“Chìa khóa” nâng cao năng lực giảng viên

GD&TĐ - Theo thạc sỹ Đậu Thị Hồng - Trường Đại học Hà Tĩnh, để nâng cao năng lực tự học của giảng viên cần phải có một hệ thống các giải pháp dựa trên việc nghiên cứu một cách khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình giáo dục Đại học.

Nhà trường và các khoa cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ một cách cụ thể. Ảnh minh họa/internet
Nhà trường và các khoa cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ một cách cụ thể. Ảnh minh họa/internet

Giải pháp từ bản thân giảng viên

Muốn đạt được mục tiêu đó người giảng viên phải nhận thức được điểm mạnh, yếu của chính bản thân mình; phải có sự chủ động, kiên trì, tính kỷ luật, khả năng độc lập giải quyết vấn đề và có sự hứng thú, say mê nhất định.
Thạc sỹ Đậu Thị Hồng 

Thạc sỹ Đậu Thị Hồng – cho rằng, người giảng viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình. Mục tiêu đầu tiên của người giảng viên trong việc tự học, tự nghiên cứu đó là vì người học, sau đó mới đến vì chính bản thân mình.

Ngoài ra, giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ cần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu khoa học giúp giảng viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời qua đó củng cố kiến thức lý thuyết, tăng khả năng vận dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề, giả thuyết khoa học.

Qua đó không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của trường với xã hội. Kết quả của các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ... đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra của xã hội.

“Phần lớn các giảng viên làm tốt công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đều trưởng thành, nhiều người đã thành đạt toàn diện về năng lực nghiên cứu, trình độ khoa học, uy tín giảng dạy và được xã hội công nhận là “bậc thầy” với đúng nghĩa của nó.

Với những ích lợi như trên, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là quyền lợi của mỗi giảng viên đại học” - thạc sỹ Đậu Thị Hồng trao đổi, đồng thời chia sẻ:

Với nhận thức của người đã trực tiếp thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, chúng tôi cho rằng, một cán bộ giảng dạy đại học muốn thành công trong công tác nghiên cứu khoa học (kết hợp giảng dạy) cần hội tụ những điều kiện như:

Có một môi trường làm việc thuận lợi cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; sự trợ giúp tạo ra tiềm lực về thời gian và điều kiện vật chất cho nghiên cứu; bản thân phải tạo ra và nuôi dưỡng liên tục lòng say mê nghiên cứu khoa học theo định hướng hợp lý...

Cùng với đó, giảng viên cần có khả năng lập kế hoạch tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo mục tiêu đặt ra và tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

Việc nhìn nhận kết quả học tập được thực hiện bằng nhiều hình thức như: dùng các thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu của giáo viên, bản thân tự đánh giá, tự đánh giá nhận xét của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu... tất cả đều mang một ý nghĩa tích cực, cần được quan tâm thường xuyên.

Thông qua nó người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì chưa thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu để từ đó có hướng khắc phục hai phát huy.

Giảng viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình. Ảnh minh họa/internet
Giảng viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình. Ảnh minh họa/internet

Giải pháp từ các cấp có thẩm quyền

Các cấp quản lý nên xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ giảng viên một cách dân chủ, xuất phát từ nhu cầu của họ, tránh chạy theo thành tích.
Thạc sỹ Đậu Thị Hồng

Cũng theo thạc sỹ Đậu Thị Hồng, ngoài giải pháp từ bản thân người giảng viên thì những nhân tố khách quan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tự học của giảng viên.

Các yếu tố về quản lý giáo dục từ mục tiêu, hệ thống, chương trình, phương pháp, điều kiện vật chất kỹ thuật... là những yếu tố khách quan trực tiếp ảnh hưởng đến việc tự học của giảng viên.

Trong công tác quản lý giáo dục, các nhà quản lý cần đẩy mạnh việc tháo gỡ những thủ tục hành chính, những quy định nặng về hình thức làm cho người giảng viên mất nhiều thời gian và không thể toàn tâm vào việc tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Lãnh đạo các trường đại học cần làm tốt công tác giáo dục quán triệt từng giảng viên để mỗi giảng viên nhận thức sự cần thiết công tác tự bồi dưỡng giúp giảng viên có động cơ thái độ đúng đắn từ đó tạo quyết tâm cao xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho bản thân.

Mặt khác, cần tiếp tục điều chỉnh mạnh mẽ để giảm tải công việc cho đội ngũ giảng viên, giúp giảng viên có thêm thời gian để cập nhật kiến thức mới, tự học tập nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ.

Nhà trường và các khoa cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ một cách cụ thể; có lộ trình, mục tiêu, thời gian và chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp.

Ưu tiên dành cho giảng viên trẻ các nhiệm vụ nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp, từ cấp nhỏ đến cấp lớn; Trước hết là nghiên cứu những vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành, viết tiểu luận, thu hoạch...

Đồng thời, phân công cán bộ, giảng viên có kiến thức, kinh nghiệm, có nhiệt huyết và năng lực hướng dẫn, bồi dưỡng giảng viên trẻ về cách thức phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn quy trình, các bước triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu độc lập của cá nhân cũng như khả năng làm việc nhóm nhằm dẫn dắt họ vào con đường nghiên cứu, tìm tòi cái mới một cách độc lập, chủ động, sáng tạo.

Bên cạnh đó cơ quan, đơn vị có chính sách động viên, khuyến khích, phát triển tài năng trẻ phù hợp nhằm tăng động lực và tính tích cực, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học. Các chính sách đó có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức cả vật chất và tinh thần.

Ngoài ra cần tăng cường cập nhật và phổ biến, cung cấp thông tin, nhất là những thông tin mới, thông tin có giá trị và độ tin cậy cao; tuyên truyền về những tấm gương tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học để đội ngũ giảng viên trẻ học tập, noi theo.

Cùng với sự linh động trong các chính sách nhằm khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học thì một trong những yếu tố quan trọng làm cho nhiệm vụ tự học của đội ngũ giảng viên có hiệu quả đó là việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại có khả năng đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức của giảng viên và sinh viên.

Thực tế dễ nhận thấy là hệ thống cơ sở vật chất đặc biệt là thư viện, phòng thí nghiệm ở các cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam còn rất hạn chế, điều đó làm giảm hiệu quả và gây khó khăn cho công tác tự học, tự nghiên cứu của giảng viên.

Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã thấy được tầm quan trọng và chú ý đến việc xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất theo hướng hiện đại cả về hình thức và nội dung, tạo ra những đột phá trong việc nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ giảng viên.

Tuy nhiên, vẫn cần phát triển hơn nữa những điều kiện vật chất phát huy tối đa khả năng nghiên cứu của giảng viên nâng cao năng lực giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy đại học đáp ứng yêu cầu mới của quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.