự hợp tác của các nhà khoa học thuộc các trường thành viên (An Giang, Bách Khoa, Quốc Tế, Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Môi trường và Tài nguyên), thông qua các đề tài/dự án được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TPHCM. Sản phẩm của các đề tài nghiên cứu này làm tăng cao năng lực đào tạo, công bố khoa học, sở hữu trí tuệ và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh liên trường và liên ngành trong Đại học Quốc gia TPHCM”, ông Huy dẫn chứng.

Thúc đẩy hợp tác

Theo các chuyên gia giáo dục, với xu hướng liên ngành như hiện nay trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, sự liên kết, hợp tác trong đào tạo, nhất là trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là cần thiết. Song, trên thực tế, việc tận dụng và chia sẻ nguồn lực giữa các trường chưa được quan tâm đúng mức.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM thừa nhận, thời gian qua trường rất quan tâm đến vấn đề chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng mong muốn này rất khó khả quan. “Các trường đều tự ý làm, mối liên kết rất yếu. Trước đây trường có ký kết cùng một trường ở Hà Nội với mong muốn chia sẻ nguồn lực trong đào tạo nhưng cuối cùng không triển khai được”, ông Sơn nói.

Đại diện một trường ngoài công lập ở TPHCM cho biết, trường chưa quan tâm nhiều và thực tế không triển khai “chia sẻ nguồn lực” với trường nào khác. “Hiện trường chỉ lo đảm bảo nguồn lực trong hệ thống các cơ sở đào tạo của trường thôi”, đại diện này cho biết.

PGS.TS Trần Văn Mẫn - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, sự hợp tác sẽ giúp kết hợp các thế mạnh khác nhau của từng trường để cùng giải quyết bài toán lớn về kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

Dẫn chứng, ông Mẫn cho hay thời gian qua sự hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học trong lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường đã mang lại kết quả tích cực nhất định đối với định hướng phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Có thể kể đến các công trình hướng đến mục tiêu tập trung xây dựng thành phố xanh sạch, thân thiện với môi trường như: Đặc trưng ô nhiễm thủy ngân trong bụi PM10 trong không khí khu vực nội thị TPHCM; Đánh giá nguy cơ tồn lưu ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong trầm tích ở đáy hồ Dầu Tiếng…

“Tuy nhiên, khi đối chiếu với tiềm năng về khoa học công nghệ của các trường đại học thì sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học không những trong lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường mà còn các lĩnh vực khoa học còn lại chưa khai thác hết khả năng từng trường và cần phải được khuyến khích, thúc đẩy để phát triển hơn thời gian tới. Sự hợp tác nghiên cứu khoa học hiệu quả giữa các trường đại học nhằm mục tiêu cùng nhau định hướng, giải quyết các bài toán, vấn đề về khoa học sự sống và môi trường mà thành phố đang quan tâm”, ông Mẫn khẳng định.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đề án đại học chia sẻ”, do Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì thực hiện, PGS.TS. Vũ Đức Lung làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 12 tháng (từ 3/2023 đến 3/2024). Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn rà soát, bàn giao cho sở GD&ĐT theo chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM để triển khai ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.