Tiêm kích đánh chặn tầm cao MiG-31 (NATO gọi bằng cái tên Foxhound) cho dù đã rất cao tuổi nhưng nó vẫn sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật rất đáng gờm mà các "đàn em" khó lòng theo kịp.
Truyền thông Nga mới đây cho biết, 2 máy bay tiêm kích đánh chặn tầm cao được hiện đại hóa đã đi vào hoạt động trong thành phần tác chiến của VKS. Đây là những chiếc MiG-31BM đã được biên chế tại một trung đoàn hàng không ở Quân khu Trung tâm.
Biên đội chiến đấu cơ nói trên đã bay hơn 4.000 km từ địa điểm hiện đại hóa đến căn cứ triển khai của chúng. Theo truyền thông Nga, quá trình nâng cấp chủ yếu tập trung vào các hệ thống điện tử hàng không của máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó máy bay còn được tích hợp một số thành phần kỹ thuật mới, thiết bị điều hướng tối tân, cũng như cải thiện một vài đặc tính kỹ thuật.
Giới chuyên gia cho rằng so với MiG-31 nguyên bản thì MiG-31BM đã có hiệu suất tác chiến gấp đôi. Nhà sản xuất cho biết, một nhóm gồm 4 tiêm kích đánh chặn MiG-31BM có thể kiểm soát không gian với chiều dài dọc theo mặt trận là 800 - 900 km.
Càn nhắc lại, MiG-31 là tiêm kích đánh chặn siêu âm hai chỗ ngồi với tầm hoạt động xa, nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở bất kỳ dải độ cao nào, vào mọi thời điểm trong ngày, trong điều kiện thời tiết đơn giản cũng như bất lợi.
Không cần tiếp dầu trên không, MiG-31 vẫn có thể vượt qua quãng đường 3000 km. Trần bay của Foxhound lên tới 20,5 km. Thời gian bay trung bình mà không cần tái nạp nhiên liệu là 3,3 giờ.
Quá trình hiện đại hóa MiG-31BM bắt đầu vào năm 2020. Mục tiêu chính của Bộ Quốc phòng Nga là tăng số giờ bay của chiến đấu cơ. MiG-31 hiện có giới hạn cho phép là 2.500 giờ bay, trong khi MiG-31BM sẽ tăng cường con số này lên 3.500 giờ bay.
Tiêm kích MiG-31K của Nga với tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. |
Nga rất tích cực sử dụng MiG-31 trong cuộc chiến với Ukraine. Một báo cáo của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) đã gọi Foxhound là tiêm kích hiệu quả nhất trong chiến tranh.
Khả năng hoạt động ở độ cao lớn và phối hợp với máy bay chiến đấu khác hầu như luôn đảm bảo thành công cho Foxhound. Tính hiệu quả còn được thể hiện rõ qua số lượng máy bay Ukraine bị MiG-31 bắn rơi.
Cho tới lúc này, chỉ có hai tiêm kích MiG-31 bị phá hủy, trong đó một chiếc bị bắn hạ và chiếc thứ hai hư hỏng trên mặt đất, sau cuộc tấn công nhằm vào Căn cứ Không quân Saki ở bán đảo Crimea.
Cấu hình tốt nhất kể từ đầu cuộc chiến là MiG-31 được trang bị tên lửa không đối đất siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm). Nga đã nhiều lần sử dụng cặp đôi này khi thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Gần đây nhất, Moskva đã triển khai 2 chiếc MiG-31 được trang bị tên lửa Dao găm tới Belarus. Theo các chuyên gia phương Tây, MiG-31 có thể tấn công bất kỳ căn cứ quân sự châu Âu nào nếu nó cất cánh từ Belarus và phóng tên lửa Kinzhal.