Mọi người thường gán cho cuộc sống nhiều stress (căng thẳng tâm lý) là tác nhân gây nên các bệnh mãn tính, các tổn hại của nhiều bộ phận cơ thể; là nguyên nhân gây ra các rối loạn cảm xúc, các hành vi cư xử bạo lực…
Hình ảnh stress được nhìn như một đối thủ cần bị tiêu diệt xuất phát từ Giáo sư bác sĩ Selye Janos, người sáng lập lý thuyết stress vào những năm 1930 và đã vẽ nên bức tranh cụ thể về tác hại mà stress gây ra với cơ thể con người.
Theo ông, khi bị căng thẳng, trong cơ thể chúng ta hình thành trạng thái tỉnh táo cao độ, giúp chúng ta chuẩn bị hành động hay chạy trốn. Tuần hoàn máu được tăng cường ở các cơ quan liên quan như tim, phổi, não trong khi các cơ quan khác như dạ dày gần như ngừng hoạt động.
Tình trạng này càng mạnh mẽ bao nhiêu càng làm cơ thể suy kiệt bấy nhiêu nên sau một thời gian dài sẽ dẫn đến các tổn thương không thể phục hồi.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác động xấu của stress tới sức khỏe nhưng rất ít người kiểm tra xem mọi việc thay đổi như thế nào nếu quan điểm về stress thay đổi.
Abiola Keller đã tìm câu trả lời trong một nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison với 29.000 người tham gia từ năm 1998-2006.
Mối nguy hay tác nhân bảo vệ
Theo số liệu thống kê năm 1998, cứ 10 người dân Mỹ được hỏi thì có 6 người cho rằng họ bị căng thẳng tâm lý làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng không ai làm gì để giảm bớt tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cuộc sống của những người tham gia thí nghiệm trong tám năm và tìm hiểu mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong sớm của họ với những câu trả lời đã được ghi nhận. Kết quả thật đáng kinh ngạc.
Nguy cơ tử vong sớm tăng lên 43% ở nhóm người bị stress và cho rằng stress có hại cho sức khỏe, trong khi nhóm người cũng bị stress nhưng không coi đó là tác nhân gây hại cho cơ thể có tỷ lệ tử vong sớm thấp nhất. Có thế thấy rõ ràng rằng các suy nghĩ của chúng ta vừa có thể là mối nguy vừa có thể là tác nhân bảo vệ.
Nhiều người coi stress như một trở ngại, tuy nhiên, có thể chuyển nó thành lợi thế. Theo nhà tâm lý học Kelly Mc Gonigal, con người sẽ khỏe mạnh và thành công hơn khi thay đổi quan điểm về stress và thay đổi các phản ứng của cơ thể với nó.
Không nhất thiết phải xem biểu hiện của stress là sự hoảng hốt hay tê liệt mà hãy coi nó như một quả bom năng lượng giúp chúng ta đạt tới năng lực tối đa. Những người tham gia thí nghiệm và được huấn luyện để cảm nhận các triệu chứng stress một cách tích cực đều đạt được hiệu suất làm việc cao trong hoàn cảnh stress và các chỉ số sinh lý của họ cũng có nhiều cải thiện.
Hãy giả vờ cho đến khi bạn thực sự là như vậy
Có giải pháp cho những người khó thoát khỏi ám ảnh về stress.
Cũng như não tác động đến cơ thể, cơ thể cũng có thể tác động ngược tới não. Nếu chúng ta không thấy tim đập nhanh và thở gấp trong hoàn cảnh căng thẳng thì đó là sự trợ giúp của cơ thể để chúng ta hành động tốt hơn, hãy đánh lừa não bộ. Một giải pháp đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả là đứng dang chân và đặt hai tay lên hông trong hai phút.
Có thể nhiều người không tin nhưng theo nhà tâm lý xã hội học Mỹ - Amy Cuddy, chỉ hai phút với tư thế quyền lực (power pose) sẽ đem lại tác dụng rõ rệt. Trong các thí nghiệm của ông, một nửa số người tham gia được yêu cầu dùng các tư thế thể hiện quyền lực như ngồi gác chân lên bàn; nửa còn lại được yêu cầu dùng các tư thế thể hiện sự yếu đuối như ngồi khom lưng.
Phân tích mẫu nước bọt của những người tham gia thí nghiệm cho thấy chỉ sau hai phút đã diễn ra các thay đổi về hormon trong cơ thể. Ở nhóm đầu, các hormon tích cực tăng 20% và các hormon stress giảm 25%. Kết quả hoàn toàn trái ngược ở nhóm đóng giả sự yếu đuối.
Amy Cuddy khẳng định cơ thể có thể tác động đến nhận thức, nhận thức tác động đến cách chúng ta hành xử và qua đó thay đổi chuỗi các sự việc. Hãy làm như chúng ta tự tin cho đến khi chúng ta trở nên tự tin thực sự.
Chúng ta đi nghỉ mát, chơi thể thao và có khi còn làm nhiều việc có hại cho sức khỏe để giảm bớt căng thẳng. Chúng ta có thể trả các khoản chi phí lớn trong khi phương pháp giảm căng thẳng hiệu quả nhất lại không phụ thuộc vào tiền bạc, thời gian và địa điểm, chỉ cần bộ não của chính mình.
Tùy chúng ta có thể làm gì với nguồn năng lượng này. Có thể cố gắng kiềm chế nó, có thể tiêu hao nó vào các hoạt động khác nhau và cũng có thể biến nó thành nguồn năng lượng sáng tạo giúp chúng ta đạt tới các mục đích của mình.