* Trả lời: Trong thư bạn không nêu rõ thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và quá trình hưởng tiền lương như thế nào. Do đó, chúng tôi không đủ cơ sở để trả lời chính xác cho bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo Luật Việc làm và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc"để có cơ sở đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình.
Theo đó, tại Điều 50 Luật Việc làm quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Về chế độ bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP. Trường hợp của bạn có 13 năm đóng BHXH sẽ được xác nhận sổ BHXH để bảo lưu thời gian tham gia BHXH. Nếu bạn có nhu cầu thanh toán bảo BHXH một lần thì sau một năm kể từ ngày xác nhận sổ BHXH và không tiếp tục đóng BHXH nữa thì chuyển hồ sơ đến cơ quan BHXH (gồm sổ BHXH và Quyết định nghỉ việc) để được thanh toán BHXH một lần. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn phương án tiếp tục tham gia đóng BHXH cho đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí.