Chạy nước rút “đường đua” học - ôn môn Sinh học

GD&TĐ - Nhiều giáo viên và học sinh chỉ tập trung quan tâm kiến thức Sinh học lớp 12 - đây là một hạn chế rất lớn trong việc học tập, ôn tập.

Chạy nước rút “đường đua” học - ôn môn Sinh học

Với nhiều năm kinh nghiệm với môn học, thầy Lê Ngọc Hùng lưu ý, hãy hiểu rõ rằng mọi kiến thức Sinh học đều dựa trên cơ sở Tế bào học. Bởi lẽ đương nhiên là: mọi quá trình sống của cơ thể sinh vật đều diễn ra trong đơn vị tế bào.

Vậy nên, dứt khoát phải ôn tập một số kiến thức cơ bản trong phần II (Sinh học tế bào), mặc dù phần này thuộc chương trình Sinh học lớp 10.

“Chúng tôi xem điều này như là một bí quyết quan trọng” - thầy Hùng nhấn mạnh.

Những nội dung cần chú trọng

Thầy Hùng đưa ra đề cương khái quát cần ôn tập môn Sinh học bao gồm:

Khái quát lại phần Nhìn chung về thế giới sống để nhớ được đặc điểm của mỗi giới sinh vật. Đó là cơ sở quan trọng để học tốt phần Tiến hóa luận và phần Sinh thái học (lớp 12).

Các chương của Sinh học tế bào lớp 10: Chương I – Thành phần hóa học của tế bào. Tập trung vào cấu tạo và chức năng của prôtêin, axít nucleic;

Chương II – Cấu trúc tế bào. Tập trung vào các cấu trúc và bào quan có chứa ADN (là phân tử mang thông tin di truyền);

Chương IV – Phân bào. Đây là chương cần phải hiểu và nhớ vững chắc; là cơ sở để học chương Tính qui luật của hiện tượng di truyền (phần Di truyền học ở lớp 12).

Cuối cùng, lần lượt ôn tập nội dung Sinh học lớp 12, gồm 3 phần: Di truyền học, Tiến hóa luận và phần Sinh thái học.

3 bước ôn tập

Theo thầy Hùng, nên đảm bảo 3 bước ôn tập. Theo đó, ôn tập lần 1,lướt qua toàn bộ chương trình nêu trên để nắm được tính hệ thống của kiến thức.

Ôn tập lần 2: Đọc kỹ từng bài theo trình tự, ghi lại (bằng bút) vào vở những kiến thức trọng tâm. Nên dùng sơ đồ phân nhánh (hay bản đồ tư duy); kẻ bảng so sánh; tinh lọc các dấu hiệu cơ bản của các hiện tượng, cấu trúc, quá trình sinh học.

Ôn tập lần 3: Thực hành làm bài tập trắc nghiệm (từ dễ đến khó) với 2 bước:

Bước 1: Làm các bài tập trong sách giáo khoa, các đề thi tôt nghiệp THPT của bộ các năn qua, bài tập trắc nghiệm theo chuyên đề. Chỉ nên chọn một cuốn bài tập tham khảo để ôn tập.

Bước 2: Làm các đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT các năm vừa qua.

Đây là nhận định của thầy Lê Ngọc Hùng - Tổ trưởng tổ Sinh – Kỹ - Thể (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An). 

Lưu ý kỹ năng làm bài thi

Với nội dung này, thầy Hùng lưu ý kết hợp việc làm bài với luyện phương pháp và sử dụng thời gian làm bài cho hợp lí.

Nguyên tắc cần tuân thủ là: Đọc cẩn thẩn, hiểu đúng câu hỏi; rà bút để gạch chân các từ quan trọng nhất; làm từ trên xuống, đánh dấu các câu đã làm chắc chắn.

Vừa đọc các phương án trả lời (trong câu trắc nghiệm), vừa xác định phương án đúng.

Gặp câu khó, mới lạ thì hãy nhanh chóng dùng cách loại trừ bớt các phương án sai.

Gặp câu bài tập (cần tính toán) phải xác định nhanh bài tập đó thuộc chương (hay bài) nào để hiểu cho đúng đề ra. Bởi, bài tập Sinh học rất dễ nhầm lẫn, nhất là phần các qui luật di truyền học và các bài tập xác suất.

“ Việc học ngày nay có nhiều điểm khác sự học ngày xưa. Tuy vậy, muôn đời vẫn nên nhớ chân lí chung là: "Ai ăn kẻ đó no, ai học người đó biết", hai hoạt động đó không thể làm thay” - thầy Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.