Chia sẻ giải pháp giúp người trẻ hòa nhập xã hội đương đại

GD&TĐ - “Đa dạng và Hòa nhập: Học, Làm và Sống trong Xã hội Đương đại” là chủ đề tọa đàm do doanh nghiệp xã hội ECUE phối hợp với Trường Đại học Thái Bình Dương, Nha Trang, tổ chức qua hình thức trực tuyến vào sáng 17/9.

Toạ đàm thu hút sự quan tâm của người trẻ và các chuyên gia trong nước.
Toạ đàm thu hút sự quan tâm của người trẻ và các chuyên gia trong nước.

Toạ đàm là cơ hội cho những người trẻ, đặc biệt là người đi học, đi làm, các chuyên gia và tất cả mọi người quan tâm trao đổi về sự đa dạng, hoà nhập và thực hành giá trị này trong thực tế ở môi trường giáo dục, kinh doanh và tổ chức xã hội.

TS Phạm Quốc Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương, Nha Trang, giải thích, đa dạng (diversity) thường chỉ những con số để lượng hóa sự khác biệt như giới tính, độ tuổi, vùng miền… Gắn liền với đa dạng là hoà nhập (inclusion) chỉ cái chất của sự đa dạng, tạo ra cảm giác được thuộc về chứ không phải chỉ có mặt.

Đa dạng và hoà nhập giúp con người trở nên gắn kết với nhau, tạo cảm giác “thuộc về” khi ở trong một cộng đồng. Nhưng hiện nay, nhiều nhóm, cộng đồng không chấp nhận sự đa dạng, dẫn đến một số người bị phân biệt đối xử hoặc bị loại trừ.

Một trong những lý do đến từ việc thiếu tư duy phản biện, đồng thời, không tìm hiểu, thậm chí chấp nhận những ranh giới, rào cản trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong giáo dục hiện nay còn phương pháp giảng dạy tư duy phản biện theo chiều hướng gay gắt. Nhiều người lầm tưởng rằng phản biện là đi tìm lỗi sai, chỗ hổng của người khác. Từ đó, thu hẹp khả năng chấp nhận sự khác biệt, vô tình xoá bỏ tính đa dạng và hoà nhập trong cộng đồng.

“Tôi thường khuyến khích sinh viên trì hoãn thôi thúc tìm lỗi sai của người khác. Thay vào đó, tìm ra những điều bản thân có thể học hỏi từ . Cách làm này vừa hình thành tư duy phản biệt vừa tôn trọng với sự khác biệt”, TS Lộc chia sẻ.

Toạ đàm tổ chức qua hình thức trực tuyến.
Toạ đàm tổ chức qua hình thức trực tuyến.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương cho rằng để nâng cao ý thức về đa dạng và hoà nhập cần đến nền tảng của sự giáo dục. Hiện nay nhiều trường, trong đó có giáo dục khai phóng, đang thúc đẩy đa dạng và hoà nhập cho học sinh, sinh viên thông qua tăng cường tư duy phản biện cho người học. Tăng cường các môn học về hiểu biết đạo đức, văn hóa, xã hội và chính trị thay vì chỉ đi sâu vào môn chuyên ngành. Bên cạnh đó là giảng dạy các môn nghệ thuật nhân văn để mở rộng trải nghiệm, lòng trắc ẩn, thấu cảm.

“Giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành suy nghĩ về sự đa dạng và hoà nhập cho giới trẻ. Nếu không được giáo dục kỹ lưỡng, người học sẽ xoá bỏ sự khác biệt; ngược lại, giáo dục cần giúp người học tôn trọng và thúc đẩy sự khác biệt”, TS Quốc Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, các nhà trường có thể khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Từ đó, lồng ghép các bài học để sinh viên hiểu rõ tại sao cộng đồng đang gặp khó khăn, cộng đồng này đang chịu tác động như thế nào.

Cũng trong buổi toạ đàm, các chuyên gia đã chia sẻ phương pháp giúp giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, hoà nhập tự nhiên với môi trường giáo dục, môi trường làm việc mới.

TS Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) cho rằng: "Khi tham gia vào môi trường mới, các bạn hãy cố gắng là chính mình và chịu khó quan sát. Nếu không biết, hãy mạnh dạn hỏi hoặc đề nghị mọi người giúp đỡ. Họ luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc hoặc gợi ý cách làm cho các bạn".

Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng bộ phận trải nghiệm số khách hàng tại công ty Schneider Electric Viet Nam, cho rằng để hoà nhập tự nhiên, mỗi người cần loại bỏ suy nghĩ tiêu cực như "Người này không thích mình" hay cảm giác tự ti, mặc cảm.

"Tiếp đó, hãy mở lòng, đối đáp với mọi người xung quanh với sự chân thành. Bởi lẽ những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim", anh Quốc Tiến bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.