Thu phí vỉa hè theo khu vực
Chiều 19/9, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TPHCM khóa X, đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Mức thu phí được chia theo khu vực, tuyến đường và mục đích sử dụng, như sau:
Mức thu phí vỉa hè, lòng đường trên địa bàn tại TPHCM. (Ảnh: UBND TPHCM) |
Khu vực 1, gồm: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực 2, gồm: quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân.
Khu vực 3, gồm: quận 8, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức), quận Tân Phú, quận Gò Vấp.
Khu vực 4, gồm: huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi.
Vỉa hè trên một đoạn đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM được sử dụng để giữ xe. (Ảnh: Lê Nam) |
Quy tắc thu phí như sau: Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong 1 tháng thì tính 1 tháng.
Sở GTVT sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở này quản lý; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Thông qua 87 dự án đầu tư công
Cũng trong kỳ họp này, HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 87 dự án đầu tư công.
Các dự án này trải rộng trên nhiều lĩnh vực như giao thông; hạ tầng; hệ thống thoát nước; xây dựng trường học, bệnh viện; mua sắm trang thiết bị y tế; nâng cấp trụ sở làm việc...
Đáng chú ý là dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5km với tổng mức đầu tư khoảng 9.300 tỉ đồng.
HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Các dự án gồm: Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) ; Trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo tính toán, tổng vốn đầu tư cho 5 dự án này là hơn 37.000 tỉ đồng.
Để thực hiện, UBND TPHCM đề xuất bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (dự kiến 8.360 tỉ đồng), kế hoạch đầu tư công năm 2023 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỉ đồng).
TPHCM tăng hơn 2.000 công chức
Kỳ họp chuyên đề của HĐND TPHCM cũng thông qua đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, thực hiện trong 5 năm.
Theo UBND TPHCM, Thành phố hiện có 245 trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số vượt tiêu chuẩn dân số của phường là trên 15.000 người và của xã, thị trấn là 8.000 người. Đặc biệt có 6 phường, xã có quy mô trên 100.000 dân.
Do đó, tùy theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế phát triển, số lượng cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, diện tích tự nhiên…, chính quyền cấp xã có thêm 1-3 công chức, người hoạt động không chuyên trách.
Về cơ cấu lãnh đạo UBND cấp xã, địa phương đủ 50.000 dân trở lên tăng thêm một phó chủ tịch UBND.
Với phương án này, TPHCM sẽ tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp xã, 323 công chức, 1.809 người hoạt động không chuyên trách làm việc tại phường, xã, thị trấn. Tổng nhân sự tăng lên 2.184 người.
Công chức thuộc Trung ương tại TPHCM được hưởng thu nhập tăng thêm
HĐND TPHCM thông qua quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/8/2023 đến hết thời gian thí điểm của Nghị quyết 98.
Trước đây, việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn được TPHCM thực hiện từ năm 2018 theo Nghị quyết 03/2018 của HĐND TP, khi thành phố thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (giữa) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. (Ảnh: Thành Nhân) |
Khác Nghị quyết 03, Nghị quyết lần này của HĐND TP đã mở rộng diện được hưởng chi thu nhập tăng thêm.
Ngoài cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý; người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn trên địa bàn, sẽ có thêm 4 nhóm cán bộ, công chức được hưởng thu nhập tăng thêm.
Thứ nhất, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.
Thứ hai, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ theo quy định của pháp luật thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do Thành phố quản lý và một số cơ quan Trung ương trên địa bàn.
Thứ ba, người được tuyển dụng vào làm việc theo chỉ tiêu biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền giao số lượng người làm việc và kinh phí hoạt động theo quy định pháp luật.
Thứ tư, công chức đang làm việc tại các cơ quan Trung ương trên địa bàn TPHCM (Sở Ngoại vụ; Cục Thống kê Thành phố và các Chi cục Thống kê cấp huyện; Cục Quản lý thị trường; TAND TP và TAND cấp huyện; Viện KSND TP và Viện KSND cấp huyện; Cục Thi hành án Dân sự TP và Chi cục Thi hành án Dân sự cấp huyện; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố; Cục Thuế Thành phố và các Chi cục Thuế trực thuộc; Cục Hải quan Thành phố và các Chi cục Hải quan trực thuộc; Kho bạc Nhà nước Thành phố và Kho bạc Nhà nước cấp huyện; Bảo hiểm xã hội Thành phố).
Bình luận