Nga đã tránh được đòn trừng phạt mà các nước phương Tây nỗ lực chuẩn bị từ mấy tháng trước. Nhận định trên được đưa ra bởi nhà báo người Anh Anthony Ashkenaz trong bài viết đăng trên tờ Daily Express.
Cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga hạn chế cung cấp nhiên liệu cho châu Âu đã dẫn đến thực tế là giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Nhờ đó, thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Nga đã đạt đến mức phi thường.
Theo nhà báo Anthony Ashkenaz, các quốc gia phương Tây không hài lòng với tình hình hiện tại và họ muốn hạn chế lợi nhuận kỷ lục của Nga từ việc bán dầu và khí đốt. Một kế hoạch công phu đã được phát triển cho việc này, nhưng Moskva đã tránh được cuộc tấn công.
Tác giả bài viết đăng trên ấn phẩm của Anh lưu ý: “Tổng thống Putin đã giúp nước Nga tránh một cách đầy hiệu quả cuộc tấn công do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành nhằm vào 'con bò sữa' của Moskva".
Liên minh châu Âu đã áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga. |
Để kiềm chế lợi nhuận kỷ lục của Nga, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đã thông nhất áp đặt mức trần đối với giá dầu xuất khẩu của Nga trước mắt là 60 USD/thùng.
Kèm theo biện pháp trừng phạt này, các quốc gia thuộc nhóm G7 sẽ từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính, môi giới, vận chuyển... và một số lĩnh vực khác đối với các hãng vận tải dầu không tuân thủ mức giới hạn giá đã thiết lập.
Tuy nhiên trong khi các nước phương Tây tìm cách cắt đứt quan hệ mua bán năng lượng với Nga, Tổng thống Vladimir Putin lại đang chuyển hướng xuất khẩu năng lượng của đất nước sang phía Đông và đã thu được thành công đáng kể.
Khi Mỹ và EU xa lánh dầu mỏ của Nga, Ấn Độ cùng với Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường thu mua với khối lượng rất lớn. Ấn Độ đã làm rất tốt, với việc nhập khẩu dầu của Nga tăng tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 908.000 thùng/ngày trong tháng 11/2022.
“Xuất khẩu nhiên liệu của Nga sang Ấn Độ đã tăng vọt, với việc Moskva hiện chiếm 23% tổng lượng dầu nhập khẩu của New Delhi, lên tới khoảng 4 triệu thùng/ngày vào tháng trước”, người phụ trách chuyên mục của tờ Daily Express cho biết.
Thương mại năng lượng ngày càng tăng của Nga với Ấn Độ và Trung Quốc đang làm thất bại những nỗ lực của phương Tây nhằm cắt giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moskva.
Điều này gây khó chịu đến mức Mỹ và EU bắt đầu công khai kêu gọi New Delhi tham gia chế độ trừng phạt. Tuy nhiên Ấn Độ đã từ chối yêu cầu này, họ tuyên bố rằng các công ty trong nước sẽ tiếp tục mua dầu của Nga, bất chấp biện pháp hạn chế.
Như vậy có thể thấy rằng Nga đang bước đầu tìm được thị trường thay thế cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, nhu cầu của hai nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc là rất lớn, hoàn toàn có thể bù đắp cho EU.
Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng dầu của Nga bán cho Ấn Độ không phải theo mức giá thị trường, từ lâu nay đã xuất hiện thông tin cho biết New Delhi yêu cầu Moskva chiết khấu tới 30%, nghĩa là còn thấp hơn giá trần mà EU áp đặt.
Nhưng cần nhấn mạnh, Điện Kremlin vẫn chấp thuận điều kiện trên, cho dù họ không thực sự được lợi về mặt kinh tế, điều này có thể xuất phát từ toan tính đường dài, đồng thời là sự đáp trả những hạn chế do EU đưa ra.