Chết trên Facebook

Chết trên Facebook

(GD&TĐ) - Yvette Vickers, một cựu người mẫu Playboy kiêm diễn viên phim kinh dị được khán giả yêu phim ảnh Mỹ biết đến qua bộ phim “Attack of the 50 Foot Woman”, đã bước sang tuổi 83. Bà đã qua đời một cách buồn thảm trước ngày sinh nhật như một kẻ “tứ cố vô thân”.

Theo báo cáo của giám định pháp y Los Angeles, Vickers chết vào thời điểm tốt nhất của năm: đầu năm mới 2012. Người phát hiện ra cái chết của bà là người láng giềng từng một thời là đồng nghiệp-Susan Savage.

Chìm trong hế giới ảo

Khi thấy mạng nhện giăng đầy và những lá thư úa vàng trong hộp thư lưu trữ của Vickers, nghi có điều gì không ổn, Savage thò tay qua cửa sổ bị vỡ để mở cửa chính và bước qua đống thư từ bỏ lẫn với quần áo chắn ngang lối đi. Đi lên lầu, bà thấy xác của Vickers đã bị phân hủy gần một lò sưởi vẫn đang hoạt động.

Máy tính cũng mở và ánh sáng màn hình hắt vào khoảng không trống rỗng. Sau đó, tờ Los Angeles Times đăng một câu chuyện gây sốc nhan đề “Mummified Body of Former Playboy Playmate Yvette Vickers Found in Her Benedict Canyon Home” nói về việc tìm ra xác Vickers trong ngôi nhà riêng của bà ở Benedict Canyon. Chỉ trong vòng 2 tuần, theo trang thông tin công nghệ Technorati, cái chết trong cô đơn của Vickers được chia sẻ bởi 16.057 “post” trên Facebook và 881 “tweet” trên Twitter.

Từng là thần tượng của thể loại phim kinh dị trong một thời gian khá dài, một biểu tượng của Hollywood trong việc khai thác sự sợ hãi của con người trong các bối cảnh rợn tóc gáy nhất, nay bà cũng là biểu tượng của “nỗi sợ cô đơn (fear of loneliness) đang ám ảnh nhiều người. Rõ ràng, nhờ các trang mạng xã hội, Vickers “đã chết” được quan tâm hơn Vickers “còn sống” vào những năm tháng cuối đời. Nói chung, bà sống trong cô đơn, nhưng “đông vui” sau khi chết.

Vickers không có con cái, không tham gia một cộng đồng tôn giáo nào và cũng không sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp hay giai cấp nào cả. Tất cả những mối quan hệ và có là “bạn bè” trên các mạng xã hội. Savage cho tạp chí Los Angeles biết là bà đã lục lọi danh bạ điện thoại của Vickers để tìm hiểu cuộc sống riêng của bạn mình, và cố tìm manh mối dẫn đến cái chết bi thảm của bạn.

Bà phát hiện ra trong nhiều tháng trước khi chết, Vickers không hề gọi điện cho bạn bè hay gia đình mà chỉ gọi cho những bạn bè ở xa mà bà chọn và kết thân qua các “nhóm bạn” (Friends) và “diễn đàn” (Forum) trên internet và các mạng xã hội. Mạng lưới kết nối ảo của Vickers ngày càng rộng nhưng nông hơn, giống như số đông tham gia thế giới ảo khác. Bạn bè ảo đôi khi ở cách nhau nửa vòng trái đất. Sự giao tiếp trực diện ngày càng giảm. Vòng kết nối bạn bè ngoài đời thực giảm dần.

Tất cả đã đẩy bà Vickers vào thế đơn độc, không chỉ trong một vài giờ mà hết ngày này sang tháng khác. Sống trong một thế giới tràn ngập cơ hội kết bạn với vô số mạng xã hội, giao tiếp giữa người và người chuyển sang hình thức mới: giao tiếp ảo. Từ giao tiếp ảo đến giao tiếp thật là một bước dài, thậm chí không bao giờ xảy ra. Hệ quả là bà Vickers sống trong thế giới ảo nhiều hơn là thế giới thật. Sự mâu thuẫn lộ rõ dần: càng kết nối nhiều bạn bè, bà càng cô độc.

Cô đơn và mạng xã hội

Cô đơn có thể không giết Yvette Vickers, nhưng nó dễ gây ra bệnh tật như đau tim dẫn đến cái chết. Có không ít người bỏ ra nhiều tiền để giải phóng mình khỏi sự cô đơn mà không cần đến internet. Ví dụ họ chuyển ra sống tại ngoại ô thoáng đãng. Trốn chạy cô đơn bằng trang mạng xã hội đã chứng tỏ sự hạn chế của nó, thậm chí chỉ làm cho tình hình tệ hơn.

Thống kê cho thấy, người Mỹ cô đơn hơn bao giờ trước đó. Nếu vào năm 1950, chỉ có ít hơn 10 hộ gia đình Mỹ có 1 nhân khẩu thì đến năm 2010, gần 27% hộ gia đình Mỹ rơi vào trường hợp này. Năm 2010, một nghiên cứu của tiến sĩ Ronald Dworkin làm theo đơn đặt hàng của Viện Hoover cho thấy vào cuối thập niên 1940, nước Mỹ có 2.500 bác sĩ tâm lý, 30.000 nhân viên xã hội và ít hơn 500 nhà trị liệu hôn nhân và gia đình.

Đến năm 2010, số bác sĩ tâm lý lên đến 77.000, nhân viên xã hội tại bệnh viện tăng lên 192.000 (chưa kể 400.000 ngoài bệnh viện), 50.000 nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, 105.000 cố vấn sức khoẻ tâm thần, 220.000 cố vấn cai nghiện ma túy, 17.000 y tá tâm thần và 30.000 huấn luyện viên kỹ năng sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy cô đơn không phải đến từ các tác động ngoại lai mà là một “tình trạng tâm lý”.

Một bảng phân tích năm 2005 từ công trình nghiên cứu một cặp thanh niên song sinh Đức cho thấy xu hướng thích sống đơn độc có yếu tố di truyền, giống như các vấn đề tâm thần khác (lo âu chẳng hạn). Cô đơn là tình trạng khó chẩn đoán hay định nghĩa. Hiện công cụ tốt nhất để đo lường sự cô đơn là “Thước đo Cô đơn” (UCLA Loneliness Scale) gồm 20 câu hỏi đều bắt đầu bằng đoạn văn “Bạn thường cảm thấy thế nào…?” (How often do you feel …?).

Cuộc khảo sát “2010 AARP” phát hiện ra 35% người Mỹ trưởng thành hơn 45 tuổi bị cô đơn kinh niên so với 20% của thập niên trước.

Theo một nghiên cứu quan trọng khác của một học giả hàng đầu về vấn đề này, có hơn 20% người Mỹ, tức khoảng 60 triệu người sống không hạnh phúc mà nguyên nhân là do cô đơn. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra những người có xu hướng thích sống đơn độc thường bỏ ra nhiều thời gian hơn cho Facebook. Một phát hiện lý thú nữa là những người sống nội tâm thường sử dụng không gian “wall” của Facebook, trong khi những người hướng ngoại dùng thêm tiện ích “chat” của Facebook.

Trên thực tế, con người sẽ thấy mất mát rất lớn nếu tất cả các kết nối từ email đến chat, từ tin nhắn đến blog, mạng xã hội bị tước đoạt. Thậm chí chúng ta không thể sống nổi nếu thiếu chúng. Con người đã bị ràng buộc với thế giới ảo nói chung và Facebook nói riêng đến nỗi không lực lượng nào có thể chia tách.

Hảo Dũng

(Theo The Atlantic Unbound và The Economist 9.2013)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ