Chi thường xuyên cho giáo dục: Nhà trường 'giật gấu vá vai'

GD&TĐ - Hiện ngân sách chi cho giáo dục chủ yếu là trả lương; còn lại chi cho hoạt động thường xuyên không nhiều. 

Cô trò mầm non huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tự làm đồ dùng phục vụ dạy học.
Cô trò mầm non huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tự làm đồ dùng phục vụ dạy học.

Trong hoàn cảnh thiếu hụt kinh phí đó, các trường đành chọn giải pháp “giật gấu vá vai”.

Nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí

Kinh phí không bảo đảm, điều này đồng nghĩa việc đầu tư cho hoạt động chuyên môn thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lạm thu tại nhiều nơi. Mới đây, tại tỉnh Bạc Liêu, phụ huynh phản ánh, mỗi học sinh đóng 300.000 đồng để mua tivi, sửa cổng trường, thăm giáo viên ốm.

Theo giải thích của lãnh đạo nhà trường, hỗ trợ phương tiện thực hiện Chương trình mới, mua tivi rất cần thiết. Học sinh lớp 12 cần ôn tập, nếu có tivi hỗ trợ thì tiết kiệm thời gian, hiệu quả dạy và học tốt hơn. Còn cổng trường, trường mời phụ huynh khảo sát cho thấy cổng được làm hơn 14 năm, đã xuống cấp. Để bảo đảm an toàn cho học sinh ra vào, phụ huynh cũng thống nhất làm lại.

“Trường phải gồng mình dùng kinh phí lương của 41 nhân lực để chi trả cho 55 nhân lực hiện hữu. Trước tình hình này, năm học vừa rồi, nhà trường đã hụt kinh phí hoạt động vào những tháng cuối năm”, một hiệu trưởng ở Cà Mau chia sẻ.

Thực tế một số trường học hiện gặp khó khăn về kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng. Nguyên nhân do tình trạng thiếu biên chế, thiếu giáo viên nên các trường phải hợp đồng giảng dạy. Khi trường hợp đồng để bảo đảm công tác giảng dạy thì phải có kinh phí trả lương cho giáo viên trong biên chế để bù sang lương giáo viên hợp đồng.

Tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2, 3, 6, 7 ở nhiều trường vẫn còn thiếu. Một số trường lại gặp khó do thiếu phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp, không thể dạy học 2 buổi/ngày. Các phòng chức năng thiếu rất nhiều, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hành thí nghiệm. Theo thống kê của phòng GD&ĐT, toàn huyện còn 55 phòng học, 23 phòng chức năng đã có chủ trương xây dựng nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn.

Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, ngoài khó khăn về tình trạng vừa thiếu, vừa thừa giáo viên, vấn đề thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất từ nhiều năm nay gần như khó có thể giải quyết dứt điểm. Bởi lẽ, trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất được trường này thì trường khác lại xuống cấp, xuất hiện khó khăn mới...

Thực tế cho thấy, quy mô phát triển giáo dục hằng năm của tỉnh trong những năm gần đây đều tăng, nhất là đối với cấp THCS và THPT. Do đó, giáo viên giảng dạy cũng tăng theo, trong khi biên chế được giao còn thấp so với định mức quy định. Ngoài việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ở các cấp học, ngành học…

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) tham gia Ngày hội đọc sách do nhà trường tổ chức.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) tham gia Ngày hội đọc sách do nhà trường tổ chức.

“Gói ghém” sao cho tiết kiệm nhất

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), hiện ngân sách các trường phần lớn dùng để chi trả lương cho thầy cô. Vì vậy, cơ sở giáo dục rất vất vả trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Cũng chính vì lý do này, các trường phải vận dụng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh để có kinh phí tổ chức hoạt động cho trò.

“Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng chung một ý kiến. Thực tế thời gian qua chỉ cần một vài phụ huynh không đồng quan điểm đóng góp quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, việc này đã phải dừng lại. Điều đó cũng khiến các nhà trường cảm thấy bị tổn thương. Bởi chỉ một vài người không chung quan điểm mà mọi thứ phải ngưng lại hết, cho dù nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng góp để hỗ trợ nhà trường, để tổ chức các hoạt động cho con em mình”, thầy Phú cho hay.

Cũng theo thầy Phú, thực tế, ngân sách rót xuống không đủ để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh, vì vậy sự hỗ trợ từ phía phụ huynh rất quan trọng. Mỗi người đóng góp một chút cùng chung tay, phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động. Nhìn chung, nhà trường đều sử dụng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng mục đích vì vậy phụ huynh ủng hộ.

Trường THPT Nguyễn Du là trường chất lượng cao, tiên tiến hội nhập quốc tế nên thuận lợi hơn các trường khác khi có nguồn kinh phí tổ chức nhiều hoạt động cho các em. Cụ thể với mô hình này, học phí học sinh đóng góp lên tới 1,5 triệu đồng/tháng, nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục như: Dạy tiếng Anh với người nước ngoài, dạy các kỹ năng, môn nghệ thuật cho học sinh. “Tuy nhiên, kinh phí này chỉ đủ để hỗ trợ hoạt động trên, còn nhiều sự kiện khác, nhà trường phải trích nguồn từ ngân sách được cấp để tổ chức, nhưng phải rất tiết kiệm”, thầy Phú cho hay.

Còn theo chia sẻ của thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), ngân sách cấp cho trường chủ yếu chi trả cho con người và tiền điện nước, sửa chữa máy móc trang thiết bị, tổ chức một số hoạt động trong nhà trường.

Cũng do nguồn kinh phí hạn chế, nên hàng năm vào dịp khai giảng hay tổng kết năm học, nguồn kinh phí tổ chức khen thưởng học sinh giỏi hay tặng học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn nhà trường chủ yếu đi vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đối với việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hay giáo dục kỹ năng sống cho học sinh buộc phải đi vận động.

“Với các hoạt động trong nhà trường như: Lễ khai giảng, tổng kết năm học hay tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường cũng phải “gói ghém” sao cho tiết kiệm nhất. Ngoài ra, mỗi năm 1 lần nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khoá cho học sinh đi tham quan tại các di tích lịch sử, bảo tàng… trên địa bàn TPHCM. Nhưng do điều kiện địa lý xã đảo đi lại khó khăn, kinh phí không nhiều, trường không kham nổi nên mỗi lần tổ chức đợt học tập ngoại khoá buộc phải vận động cha mẹ học sinh đóng góp”, thầy Bình cho hay.

Một số địa phương, việc phân cấp quản lý giáo dục hiện vẫn tồn tại “bức tường vô hình” khiến công tác quản lý giáo dục bị “cắt khúc”, thiếu hiệu quả. Như việc quy hoạch, phát triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên của các địa phương ngoài tầm tay của ngành Giáo dục, đây rõ ràng là một bất cập. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu trường lớp; thừa thiếu giáo viên cục bộ; trường học xuống cấp thì chất vấn Sở GD&ĐT trong khi địa phương trực tiếp quản lý! - Nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ