Điều trị ung thư buồng trứng bằng virus vắc-xin sởi

GD&TĐ - Nghiên cứu sử dụng virus vắc-xin sởi liều cao điều trị ung thư buồng trứng của các nhà khoa học Học viện Quân y đã mở ra hướng mới trong chiến lược điều trị hiện nay.

Khối u sau 4 ngày ghép tế bào ung thư trên chuột. Ảnh: NVCC.
Khối u sau 4 ngày ghép tế bào ung thư trên chuột. Ảnh: NVCC.

Liệu pháp virus tiêu hủy u

Theo Chủ nhiệm đề tài TS Đặng Thành Chung, ung thư buồng trứng là nguyên nhân đứng thứ tám gây tử vong cho phụ nữ và đứng thứ 7 trong các loại ung thư phổ biến của nữ giới. Với phương pháp trị liệu phổ biến hiện nay là phẫu thuật và hóa trị liệu, tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ chiếm 44%. Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành một số phương pháp khác như liệu pháp ly giải tế bào ung thư bằng virus qua đường phúc mạc.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất vắc-xin sởi. Nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu tác dụng phối hợp vắc-xin sởi và vắc-xin quai bị để điều trị trên 10 dòng ung thư máu khác nhau ở người.

Kết quả cho thấy, phối hợp 2 vắc-xin hoặc dùng đơn lẻ đều có tác dụng kháng ung thư máu rõ rệt. Đây là những cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu tiền lâm sàng điều trị ung thư trên người.

TS Đặng Thành Chung cho biết, mục tiêu chính của đề tài là xây dựng quy trình tạo virus vắc-xin sởi liều cao, đánh giá tính an toàn và tác dụng điều trị ung thư buồng trứng của virus vắc-xin sởi trên tế bào dòng, tế bào ung thư buồng trứng phân lập từ bệnh nhân và mô hình chuột mang khối ung thư buồng trứng người.

Để tạo ra virus vắc-xin sởi liều cao, đề tài đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) là đơn vị duy nhất sản xuất vắc-xin sởi dựa trên sự chuyển giao công nghệ của Nhật Bản. POLYVAC đã tăng sinh, tinh chế, cô đặc virus vắc-xin sởi bán thành phẩm; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng virus vắc-xin sởi dùng điều trị ung thư buồng trứng.

Chế phẩm virus vắc-xin sởi liều cao đã được đánh giá tính an toàn trên mô hình động vật nhỏ (chuột) tại Học viện Quân y, và trên linh trưởng (khỉ) tại đảo Rều, Quảng Ninh của POLYVAC.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, virus vắc-xin sởi ở các liều tiêm với nồng độ 105, 106, 107 TCID50 đều an toàn, không có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào. TS Đặng Thành Chung cho biết, trên mô hình tế bào dòng và tế bào phân lập từ bệnh nhân ung thư buồng trứng, virus vắc-xin sởi có tác dụng tăng cường ly giải tế bào ung thư, gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis), đặc biệt tăng hoạt hóa con đường tín hiệu nội bào Caspase-3, Caspase-9 và STAT3.

Trên mô hình chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư buồng trứng cho thấy, nhóm chuột ung thư được điều trị bằng virus vắc-xin sởi có kích thước khối u giảm rõ rệt so với nhóm chuột ung thư không được điều trị, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Đặc biệt, nhóm chuột ung thư được điều trị bằng virus vắc-xin sởi có thời gian sống dài hơn so với nhóm đối chứng không được điều trị bằng virus vắc-xin sởi.

Giảm chi phí điều trị

Tiêm tế bào ung thư buồng trứng tạo khối u trên chuột thử nghiệm. Ảnh: NVCC.

Tiêm tế bào ung thư buồng trứng tạo khối u trên chuột thử nghiệm. Ảnh: NVCC.

Ngô Thu Hằng - thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã đánh giá tính an toàn của virus vắc-xin sởi giảm độc lực (MeV) trên chuột và khỉ. Phân tích, khả năng đáp ứng miễn dịch tế bào trên chuột mang khối ung thư buồng trứng cho thấy, virus vắc-xin sởi có tác dụng tăng cường hoạt hóa, huy động tế bào miễn dịch không đặc hiệu như tế bào giết tự nhiên (NK), tế bào tua (DC), đại thực bào (M) ở lách và trong khối u ở nhóm chuột ung thư được điều trị bằng virus vắc-xin sởi cao hơn rõ rệt so với nhóm chứng không được điều trị.

“Việc nghiên cứu thành công phương pháp điều trị này có ý nghĩa rất lớn, chứng minh được sử dụng virus vắc-xin sởi liều cao trên động vật nhỏ và loài linh trưởng là an toàn, không có tác dụng phụ đáng kể nào; chứng minh được hiệu quả gây ly giải tế bào ung thư buồng trứng và gây chết tế bào theo chương trình của virus vắc-xin sởi.

Trên mô hình chuột ung thư, virus vắc-xin sởi liều cao có tác dụng ức chế sự phát triển khối ung thư buồng trứng và kéo dài thời gian sống của chuột ung thư.

Kết quả này là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư buồng trứng bằng virus vắc-xin sởi liều cao. Mở ra một hướng hoàn toàn mới trong chiến lược điều trị ung thư buồng trứng nói riêng và triển vọng đối với các loại ung thư khác nói chung ở nước ta.

Thành công của đề tài, góp phần hiệu quả trong việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học”, TS Đặng Thành Chung cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đây là cơ sở khoa học cho áp dụng liệu pháp virus tiêu hủy u trên bệnh nhân điều trị ung thư buồng trứng, giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí, an toàn với sức khỏe người bệnh.

Đề tài đã mở ra một hướng mới điều trị hiệu quả và không xâm lấn đối với ung thư buồng trứng, và từ đó có thể mở rộng ứng dụng nghiên cứu trên các loại ung thư khác ở Việt Nam.

TS Đặng Thành Chung, Học viện Quân y cho    biết, đề tài “Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp virus tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy)” vừa hoàn thành nghiệm thu được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp quốc gia đánh giá cao. Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) do Bộ KH&CN quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.