Quy hoạch chung TPHCM với kỳ vọng phát triển xứng tầm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, mang ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của Thành phố trong thời gian tới.

Một đoạn tuyến Metro ở TP Thủ Đức. Hiện, tuyến 1 Metro đã hoàn thành khoảng 20km. (Ảnh: Lê Nam)
Một đoạn tuyến Metro ở TP Thủ Đức. Hiện, tuyến 1 Metro đã hoàn thành khoảng 20km. (Ảnh: Lê Nam)

Ngày 12/9, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội nghị mang ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Phát triển đô thị đa trung tâm

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch Thành phố lần này phải dựa trên quy hoạch năm 2010, tiếp thu những định hướng phát triển hiệu quả. Trong đó, phải nêu được thực trạng, nhu cầu phát triển của TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đại diện Việt Nam hội nhập thế giới.

Bộ Chính trị giao TPHCM đến năm 2030 phải là đô thị có vị trí nổi bật ở Đông Nam Á; năm 2045 là đô thị ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới. Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đợt điều chỉnh này được xem là bước ngoặt, định hướng cho sự phát triển mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 24 về định hướng phát triển Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về định hướng phát triển TPHCM.

Báo cáo của UBND TPHCM cho thấy, Thành phố hiện phát triển với một trung tâm rõ nét là khu vực lõi đô thị lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng phụ cận. Thành phố chưa hình thành được mô hình đô thị “nén trung tâm - đa cực” với hệ thống các trung tâm chính, phụ và tiểu trung tâm là yếu tố tạo động lực phát triển theo các cực.

Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, một trong những nhiệm vụ chính ở trong lần quy hoạch này là phát triển không gian đô thị gắn với phát triển hạ tầng giao thông công cộng (mô hình TOD). TOD phải làm đậm trong quy hoạch.

Trong đó, quy hoạch phải phân tích rõ vì sao chưa thực hiện được TOD trong thời gian qua. Thành phố cũng cần tập trung nghiên cứu mô hình đô thị đa trung tâm. Bởi nếu không làm được đô thị đa trung tâm, sẽ phát triển không bền vững theo kiểu từ một trung tâm phát triển “vết dầu loang”.

Theo bản thuyết minh tóm tắt điều chỉnh quy hoạch chung, TPHCM tiếp tục với mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, gồm vùng đô thị trung tâm, vùng trung tâm mở rộng phía Bắc, Nam Sài Gòn, Củ Chi, Cần Giờ và TP Thủ Đức.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố, nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề trước mắt và định hướng trong tương lai.

Bà Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho rằng, bài toán trước mắt trong quy hoạch chung của Thành phố là giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, ngập lụt cục bộ, vi phạm về xây dựng và vấn đề an toàn dân sinh.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, TPHCM có lợi thế với hệ thống kênh rạch tự nhiên, nhiều con sông lớn, cần tận dụng để phát triển Thành phố. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Sài Gòn, vốn là một tài nguyên đặc biệt ít nơi có. TPHCM cần quy hoạch, khai thác tốt tài nguyên này để phát triển mạnh du lịch, kinh tế, phục vụ dân sinh.

Quy hoạch chung của TPHCM đã có từ năm 2010, đến nay có những vấn đề mới phát sinh từ quy mô dân số, mô hình phát triển đô thị, vấn đề tổ chức hệ thống hạ tầng trong vùng, kinh tế - xã hội. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố lần này giải quyết việc đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.

Một góc phía Đông TPHCM tại TP Thủ Đức. (Ảnh: Lê Nam)
Một góc phía Đông TPHCM tại TP Thủ Đức. (Ảnh: Lê Nam)

Người dân kỳ vọng

Quan tâm và theo dõi thông tin quy hoạch chung của TPHCM từ hơn 20 năm nay, ông Trần Văn Tâm (68 tuổi, viên chức hưu trí, ngụ TP Thủ Đức) cho rằng, mục đích lớn nhất của quy hoạch chung phải là giải quyết các vấn đề tắc nghẽn bấy lâu trong phát triển đô thị, hạ tầng và giao thông.

Bởi đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, cũng là “nút thắt” trong việc phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Trong đó, những vấn đề như ngập úng, ùn tắc giao thông, xây dựng nhà ở, môi trường… là những điểm nghẽn mà TPHCM chưa có giải pháp triệt để.

Theo ông Tâm, với định hướng trở thành trung tâm giao thương quốc tế của cả nước, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế, người dân rất kỳ vọng quy hoạch chung phải đặt Thành phố xứng tầm đô thị đặc biệt.

Nếu như trước đây, bản quy hoạch Sài Gòn của Coffyn có tên “Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon” có quy mô diện tích chỉ 25km2, gắn với hạ tầng cho đô thị 500 nghìn dân, nay TPHCM đã mở rộng hơn 2.000km2 với dân số hơn 10 triệu người. “Do đó, lời giải cho bài toán về giao thông, hạ tầng đô thị, môi trường phải rất khác và mang tính đột phá”, ông nói.

Cũng theo ông Trần Văn Tâm, TPHCM hiện đã có nhiều cơ chế phát triển, đặc biệt từ Nghị quyết 98 của Quốc hội trong lĩnh vực về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường. Do đó, lãnh đạo Thành phố nên tận dụng triệt để các cơ chế này để có được quy hoạch chung ổn định, hiệu quả và lâu dài.

Một số người dân khác nêu quan điểm, ngoài việc phát triển đô thị xứng tầm trong khu vực và quốc tế, Thành phố cần giữ gìn bản sắc văn hóa, lưu giữ các công trình, di sản mang đặc trưng của TPHCM và Nam Bộ.

Trước đó, UBND TPHCM đã có cuộc họp về việc cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kết luận: Hệ thống giao thông của TPHCM cần nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch Thành phố là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước giảm dần áp lực tại khu trung tâm, hướng đến hình thành, phát triển các khu đô thị “vệ tinh”, gắn với chức năng đô thị nổi trội trong tổng thể và vùng đô thị. Trong đó, TP Thủ Đức đóng vai trò là đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái, cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển; khu đô thị phía Nam, Tây Nam là cửa ngõ kết nối với miền Tây; khu đô thị Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Campuchia. Quy hoạch đô thị TPHCM có hệ thống giao thông đa dạng và kết nối đồng bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.