‘Chìa khóa’ mở cửa tương lai và hội nhập thế giới

GD&TĐ - Nếu coi tiếng Anh là công cụ, “chìa khóa” hội nhập thế giới, thì đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường sẽ không khó.

Một giờ học Tiếng Anh tăng cường ở trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Mỹ Hà.
Một giờ học Tiếng Anh tăng cường ở trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Mỹ Hà.

GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo tổng kết các hoạt động nghiên cứu năm 2024 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia - ngày 29/12.

Cần có lộ trình và thực hiện theo từng giai đoạn

Hội thảo do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức. Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhắc lại, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Kết luận 91) yêu cầu, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận, đây là nhiệm vụ lớn, với không ít thách thức. Mục tiêu này không chỉ nhấn mạnh đến đến vai trò của môn tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, mà còn là môi trường, phương pháp quản lý, quản trị trong các nhà trường để có thể phát triển Ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.

img-7565.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Muốn vậy, chúng ta cần thực hiện có lộ trình, từng bước và từng giai đoạn, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm. Với cách tiếp cận trên, GS.TS Lê Anh Vinh cho biết, Hội thảo có 4 phiên gồm: Chính sách về dạy – học Ngoại ngữ tại Việt Nam; hiệu quả dạy học bổ trợ, tích hợp, tăng cường Ngoại ngữ trong nhà trường; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngoại ngữ ở trường phổ thông; xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ dạy – học môn học khác bằng tiếng Anh.

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mong muốn, các đại biểu chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi và cơ hội để triển khai dạy – học tiếng Anh trong nhà trường.

Thực tế cho thấy, ngôn ngữ tiếng Anh phụ thuộc vào nhu cầu, tính cần thiết của người sử dụng. Vì thế, nếu các thầy, cô giáo, nhà quản lý xác định tiếng Anh là công cụ, “chìa khóa” mở cửa để học sinh bước vào tương lai, hội nhập thế giới, thì việc thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường sẽ không khó.

Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ gặp nhiều thách thức nếu vẫn coi tiếng Anh như một bộ môn thông thường trong nhà trường. Khi đó, lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sẽ còn dài hơi.

img-7559.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

“Chìa khóa” mở tương lai

Đề án Ngoại ngữ quốc gia nhằm nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ và đã được triển khai 2 giai đoạn, TS Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Quản lý Đề án cho biết. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục, đào tạo đều mong muốn có năng lực tiếng Anh để có thể tiếp cận với kho tri thức của nhân loại. Nhất là, tới đây tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ của lập trình, công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

“Vì thế, tiếng Anh được coi là “chìa khóa” để mở tương lai” - TS Nguyễn Thị Mai Hữu nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, người thầy có vai trò quan trọng trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia.

img-7578.jpg
TS Nguyễn Thị Mai Hữu phát biểu tại hội thảo.

Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều địa phương đã tập trung bồi dưỡng giáo viên về trình độ tiếng Anh, ứng dụng công nghệ trong dạy học. Hiện, các trường đã đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học tiếng Anh.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu nhận xét, nhìn chung, giáo viên, học sinh, phụ huynh và rộng hơn là xã hội đã nhận thức rõ về vai trò quan trọng của tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và phục vụ cuộc sống, phát triển tương lai.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 500 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục thường xuyên. Ông Phạm Khương Duy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho hay, sau khi có Đề án Ngoại ngữ quốc gia, chất lượng dạy – học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã có chuyển biến rõ rệt.

Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, cần thay đổi tư duy, nhận thức trong dạy và học bộ môn này. Nếu thầy – trò vẫn coi dạy – học tiếng Anh để thi, để kiểm tra, đánh giá và học gì thì nấy thì sẽ khó đạt được mục tiêu trên. Ngoài ra, chúng ta cần có môi trường để sử dụng và phát triển tiếng Anh.

img-7583.jpg
Ông Phạm Khương Duy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ tại hội thảo.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh trong các trường phổ thông, Ông Phạm Khương Duy cho hay, Vĩnh Phúc đã có xây dựng dự án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Sở GD&ĐT đã đưa hàng chục giáo viên tiếng Anh, đạt 7.0 IELTS trở lên, đi đào tạo tại nước ngoài.

Sau khi được tập huấn, các giáo viên đã phát huy tích cực, hiệu quả trong giảng dạy và bồi dưỡng cho giáo viên đại trà. Từ thực tiễn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc mong muốn, cần chuyển giao kết quả các nghiên cứu về dạy học tiếng Anh trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia vào thực tiễn; dạy – học tiếng Anh phải được liên tục và phải có nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, cần có chỉ đạo chung về mô hình tiếng Anh, tránh “nở rộ”, mạnh ai nấy làm.

img-7597.jpg
Ông Đỗ Đức Lân – Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học, đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) giới thiệu các hoạt động nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong khuôn khổ của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.

Từ kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong khuôn khổ của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025, ông Đỗ Đức Lân – Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học, đào tạo và Hợp tác quốc tế - đề xuất, cần có chiến lược ngắn hạn và trung hạn; đồng thời tiếp tục nghiên cứu chương trình đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, cần phát triển tài nguyên và công nghệ hỗ trợ dạy – học tiếng Anh trong các môn học khác.

Đề cập đến chính sách các cấp và chính sách nhà trường về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, ThS Nguyễn Văn Chiến – Ban Nghiên cứu chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục cho rằng, cần thống nhất về mặt chủ trương và chính sách công nhận tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, có thể bổ sung vào Luật Giáo dục (nếu có sửa đổi).

img-7607.jpg
ThS Nguyễn Văn Chiến chia sẻ tại hội thảo.

Để dạy học song ngữ bằng tiếng Anh, các cấp từ Mầm non cho đến đại học, ThS Nguyễn Văn Chiến cho rằng, cần có đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy chuyên ngành tiếng Anh để các trường học có thể tổ chức, triển khai giảng dạy song ngữ.

Ngoài ra, cần tăng cường các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh; cung cấp phòng học hiện đại, tài liệu học tập, và công nghệ hỗ trợ dạy học. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại. Chẳng hạn như: Áp dụng mô hình lớp học giao tiếp, học qua dự án, hoặc học qua trải nghiệm.

Cùng với đó, cần có giải pháp hỗ trợ vùng khó khăn như: Triển khai các chương trình dạy tiếng Anh miễn phí, hoặc thông qua các dự án hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, điều kiện đảm bảo dạy và học hiệu quả là: sĩ số lớp học cũng phải giảm tải hoặc phải chia lớp thành các nhóm nhỏ còn khoảng từ 20-25 học sinh/lớp cho các giờ học tiếng Anh hoặc môn học bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần hướng tới xây dựng sách giáo khoa, học liệu học tập, giảng dạy song ngữ.

img-7617.jpg
Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Nhấn mạnh vai trò các trường đại học trong nước đào tạo nguồn giáo viên, ThS Nguyễn Văn Chiến đề xuất, cần tăng cường giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh nhằm đem lại cơ hội học tập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, để ra trường các em có thể tham gia giảng dạy tại trường phổ thông các môn học khác nhau.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

leanhvinh.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh trao đổi, giải đáp một số câu hỏi của đại biểu.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý đã có những trao đổi về dạy – học tiếng Anh trong nhà trường; trong đó có đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá. Các thảo luận chủ yếu tập trung trả lời câu hỏi: Làm thế nào để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân thác nước tại Công viên Hạt Chestnut Ridge, New York, Mỹ.

'Ngọn lửa vĩnh cửu' cháy mãi?

GD&TĐ - Theo các nhà khoa học, ngọn lửa vĩnh cửu là kết quả của quá trình rò rỉ khí đốt tự nhiên, chủ yếu là mêtan, etan và propan...