Chênh lệch nội - ngoại thành
Tại TPHCM, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay không nhiều biến động so với các năm trước. Trong tốp 14 trường có điểm chuẩn cao nhất từ 35 đến 41 điểm, với cách tính điểm Toán, Văn nhân đôi cộng với điểm Ngoại ngữ (tổng cộng 5 hệ số), nếu muốn trúng tuyển, điểm trung bình môn của thí sinh phải đạt sẽ dao động từ 7 - 8,2.
Ở phía ngược lại, các trường vốn có điểm chuẩn thấp trong các năm trước, năm nay chưa ghi nhận sự chuyển biến nhiều. Trong đó, có 4 trường thuộc huyện Cần Giờ có điểm chuẩn 16, tức học sinh chỉ cần đạt trung bình 3,2 điểm/môn. Theo thống kê, trong số 108 trường THPT ở TPHCM, có 16 trường có điểm chuẩn từ 16 - 20 điểm nằm ở các quận/huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Quận 8, Quận 9. Toàn thành phố, cũng có tới 48 trường có điểm chuẩn dưới 25, tức chưa đầy 5 điểm/môn… Trong đó, thấp nhất là 4 trường ở huyện Cần Giờ lấy 16 điểm mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu.
Tại TP Cần Thơ, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa trường THPT nội - ngoại thành cũng thể hiện khá rõ. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2020 - 2021 dao động từ 5,3 - 36,9 điểm. Trong đó, Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) có điểm chuẩn cao nhất thành phố với 36,9 điểm. Kế tiếp là Trường THPT Thực hành sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) với điểm chuẩn là 32,09. Đối với lớp 10 Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, điểm chuẩn dao động từ 25,5 - 34,95 điểm. Trong đó, lớp chuyên môn Toán có điểm chuẩn cao nhất nhóm Khoa học Tự nhiên (34,95 điểm); lớp chuyên Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất nhóm Khoa học Xã hội (33,55 điểm)…
Những trường điểm chuẩn thấp thuộc khu vực ngoại thành. Trong đó, điểm chuẩn thấp nhất là Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ): 5,30 điểm; THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai): 6,40 điểm; THCS&THPT Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh): 7,50 điểm; THPT Vĩnh Thạnh: 8 điểm; THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ) và THPT Thới Long (quận Ô Môn): 9 điểm… Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, số lượng thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh 10 năm 2020 - 2021 tại TP Cần Thơ đạt gần 99%, với 10.982 học sinh trúng tuyển.
Vừa lo chỉ tiêu, vừa ngăn trò bỏ học
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, sự chênh lệch, không đồng đều điểm chuẩn giữa các trường THPT nội - ngoại thành là thực tế đã tồn tại nhiều năm. Trong đó, thấp nhất là các trường tập trung chủ yếu ở vùng ngoại thành. Một trong những nguyên nhân có trường THPT ở huyện Cần Giờ lấy 16 điểm mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu là công tác phân luồng. Thông thường, tỷ lệ phổ cập bậc phổ thông sẽ huy động 85% tốt nghiệp THCS vào THPT nhưng ở các huyện ngoại thành gần chỉ có hệ THPT và GDTX nên tỷ lệ tuyển của các trường này lên tới 90%, dẫn đến, điểm chuẩn của các trường ngoại thành thấp hơn.
Ở TP Cần Thơ, hằng năm, chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập từ 65% -70% đối với các quận; từ 70% - 75% đối với các huyện. Tại một số trường THPT ngoại thành, chất lượng giáo dục không đồng đều nên các trường lấy điểm chuẩn thấp để bảo đảm chỉ tiêu. Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho biết: “Trường nằm ở vùng ven thành phố, vì điều kiện khó khăn nên sự quan tâm gia đình đối với chuyện học hành của con còn hạn chế. Nếu không trúng tuyển vào trường phổ thông tại địa phương, các em phải đi xa để học GDTX, nguy cơ bỏ học rất cao. Do đó, nhà trường hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho con em ở địa phương được học THPT”.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Hồng Bảo, kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua, chỉ có 2 em học sinh dưới 6 điểm (5,3 và 5,9 điểm). Thí sinh điểm cao nhất là 43,75 điểm. Bình quân học sinh có điểm từ 17 - 43 điểm chiếm tỷ lệ khá cao… Nguyên nhân, học sinh thuộc nhiều đối tượng, ở nhiều nơi giáp với địa bàn quận/huyện lân cận như: Trường Lạc (quận Ô Môn), Thới An Đông và Long Tuyền (quận Bình Thủy)… nên chất lượng có sự chênh lệch, không đồng đều.
Bàn về giải pháp, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), đầu năm học, sở đều tổ chức các buổi hội nghị triển khai công tác hỗ trợ việc học cho học sinh các trường THPT trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi bộ môn lại có buổi họp trao đổi riêng để xác định nhiệm vụ và xây dựng phương pháp học, như cách thức học tập, dạy phụ đạo phù hợp với năng lực của từng học sinh. “Với việc rút ngắn khoảng cách giữa các trường, sở đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết khó khăn trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh yếu, kém, đặc biệt là những môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ…”, ông Nghĩa cho biết.
Tuyển sinh đầu vào thấp, các trường cũng có giải pháp giúp học sinh theo kịp chương trình, bảo đảm trình độ. Như Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), giải pháp đầu tiên là phân loại học sinh và hỗ trợ học tập. “Hằng năm, nhà trường đều thực hiện bài thi kiểm định chất lượng đầu vào. Sau đó phân loại học sinh theo từng lớp để có phương pháp học, dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Đồng thời phân công cán bộ, giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, kèm cặp và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho các em. Với giải pháp này, nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường đạt trên 93%...”, thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.