Nghĩ đến Tết là bao nhiêu việc phải lo lắng, từ mua sắm, quà cáp đến trang hoàng nhà cửa. Và chắc chắn cái lo lớn nhất của tất cả mọi người đều là tiền tiêu Tết. Lương bao nhiêu, thưởng bao nhiêu, có đủ mua sắm hay phải vay mượn thêm, nghĩ đau đầu mệt óc lắm.
Tôi năm nay đã 45 tuổi, kết hôn được 22 năm là 22 năm sắm Tết cho gia đình. Tôi không dám nhận là đảm đang nhưng hơn 20 năm sắm Tết tôi chưa bao giờ để xảy ra tình trạng lạm chi. Nhiều người cứ nghĩ rằng “cả năm mới có một ngày Tết, khó mà tiết kiệm được”. Tiết kiệm hay không đều do sự tính toán của người phụ nữ hết.
Ảnh minh họa. |
Tôi đã từng mặt mo đi vay mượn khắp nơi hay phải bán đôi hoa tai kỷ niệm mừng cưới chỉ vì muốn “sắm cái Tết tươm tươm cho đỡ thẹn với bạn bè”. Qua những lần vật lộn với Tết ấy, tôi tự hỏi mình là Tết là dịp để đoàn viên sum họp hay để mình ra oai, sĩ diện hão? Từ đó vợ chồng tôi có 1 đồng thì sắm Tết 1 đồng, có 10 đồng thì sắm 8 đồng, Tết có thể không hoành tráng nhưng vợ chồng ấm lòng chứ không phải canh cánh nỗi lo Tết xong lấy gì trả nợ.
Gọi là bí quyết thì hơi quá, tôi xin chia sẻ một số mẹo để chị em sắm Tết trong khả năng của mình như sau:
Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu vừa phải, chứ đừng nghĩ năm nay mình kiếm được thì cứ xông xênh đi. Hằng năm tôi đều nhìn vào thu nhập của hai vợ chồng để lên kế hoạch mua sắm Tết. Kiếm được 1 đồng thì sắm Tết 1 đồng, kiếm được 10 đồng thì sắm 8 đồng, kiếm được 20 đồng thì sắm 10 đồng. Kiếm được 30,50 đồng cũng chỉ sắm 10 đồng. Tức phải đặt một mức giới hạn cho việc mua sắm chứ đừng “thả phanh” có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.
Mua đồ hợp với túi tiền: Hàng hóa bây giờ phong phú, đa dạng nên mua sắm phải cân nhắc. Nếu chỉ có 10 đồng tiêu Tết thì phải vạch rõ các khoản ra bao nhiêu mua thực phẩm, bao nhiêu mua đồ trang trí, bao nhiêu cho tiền đi lại, mừng tuổi. Sau đó cân nhắc các mặt hàng vừa giá để mua.
Tự làm thực phẩm và đi chợ đầu mối: Rất nhiều loại thực phẩm, bánh trái dễ dàng tự làm tại nhà như bánh chưng, giò xào, dưa muối, hành muối, mứt dừa… Tự làm tại nhà vừa rẻ, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiết kiệm nữa thì chị em dậy sớm đi chợ đầu mối sẽ mua được nguyên liệu rẻ.
Mua hàng phải biết trả giá: Đi siêu thị thì không nói làm gì nhưng ra chợ thì các tiểu thương quát giá ghê lắm. Đặc biệt là những ngày giáp Tết, giá cứ kéo nhau tăng vèo vèo mỗi người bán một kiểu. Nhiều chị có thói quen cứ chọn đẫy hàng rồi đưa chủ hàng tính tiền thanh toán, họ thích tính bao nhiêu thì tính, như vậy chủ hàng dễ dàng thổi giá lên. Thay vào đó, lấy loại hàng gì thì hỏi giá luôn, nếu thấy cao hơn bình thường thì hỏi chủ hàng lý do, hợp lý thì mua không thì đi hàng khác.
Mua đủ dùng: Nhiều chị đi siêu thị cứ thấy cái gì bắt mắt là mua, về lại không dùng đến hoặc ít khi dùng. Nên mua những thứ thật sự cần thiết và số lượng vừa phải. Đặc biệt là thực phẩm Tết. Mùng 2-3 siêu thị và chợ đã mở cửa rồi nên chỉ mua trữ đủ cho 2-3 ngày thôi. Mua nhiều quá để tủ lạnh vừa tốn điện, sau Tết không dùng hết lại đổ đi.
Hạn chế mua những thứ có khả năng lớn mình sẽ được tặng: Bánh mứt, rượu bia là những thứ dễ được công ty, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng thưởng Tết/mang biếu khi đến chơi nhà. Nên mua ít để bày và biếu tặng thôi, mua nhiều lãng phí.
Hạn chế mua quần áo: Tết ai cũng muốn diện đồ mới nhưng nên cân nhắc. Đầu tiên là mua đồ hữu dụng có thể mặc hàng ngày, tránh mua những đồ chỉ mặc trưng diện được 1 lần rồi phải đợt dịp lễ, Tết sau mới diện được. Nếu tủ quần áo của bạn đã chật, tốt nhất là không nên mua nữa, chỉ cần cách kết hợp mới là đã có bộ đồ lạ mắt diện Tết rồi.
Sắm Tết vào ngày 30: Các loại đồ trang trí, hoa quả, thực phẩm đặc trưng của những ngày Tết thì ngày 30 cực kỳ rẻ. Vì sau Tết họ không bán được nữa nên phải bán tống bán tháo trong ngày giao thừa. Đồ biếu thì nên mua sớm, còn các đồ cho nhà tôi thường đợi đến chiều 30 mới mua. Có lần mua bó hoa ly đã rẻ hơn mức bình thường còn được khuyến mãi thêm 2 bông.
Cuối cùng, đừng sĩ diện. Nếu không có nhiều tiền thì nên lì xì trong khả năng có thể thôi, 10 ngàn, 20 ngàn đều được, quan trọng là tấm lòng.