Chính sách nhà giáo và những tâm tư

Chính sách nhà giáo và những tâm tư
v
Chế độ, chính sách cho GV mầm non có nhiều chuyển biến tích cực

(GD&TĐ) - Năm 2013, có nhiều chính sách liên quan đến nhà giáo đi vào cuộc sống, từ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, đến phụ cấp thu hút đối với GV vùng khó được kéo dài, hay hỗ trợ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo hưu trí... đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo, CBQLGD các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa tương xứng với tinh thần GD&ĐT là quốc sách hàng đầu.

Ban hành nhiều chính sách cho nhà giáo

Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT- BGD ĐT- BNV- BTC ngày 19/9/2013 hướng dẫn thực hiện khoản 1, 2 điều 1 Nghị định 19/2013/NĐ- CP (NĐ19CP) ngày 23/2/2013 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn đã mang lại sinh khí mới cho những nhà giáo đang công tác tại nơi đây. Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý GD đang công tác ở vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý GD có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác thì tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng…

Đặc biệt, NĐ19CP cũng giúp cho những GV được điều động về công tác ở phòng GD& ĐT tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Bên cạnh đó, những nhà giáo đang công tác ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo trước kia chưa được hưởng phụ cấp thu hút thì nay được hưởng.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo cũng đề nghị Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện NĐ19CP được chỉnh sửa để hoàn thiện thêm bởi một số vùng bãi ngang ven biển hiện nay hết sức khó khăn nhưng lại không nằm trong danh mục chương trình mục tiêu quốc gia nên các nhà giáo đang công tác ở đây không được hưởng chế độ phụ cấp thu hút.

 Niềm vui chưa trọn vẹn

Nghị định 54/2010/NĐ - CP về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được ban hành và có hiệu lực đã động viên rất lớn đối với mỗi nhà giáo, CBQLGD bởi những năm tháng cống hiến trong ngành GD đều được Nhà nước ghi nhận, được tính để hưởng thâm niên.

Tuy nhiên, gần 200.000 nhà giáo hưu trí nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011 không được hưởng chế độ thâm niên, như vậy là không đảm bảo quyền lợi cho đối tượng nghỉ hưu là GV. Nhiều nhà giáo đã nghỉ chế độ hưu trí tiếp tục chờ đợi và hy vọng sớm có hướng dẫn để được hưởng.

Rất mừng, ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ- TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Theo đó, từ ngày 15/10/2013, nhà giáo từng trực tiếp giảng dạy nghỉ hưu từ ngày 1/1/1994 đến 31/5/2011, chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, đã được hưởng trợ cấp một lần bằng tiền.

Qua ý kiến phản hồi từ cơ sở, đa số ý kiến của nhà giáo hưu trí đồng tình ủng hộ với nội dung của quyết định và xem đây là một sự động viên của Nhà nước. Như vậy, từ 15/10/2013, có khoảng 190.000 nhà giáo hưu trí được hưởng khoản trợ cấp thâm niên theo công thức: Lương hưu hàng tháng nhân 10% hệ số nhân số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu hàng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm quyết định này có hiệu lực. Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy đã được tính để hưởng chế độ hưu trí.

Ví dụ: Một nhà giáo có 30 năm công tác và hưởng mức lương hưu khoảng 5 triệu đồng, nếu nghỉ hưu từ tháng 1/1994 đến tháng 5/2011 thì sẽ được nhận một khoản tiền như sau: (5 triệu đồng x 10% x 30 năm công tác).

Được biết, trước đó Hội Cựu giáo chức đã nhiều lần đưa ra phương án phụ cấp thâm niên cho nhà giáo hưu trí, trong đó có 3 mức được đề xuất như 30% và được chi trả trong 3 năm; mức 20 và 25%. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên mức 10% cuối cùng đã được chọn. Đa số ý kiến đồng tình ủng hộ và biểu lộ sự thông cảm, chia sẻ khó khăn chung của đất nước.   

Còn đó những tâm tư

Việc luân chuyển GV cần hợp lý, khoa học
Việc luân chuyển GV cần hợp lý, khoa học

Bên cạnh những chính sách về chế độ nhà giáo được ban hành trong thời gian gần đây đã có hiệu ứng tích cực, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác ở vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn, không ít nhà giáo còn đó những tâm tư. Nhiều chính sách cho nhà giáo chưa được thể chế hóa và hướng dẫn cụ thể theo tinh thần giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; Chưa thể hiện vai trò của nhà giáo có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục; Nhiều vấn đề liên quan đến đặc thù hoạt động của nhà giáo chưa được điều chỉnh.

Do vậy, một số ý kiến đề nghị vấn đề nhà giáo cần phải được luật hóa một cách cụ thể nhằm tôn vinh, nâng cao vai trò của nhà giáo. Việc luân chuyển đội ngũ GV vẫn trở thành vấn đề ở mỗi địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn. Bởi chính sách luân chuyển nhà giáo hợp lý sẽ tạo được động lực phát triển cho nhà giáo.

Các chính sách lương, phụ cấp của nhà giáo và chế độ làm việc của nhà giáo cũng còn nhiều tâm tư. Làm sao để nhà giáo yên tâm sống được bằng nghề? Để trả lời câu hỏi này thì chính sách lương và phụ cấp cho nhà giáo phải được bảo đảm bằng thu nhập thỏa đáng, ổn định. Có như vậy mới phát huy hết khả năng của các nhà giáo và có lợi nhất cho người học. Cần có chính sách tăng lương khuyến khích cho các nhà giáo trẻ, có năng lực…

Chính sách đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo cũng cần được cụ thể hóa hơn. Nhiều giáo sinh ra trường chưa có việc làm, không tìm được việc làm gây lãng phí kinh phí đào tạo của nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, nên tuyển dụng viên chức ngành GD ngay khi tuyển sinh. Sau đó, sinh viên ra trường nên bố trí việc làm, không để tình trạng nhiều giáo sinh ra trường không xin được việc làm hay làm sai nghề như hiện nay.

Việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những bất cập, nhất là ở các trường công. Cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhà giáo hiện nay chưa tạo được động lực cho nhà giáo tích cực công tác, chưa tạo cơ hội cho nhà giáo phát triển nghề nghiệp.

Thanh An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ