Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch hầu

GD&TĐ - Ngoài điều trị tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa biến chứng, chống tái phát thì chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch hầu cũng rất quan trọng.

Người bệnh nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn. Có thể sử dụng cháo, mì, phở. Ảnh minh hoạ.
Người bệnh nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn. Có thể sử dụng cháo, mì, phở. Ảnh minh hoạ.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc, lây qua đường hô hấp và rất dễ lây lan. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và người chưa có miễn dịch do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo các bác sĩ Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, người bệnh bạch hầu nên đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng tùy theo lứa tuổi.

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu vẫn trong độ tuổi, không cai sữa lúc này.

Người trưởng thành nên duy trì BMI (chỉ số khối) của cơ thể ở mức bình thường từ 18,5 - 24,9 kg/m2.

Tăng cường các thực phẩm sau:

- Nhóm cung cấp chất bột đường: gạo, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến từ bột đường...

- Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, các loại thủy hải sản, trứng, sữa, các loại đậu hạt và sản phẩm chế biến. Nên chế biến dưới dạng mềm, nhừ.

- Nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ: rau lá, rau củ quả, nên chọn rau, củ, quả tươi, theo mùa. Lựa chọn các loại rau lá ít xơ, sợi mềm, dễ nuốt.

- Nhóm cung cấp chất béo: dầu, mỡ, các loại hạt có dầu (lạc, vừng…). Nên ăn dầu thực vật, dầu cá, hạn chế mỡ động vật.

- Sữa và các sản phẩm từ sữa được tiệt trùng: nên sử dụng sữa, sữa chua ít đường và ít béo. Người có bệnh lý nền kèm theo nên sử dụng sữa chuyên biệt theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

- Uống đủ nước: không uống quá nhiều nước một lần. Nên uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày để giữ cổ họng luôn ẩm. Nên sử dụng nước ấm, hạn chế nước lạnh, nước đá.

- Muối: không nên ăn mặn. Lượng muối một ngày nên duy trì ở mức 5 gram/ngày (1 gram muối tương đương 1 gạt thìa ăn sữa chua muối, 1 thìa cafe nước mắm 5ml, 7ml xì dầu, 1,5g bột canh và 2,2g bột nêm).

- Lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi sinh vật khác.

- Tránh thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm chưa qua chế biến (rau salad, cà chua, xà lách…) hoặc thực phẩm chưa chế biến kỹ (gỏi, tái…).

Ở giai đoạn đầu, do đau họng nên người bệnh thường gặp khó khăn về ăn uống, nuốt. Vì vậy, nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (ăn 5 - 6 bữa/ngày). Đồng thời, nên ưu tiên ăn đồ lỏng, mềm, xay nhuyễn. Có thể sử dụng cháo, mì, phở.

Đối với cháo, nên bổ sung thêm 1 thìa dầu ăn nhằm tăng thêm đậm độ năng lượng. Nên sử dụng sữa vào các bữa phụ trong những ngày ăn cháo để bù đủ năng lượng.

Nên sử dụng đồ ăn ở nhiệt độ vừa phải, tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Người bệnh ở giai đoạn hồi phục có thể dùng cơm, kèm với các món ăn mềm, nhừ, hạn chế xơ sợi. Nên ăn chậm, nhai kĩ, cố định giờ ăn trong ngày.

Người bệnh cần ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tránh căng thẳng, stress quá mức. Hoạt động thể lực cường độ nhẹ, vừa (đi bộ, đạp xe, yoga…) ít nhất 30 phút/ ngày. Người bệnh nên tập với cường độ nhẹ rồi tăng dần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động