Trường đại học sẻ chia gánh nặng, bình ổn học phí

GD&TĐ - Nhiều trường đại học giữ nguyên mức thu học phí từ đầu năm học 2023 - 2024, dù được tăng theo quy định mới của Nghị định 97.

Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: HCMULAW
Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: HCMULAW

Điều này nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với người học và thực hiện cam kết ổn định học phí.

Hướng mở cho các trường

Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo Nghị định 97, lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập được lùi 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Trong đó, các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ), mức trần học phí năm học 2023 - 2024 từ 1,2 triệu đồng đến 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng). So với năm học trước đó, học phí năm học này tăng thêm 2,2 - 10,2 triệu đồng tùy khối ngành. Mức học phí tiếp tục tăng trong các năm học tiếp theo.

Với nhóm trường đại học công lập tự chủ, sẽ có 3 mức học phí tùy mức độ tự chủ. Cụ thể, trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành và năm học. Theo đó, trong năm học 2023 - 2024, học phí các trường này tối đa 24 - 49 triệu đồng/năm học.

Trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ tương ứng từng khối ngành và năm học. Như vậy, học phí các trường này áp dụng trong năm học 2023 - 2024 tối đa 30 - 61,25 triệu đồng/năm.

Riêng chương trình đào tạo của trường đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài/tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM nhập học năm 2023. Ảnh: HUIT

Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM nhập học năm 2023. Ảnh: HUIT

Không tăng học phí năm nay

Sau khi Nghị định 97 được ban hành, nhiều trường đại học cho biết sẽ không điều chỉnh học phí đã thu của sinh viên trong năm học 2023 - 2024. TS Phan Hồng Hải - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho hay, năm học này, nhà trường thực hiện theo chủ trương Văn bản số 5459 năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, lùi lộ trình học phí 1 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định 81. Mức thu bình quân của trường với khối ngành kỹ thuật là 32 triệu đồng/năm, khối ngành kinh tế 30 triệu đồng/năm. So với Nghị định 97, học phí của trường bằng hoặc thấp hơn so với mức trần được quy định tại Nghị định 97. Ông Phan Hồng Hải cho biết, nhà trường không thu thêm trong năm học 2023 - 2024.

“Năm học tới, trường dự kiến điều chỉnh học phí nhưng sẽ cân nhắc không tăng mạnh. Nhà trường chủ trương duy trì mức học phí vừa phải nhằm tạo điều kiện cho người học, đặc biệt sinh viên giỏi”, TS Hải cho biết.

Tương tự, tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, học phí niên khóa 2022 - 2026 khoảng 28 triệu đồng/năm; niên khóa 2023 - 2027 là 30 triệu đồng/năm. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, các mức học phí này được công bố từ đầu năm và sẽ giữ ổn định suốt khóa học. So với Nghị định 97, mức đã thu hiện thấp hơn mức trần áp dụng cho trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tương tự, một số trường đại học có điều chỉnh học phí từ đầu năm học 2023 - 2024 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (lùi lộ trình học phí năm so với quy định tại Nghị định 81) cũng không tăng học phí; bởi mức thu hiện tại đã bằng hoặc thấp hơn mức cho phép của Nghị định 97.

“Mức tạm thu đầu năm học trở thành mức thu chính thức, nằm trong quy định cho phép”, TS Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang nói. Đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường đã thông báo học phí khoảng 5 - 6 triệu đồng/học kỳ, tương ứng 10 - 12 triệu đồng/năm.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, học phí được công bố hồi tháng 9/2023 khoảng 26 - 32,5 triệu đồng/năm học, tùy khối ngành. Mức thu này thấp hơn so với mức trần của Nghị định 97 nên nhà trường không điều chỉnh.

Một số trường không tăng học phí từ đầu năm học này và giữ ổn định theo cam kết với người học. Chẳng hạn, từ tháng 8/2023, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM thông báo giữ ổn định học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức học phí của 3 năm trước đó. Sinh viên trúng tuyển năm 2023 đóng học phí hơn 10,6 triệu đồng/năm cho chương trình chuẩn (1 năm 2 học kỳ, khoảng 30 tín chỉ).

Chương trình chất lượng cao, sinh viên đóng trung bình khoảng 23,1 triệu đồng/năm. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Đảm bảo công bằng xã hội, quyền tiếp cận đại học cho con em khu vực vùng sâu, xa, đến thời điểm này, trường vẫn quyết định không điều chỉnh mức học phí đã công bố”.

Ở khối trường tư thục, nhiều trường thể hiện sự chia sẻ với người học khi quyết định ổn định mức học phí. TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường Đại học Gia Định cho hay, năm học này, nhà trường duy trì mức học phí 10 - 15 triệu đồng/học kỳ. Nhờ sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có học phí thấp nhất 10 triệu đồng/học kỳ. “Nhà trường cũng dành nhiều suất học bổng, hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn”, ông Toàn cho biết.

Ban đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa (BKA) lần II năm 2024 (ngày 6/1) của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết sẽ triển khai gói cho sinh viên vay vốn học tập. Theo đó, BKA đặt mục tiêu hỗ trợ 1 nghìn suất vay/học kỳ với tổng lãi suất 0% cho sinh viên. Dự kiến giai đoạn 2024 - 2029, tổng số tiền được hỗ trợ cho gói vay này khoảng 15 tỷ đồng. Một số trường đại học công lập khác tăng gói học bổng và hỗ trợ học phí cho sinh viên năm học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ