Chế độ ăn có thể làm chậm sự phát triển của khối u

GD&TĐ - Một số bằng chứng khoa học gần đây cho thấy, các biện pháp can thiệp vào chế độ ăn uống có thể giúp làm chậm sự phát triển của các khối u.

Chế độ ăn giàu thực vật.
Chế độ ăn giàu thực vật.

Viện Công nghệ Massachussetts (MIT - Mỹ) đã phân tích 2 chế độ ăn khác nhau ở chuột và cho thấy cách thức ảnh hưởng tới tế bào ung thư. Từ đó nghiên cứu đưa ra lời giải thích vì sao việc hạn chế calo có thể làm chậm sự phát triển của khối u.

Chế độ ăn keto

Nghiên cứu trên đã xem xét tác động của chế độ ăn hạn chế calo và chế độ ăn ketogenic (gọi tắt là keto và là chế độ ăn ít carbohydrate) ở chuột bị u tuyến tụy. Cả 2 chế độ ăn này đều làm giảm lượng đường có sẵn cho các khối u.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra chỉ có chế độ ăn hạn chế calo mới làm giảm sự sẵn có của các axit béo. Và điều này có liên quan đến việc làm chậm sự phát triển của các khối u.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện trên không cho thấy bệnh nhân ung thư nên cố gắng tuân theo một trong 2 chế độ ăn kiêng này. Thay vào đó, họ tin rằng những phát hiện này bảo đảm cần có thêm nghiên cứu để xác định cách can thiệp chế độ ăn uống có thể kết hợp với các loại thuốc hiện có hoặc mới phát triển để giúp bệnh nhân ung thư.

Mathew Vander Heiden - Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư tích hợp Koch của MIT và là tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết, rất nhiều bằng chứng cho thấy, chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng tới tốc độ tiến triển của bệnh ung thư, nhưng đây không phải là cách chữa trị.

Ông cho rằng, mặc dù phát hiện này rất hấp dẫn nhưng cần nghiên cứu thêm. Bên cạnh đó, từng bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ của mình về các biện pháp can thiệp chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh ung thư của họ.

Nghiên cứu đã được tác giả Evan Lien viết trên tạp chí Nature.

Chế độ ăn keto.

Chế độ ăn keto.

Cơ chế trao đổi chất

Vander Heiden cũng là bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber. Ông cho biết, bệnh nhân của ông thường hỏi về những lợi ích tiềm năng của các chế độ ăn khác nhau, nhưng ông không có đủ bằng chứng khoa học để đưa ra bất kỳ lời khuyên chắc chắn nào.

Nhiều câu hỏi về chế độ ăn uống mà bệnh nhân đặt ra tập trung vào chế độ ăn hạn chế calo có thể giúp giảm lượng calo tiêu thụ từ 25 đến 50%, hoặc chế độ ăn kiêng keto, ít carbohydrate, nhiều chất béo và protein.

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý chế độ ăn hạn chế calo có thể làm chậm sự phát triển của khối u trong một số hoàn cảnh. Và chế độ ăn như vậy đã được chứng minh là có thể kéo dài tuổi thọ ở chuột và nhiều loài động vật khác. Một số ít các nghiên cứu khác cũng khám phá tác động của chế độ ăn keto với bệnh ung thư nhưng có kết quả không thuyết phục.

Tế bào ung thư tiêu thụ rất nhiều glucose, vì vậy một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết, chế độ ăn keto hoặc hạn chế calo có thể làm chậm sự phát triển của khối u bằng cách giảm lượng glucose có sẵn.

Tuy nhiên, các thí nghiệm ban đầu của nhóm MIT trên những con chuột bị khối u tuyến tụy cho thấy, việc hạn chế calo có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến sự phát triển của khối u so với chế độ ăn keto. Do vậy, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng mức glocose không đóng vai trò chính trong việc làm chậm sự phát triển của khối u.

Để tìm hiểu sâu hơn về cơ chế trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích sự phát triển của khối u và nồng độ chất dinh dưỡng ở những con chuột có khối u tuyến tụy. Chúng được ăn chế độ ăn bình thường, chế độ ăn keto hoặc giới hạn calo.

Ở những con chuột ăn chế độ keto và giới hạn calo, mức glucose hạ xuống. Trong khi đó những con chuột ăn chế độ hạn chế calo, mức lipid cũng giảm xuống nhưng ở chuột ăn chế độ keto, mức lipid lại tăng lên.

Thiếu lipid làm giảm sự phát triển của khối u vì tế bào ung thư cần lipid để cấu tạo màng tế bào của chúng. Thông thường, khi lipid không có sẵn trong mô, các tế bào có thể tự tạo ra.

Là một phần của quá trình này, chúng cần duy trì sự cân bằng phù hợp giữa các axit béo bão hòa và không bão hòa vốn cần dùng một loại enzyme gọi là stearoyl-CoA desaturase (SCD). Enzym này có nhiệm vụ chuyển đổi các axit béo bão hòa thành axit béo không bão hòa.

Cả 2 chế độ ăn kiêng keto và hạn chế calo đều làm giảm hoạt động của SCD, nhưng những con chuột ăn chế độ keto đã có sẵn lipid từ chế độ ăn uống của chúng, vì vậy chúng không cần sử dụng SCD.

Tuy nhiên, những con chuột trong chế độ ăn hạn chế calo không thể nhận được axit béo từ chế độ ăn của chúng hoặc tự sản xuất axit béo. Ở những con chuột này, sự phát triển của khối u chậm đáng kể so với những con chuột đang ăn chế độ keto.

Theo nhà nghiên cứu Lien, việc hạn chế calo không chỉ làm các khối u đói lipid mà còn làm suy yếu quá trình cho phép chúng thích nghi với nó. Sự kết hợp đó thực sự góp phần vào việc ức chế sự phát triển của khối u.

Kích thước khối u có thể bị thu nhỏ qua chế độ ăn.

Kích thước khối u có thể bị thu nhỏ qua chế độ ăn.

Ảnh hưởng của chế độ ăn

Mặc dù nghiên cứu trên cho thấy việc hạn chế calo có tác dụng tích cực ở chuột nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, họ không khuyến nghị bệnh nhân ung thư tuân theo chế độ ăn hạn chế calo vốn khó duy trì và có thể có tác dụng phụ có hại.

Tuy nhiên, họ tin rằng sự phụ thuộc của tế bào ung thư vào sự sẵn có của các axit béo không bão hòa có thể được khai thác để phát triển các loại thuốc giúp làm chậm sự phát triển của khối u.

Một chiến lược điều trị khả thi có thể là ức chế enzym SCD. Enzym này sẽ cắt đứt khả năng sản xuất axit béo không bão hòa của tế bào khối u.

Nhà nghiên cứu Lien cho biết, mục đích của những nghiên cứu này không nhất thiết phải khuyến nghị một chế độ ăn kiêng mà là để thực sự hiểu về sinh học cơ bản. Chúng cung cấp một số cảm nhận về cơ chế hoạt động của những chế độ ăn này và điều đó có thể dẫn đến những ý tưởng giúp điều trị ung thư.

Theo Scitechdaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ