Cuộc đời là một cuốn sách mở
“My life is an open book” (Tạm dịch: “Cuộc đời tôi là cuốn sách mở”) là một trong những phong trào ghi được nhiều dấu ấn nhất trong các hoạt động đọc sách của Trường Olympia (Hà Nội). Dự án được tổ chức bài bản với chương trình đọc sách kéo dài trong suốt cả năm học với các chủ điểm hấp dẫn như: “Đọc sách - niềm đam mê của tôi”, “Cuốn sách của tôi”, “Cuốn sách của bạn”, “Cuốn sách của chúng ta”… Danh hiệu “Trạng nguyên”, “Bảng nhãn”, “Thám hoa” được trao cho những bạn đọc được nhiều sách nhất trong tháng.
Nhà trường dành hẳn một khung giờ vào chiều thứ 6 để tất cả giáo viên và học sinh đều được tham gia đọc sách. Giáo viên bộ môn Ngữ văn và Kĩ năng tích cực vào cuộc để hướng dẫn học sinh cách cảm thụ, kĩ năng đọc sách hiệu quả, cách ghi nhật ký đọc, cách chọn và sử dụng sách…
Các cuộc thi giới thiệu sách cũng được tổ chức để học sinh có cơ hội chia sẻ, lan tỏa những cuốn sách hay mà mình đã đọc được. Hình thức dự thi vô cùng phong phú như: Làm phim, đóng kịch, vẽ tranh minh họa, viết cảm nhận, thuyết trình, làm sách… về những cuốn sách yêu thích.
Nhiều năm gắn bó với công tác thư viện, cô Nguyễn Thị Thái Hòa – cán bộ quản lý thư viện Trường Olympia – cho biết, chưa bao giờ có một sân chơi tri thức thu hút được đông đảo giáo viên và học sinh tham gia nhiệt tình như thế. Không khí đọc và chia sẻ sách lan tỏa mọi ngõ ngách trong trường, trở thành chủ đề được nói đến nhiều nhất. Cũng chưa bao giờ, thư viện trường học lại bận rộn đến thế, được yêu nhiều đến thế.
“Tôi còn nhớ, Ngày hội đọc sách lần đầu được tổ chức thu hút nhiều nhà sách tới cùng tham dự. Sân khấu lớn được dựng lên cho cuộc thi chung kết giới thiệu sách. Phụ huynh học sinh rưng rưng khi thấy con mình trưởng thành, chững chạc, tự tin trên sân khấu lớn. Rồi tiết chuyên đề về thư viện được tổ chức tại Trường Olympia cho hơn 50 trường học trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội) để chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng văn hóa đọc trong trường học. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào, đáng nhớ mà tôi đã được đồng hành và trải nghiệm trong những năm 2011 - 2015” - cô Nguyễn Thị Thái Hòa chia sẻ.
Những dự án “chạm đến trái tim”
“Người đứng đầu nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy văn hóa đọc” - cô Hòa nói điều này và cho rằng, các phong trào đọc lần lượt ra đời và ngày càng phát triển tại Trường Olympia có “căn nguyên” quan trọng từ việc ban lãnh đạo nhà trường đều là những người rất yêu và thích đọc sách, luôn mong mỏi văn hóa đọc của nhà trường được chú trọng và phát triển. “Họ luôn tin vào giá trị của sách và việc đọc sách sẽ đem lại cho mỗi đứa trẻ. Tin rằng bọn trẻ sẽ học được, sẽ trưởng thành, sẽ thành đạt khi được khám phá đại dương tri thức của nhân loại” – cô Hòa cho hay.
Cán bộ này nhắc lại dự án “Đọc và học” khởi nguồn từ năm học 2010 đã khơi nguồn cho học sinh trong trường niềm yêu thích sách. Thông qua các cuộc thi khám phá tri thức và trả lời câu hỏi thông qua đọc sách, dự án đã tạo nên một sân chơi bổ ích cho học sinh. Náo nức chờ đợi mỗi thứ 6 hàng tuần được sang thư viện và tham gia thử thách; hồi hộp chờ đợi kết quả và luôn được động viên, ghi nhận… đó là những niềm hạnh phúc mà học sinh Trường Olympia đã nhận được. Sân chơi tri thức “Đọc và học” góp phần quan trọng cho các phong trào xây dựng văn hóa đọc sau này.
Sau đó, để việc đọc sách có thể đi vào chiều sâu hơn, thực chất, chạm đến trái tim và trí óc của từng đứa trẻ hơn, Trường Olympia đã có nhiều dự án đọc sách khác như “ Cảm xúc riêng con”, “Reading circle”… Các giờ đọc sách được giao cho giáo viên bộ môn quản lý để giáo viên có thể định hướng đọc cho học sinh tốt hơn, sát hơn với các môn học ở trên lớp. Học sinh được giáo viên hướng dẫn lựa chọn những đầu sách cần đọc mở rộng để bổ trợ cho bộ môn; lựa chọn ít nhất 4 cuốn/20 đầu sách/bộ môn để đọc trong một năm học. Mỗi tuần, trường dành 2 tiết: 1 tiết đọc sách Tiếng Việt, 1 tiết đọc sách Tiếng Anh để giáo viên và học sinh cùng đọc sách. Đây có thể nói là việc làm chưa từng có đối với bất kỳ một trường phổ thông nào trên địa bàn Hà Nội.
Đọc là học; đọc có định hướng; đọc có mục đích… là những việc Trường Olympia làm rất tốt trong thời gian qua. Các sân chơi nhỏ hơn, sâu hơn, ý nghĩa hơn được mở ra cho học sinh có cơ hội báo cáo sản phẩm đọc như: Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn; Câu lạc bộ kịch nghệ (dành cho học sinh khối Tiểu học); dự án “Truyện Kiều”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Hành trình về với cố đô”, STEAM fair… (dành cho học sinh THCS và THPT).
“Tủ sách lớp học”, “Giỏ sách đi dạo”, “Bố mẹ đọc sách cùng con”, “Đi tìm đại sứ văn hóa đọc” ,“Trao đổi sách”… là những đóng góp của thư viện nhà trường để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thư viện trong phát triển văn hóa đọc, nhưng cô Nguyễn Thị Thái Hòa cũng cho rằng, điều quan trọng là phải làm sao để sách phải đến được với từng học sinh; thầy cô, cha mẹ học sinh phải quan tâm đến việc đọc sách của chính con em mình.