Buổi trưa con đường Âu Cơ đoạn phường 10, quận Tân Bình, TP HCM vẫn đông người qua lại. Người đông, khói, bụi cùng những tiếng còi inh ỏi làm không khí thêm nóng bức. Bên trong tiệm sửa xe không tên bà Đỗ Thị Kim Hoa, 64 tuổi, tranh thủ lúc vắng khách ngồi nối các đoạn dây thun lại để có cái lót khi thay xăm, lốp và nhiều việc khác. Nắng nóng hắt vào làm mặt bà đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng miệng vẫn cười tươi khi có khách vào.
Bà cho biết, tiệm sửa xe được bố mẹ mở từ năm 1967. Hồi đó, bố bà là thợ sửa xe đạp, mẹ thì sửa ôtô. Cưới xong, ông bà hùn vốn lại mở tiệm. Ông đi học thêm nghề sửa xe máy, xe ba gác để có thể sửa được tất cả các loại xe.
9 người con ra đời đều là con gái. Nhà khó khăn nên chẳng ai đi học đầy đủ.
Bà Hoàn là người thạo nghề nhất nhà, có thể sửa được máy, làm phanh, tăng sên, tuy nhiên không thạo... |
Năm 1987 bố mẹ mất, 7 cô con gái quyết định nối nghiệp. Thời gian đầu, ai cũng lớ ngớ khi thực sự phải cầm cà lê, mò lết vắn ốc, cạy bánh xe. "Ngày nào xong việc chân tay cũng mỏi nhừ, lấm lem, người hôi mùi dầu nhớt tắm, rửa xà bông mãi chẳng hết, tôi ngại chẳng dám đi gặp người yêu", bà Hoa kể.
Trong bảy chị em có bà Hoàn (54 tuổi) được bố chỉ tận tình và chịu khó học từ năm 14 tuổi, vì thế thạo nghề nhất. Mỗi ngày, khi tiệm vắng khách, bà lại chỉ lại cho các chị em, riết rồi ai cũng làm được. Tuy nhiên, tiệm chủ yếu vá, thay lốp, xăm, còn sửa máy, làm phanh, sửa xe tay ga hay làm các công đoạn khó thì không được.
"Hôm rồi, có 5 khách mang xe tay ga cũ đến sửa máy, làm lại một số bố phận, chúng tôi phải chối, vì không làm được", bà Hoa nói.
Sau nhiều lần hội ý đặt tên cho tiệm không thành, họ quyết định để tiệm không tên, lấy sự thật thà, niềm nở, làm việc chuyên nghiệp để phục vụ khách, người nọ truyền tai cho người kia.
“Trước đây, khách đông, chị em tôi phải chia nhau, đứa vá xăm, thay lốp, đứa thay phụ tùng, đứa bảo trì máy, ai không thạo tay nghề thì phụ lấy đồ, đi mua phụ tùng”, bà Hoa nói.
Bà Hoa là người có thâm niên lâu năm nhất. |
Nhiều người hỏi, cả ngày không có thời gian làm đẹp làm sao giữ được chồng, bà Hoàn cười lớn: "Công việc này cho chị em tôi thu nhập để nuôi sống gia đình, nếu hôn nhân không hạnh phúc thì níu kéo cũng không được". Bà cũng cho biết, trong 7 chị em làm nghề thì có đến 3 người ly hôn, phải nuôi con một mình. Nhưng đổi lại, chị em ai cũng thương yêu, đùm bọc nhau và có thu nhập để lo cho cuộc sống.
Mấy năm trở lại đây, đường Âu Cơ liên tục tắc và cấm không cho xe tải đi qua cùng nhiều tiệm mọc lên, vì thế, lượng khách ít hẳn, xe ba gác và ôtô cũng không ghé, chị em bà Hoa phải mở thêm quán nước cho cô út trông coi để kiếm thêm thu nhập. Tiệm sửa xe bây giờ cũng chỉ còn bốn người, hoặc không lấy chồng hoặc gia đình riêng không hạnh phúc nên sống cùng một nhà. Ba người còn lại lấy chồng nơi khác, cũng kiếm sống bằng nghề sửa xe.
Bà Hoa cho biết, sức khỏe của mấy chị em cũng đã yếu, vì thế, ngồi lâu người lại mỏi, nhưng vì miếng cơm manh áo phải gắng làm. Trong nhà có cháu trai, thích nghề sửa xe và đang học thêm kỹ thuật để tiếp tục nối nghề của các dì.
Là khách hàng lâu năm của tiệm, anh Thanh (45 tuổi) cho biết, nhà ở cách xa cả km nhưng khi xe thủng xăm hay cần thay lốp là anh dẫn đến cho chị em bà Hoa sửa. "Dù một số bộ phận khó của xe các chị ấy không làm được, nhưng vá xăm, thay lốp thì rất cẩn thận, vì thế, tôi rất yên tâm khi giao xe mà không lo vấn đề tráo đồ hay bị mất bugi", anh Thanh nói.
Bà Phạm Thị Thanh Mai, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường 10, quận Tân Bình, TP HCM cho biết, tiệm của chị em bà Hoa được hầu hết người dân trong phường biết vì có thâm niên lâu năm, người hành nghề là nữ, và còn vì sự thật thà, chuyên nghiệp, cẩn thận của họ. "Làm công việc của đàn ông nhưng họ chẳng ngại khó và nề hà chuyện gì", bà Mai nói.