Cháy mãi ngọn lửa đam mê nghề giáo

GD&TĐ - Trải qua tuổi thơ nhọc nhằn, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh quyết tâm thực hiện ước mơ làm thầy giáo và trở thành tấm gương sáng của giáo dục Phú Yên.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh tham gia dạy học trên truyền hình.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh tham gia dạy học trên truyền hình.

Cháy bỏng ước mơ nghề giáo

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh sinh ra và lớn lên ở thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi trước đây là một vùng quê cát trắng nghèo khó nằm ven biển Nam Trung Bộ, nơi nắng gió dữ dội vào mùa hè, bão lụt liên miên vào mùa mưa; nơi mà cái cơ cực, nghèo khó như in hằn cả trong vóc dáng lẫn giọng nói của từng con người.

Khi má mang thai cậu bé Minh được 8 tháng thì ba cậu - một người cộng sản kiên cường từng kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc - qua đời đột ngột vì bệnh hiểm nghèo, để lại cho má đàn con thơ nheo nhóc. Tuổi thơ cậu bé Minh trôi qua trong cơ cực và thiếu thốn đủ điều. Chính tình thương bao la của má và niềm tự hào về người cha đã khuất đã nâng đỡ Minh lớn lên vượt qua bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn.

Là một đứa trẻ nông thôn, điều kiện học tập thiếu thốn đủ bề, cậu thấu hiểu hơn ai hết sự thèm khát tri thức của những đứa trẻ nông thôn ngày ấy: học hành trên lớp thì chẳng được bao nhiêu, sách vở thì hầu như chẳng có gì. Đi 5 cây số mới đến được thư viện của huyện - một thư viện nhỏ lèo tèo vài quyển sách, vậy mà tuần nào cậu học trò bé nhỏ Nguyên Minh cũng đạp xe đi.

Cậu đọc ngấu nghiến gần như toàn bộ sách của thư viện. Trong những ngày xa xăm ấy, cậu bé Minh đã ấp ủ trong lòng mình một giấc mơ, giấc mơ một ngày nào đó sẽ trở thành người trao truyền tri thức cho những đứa trẻ khát thèm tri thức như cậu.

Thầy Minh chia sẻ: “Học xong lớp 12, tôi chọn thi vào sư phạm Ngữ văn - một nghề mà trong tâm lí đám đông thời bấy giờ chẳng có hứa hẹn gì nhiều về thu nhập và nhiều thứ khác. Tôi không ước vọng nhiều như các bạn. Tôi chỉ muốn trở thành người trao truyền tri thức và người nâng đỡ tâm hồn cho những em thơ như khát khao của mình thời thơ bé. Một nghề có thể trao truyền tri thức và nâng đỡ tâm hồn thì tôi nghĩ làm thầy giáo dạy Văn là hợp nhất”.

Bốn năm miệt mài học tập, rèn luyện ở khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Minh nổi tiếng là một sinh viên học giỏi, say mê nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào của khoa và trường.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh giao lưu các lớp chuyên văn của nhà trường.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh giao lưu các lớp chuyên văn của nhà trường.

Thầy giáo tài năng và nhiệt huyết

Tháng 9/2005, sau khi tốt nghiệp, Minh được Sở GD&ĐT Phú Yên phân công về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho đến nay. Nói về nhiệt huyết trong “nghiệp đưa đò” của mình, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh chia sẻ:

“Khi mới ra trường, là một giáo viên trẻ, ngay lập tức được phân công về trường chuyên, tôi nhận được nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Cơ hội dành cho tôi là được giảng dạy trong một môi trường lý tưởng: học sinh học giỏi, chăm ngoan; đồng nghiệp giàu kinh nghiệm; điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt.

Còn thách thức thì đối với một đối tượng học sinh như vậy, đòi hỏi thầy phải nỗ lực, cố gắng không ngừng để đảm bảo kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy.

Tôi háo hức, say mê, dành tất cả tâm huyết của một người trẻ chăm chút cho từng bài giảng. Tôi tâm đắc và như thấy chính mình trong những lời thơ của GS. NGND Lê Trí Viễn – một người thầy lớn của nhiều thế hệ nhà giáo dạy Văn ở Việt Nam: Dạy văn lấy cảm làm đầu/Một đời tôi chỉ một câu dặn mình/Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta”.

Từ ngày được tuyển dụng vào ngành Giáo dục đến nay, thầy Minh có nhiều sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong dạy học, có phương pháp riêng để bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và của tỉnh Phú Yên dưới sự bồi dưỡng của thầy đã đạt được nhiều giải cao ở cấp khu vực và quốc gia.

Gắn bó với nghề sư phạm hơn 17 năm, truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò, niềm tự hào của thầy Minh không phải ở những tấm bằng khen, danh hiệu đạt được từ sự ghi nhận của các cấp các ngành mà là sự thành đạt của học trò.

Nhiều học trò do thầy Minh trực tiếp dạy dỗ nay đã thành đạt, đang giảng dạy tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước, lãnh đạo của tỉnh, thành phố, các sở ban ngành, …

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh và các học trò trong câu lạc bộ Văn học.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh và các học trò trong câu lạc bộ Văn học.

Không chỉ đến dịp 20/11, ngày Tết Nguyên đán, mà ngày thường vẫn có rất nhiều học trò cũ đến thăm thầy với lòng biết ơn và niềm xúc động rưng rưng.

Doanh nhân Nguyễn Lê Khang Cường, cựu học sinh chuyên Văn khóa 2011 – 2014 trường THPT chuyên Lương Văn Chánh chia sẻ: “Thầy Minh giảng dạy rất tận tâm, yêu thương học sinh. Những bài giảng của thầy không chỉ là bài giảng bình thường, không đơn thuần là mang đến kiến thức, mà còn mang tính triết lý và định hướng về cuộc sống”.

Bên cạnh việc giảng dạy, thầy Minh nhận thấy rằng đối với môn Ngữ văn trong nhà trường THPT, hoạt động ngoại khóa cũng là phương pháp hữu ích giúp học sinh yêu thích môn Văn và chuẩn bị cho các em một tâm thế rất tốt để tiếp nhận kiến thức.

Thầy đã cùng những đồng nghiệp của mình tích cực nghiên cứu, tìm tòi tổ chức những mô hình ngoại khóa rất thành công như: Câu lạc bộ văn học, giao lưu văn học, mời văn nghệ sĩ nổi tiếng giao lưu với học sinh chuyên Văn, sân khấu hóa văn học dân gian,…

Đặc biệt nhất là hoạt động câu lạc bộ Văn học do thầy tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm đem đến sự hào hứng, chờ đợi cho học sinh; được các trường bạn học tập và được tuyên dương trên báo chí.

Ngoài hoạt động ngoại khóa, thầy Minh còn trực tiếp đề xuất nhà trường thành lập câu lạc bộ sáng tác của nhà trường. Câu lạc bộ từ khi đi vào hoạt động đã thu hút được sự tham gia của nhiều thầy cô giáo và học sinh.

Cùng với hoạt động giảng dạy và ngoại khóa văn học, thầy Minh say mê nghiên cứu khoa học, viết tài liệu học tập, tài liệu ôn thi cho học sinh. Những công trình nghiên cứu khoa học của thầy được đánh giá rất cao, tạo được sức vang trong phạm vi cả nước.

Cho đến nay, những bài nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học, phê bình văn học của thầy được đăng trên hầu khắp các tạp chí khoa học, văn nghệ và nhiều báo điện tử trên cả nước như: Tạp chí khoa học xã hội, tạp chí khoa học đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà Văn, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tạp chí Kiến thức ngày nay, báo Tuổi Trẻ, báo Giáo dục và Thời đại, kỉ yếu hội thảo khoa học của Bộ GD&ĐT, Báo Tuổi Trẻ, VietNamnet, Vnexpress,…

Thầy cũng đồng thời là chủ biên 1 quyển sách ôn thi cho học sinh và nhiều sách viết chung khác.

Thầy Minh giảng thơ Xuân Diệu cho học sinh Trường quốc tế Anh Ngữ TP. Hồ Chí Minh.

Thầy Minh giảng thơ Xuân Diệu cho học sinh Trường quốc tế Anh Ngữ TP. Hồ Chí Minh.

Tấm lòng của người thầy

Thầy Minh chia sẻ: “Năm 2018, lời nhắn của một học sinh huyện miền núi Sông Hinh qua facebook cá nhân khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Em nhắn “Thầy ơi, theo dõi những chia sẻ của thầy trên facebook em thích lắm, ước gì em được nghe thầy giảng. Nhưng em ở xa quá, chắc là không thể thực hiện được thầy ơi”.

Những lời ngây thơ, chân thành ấy làm cho tôi trăn trở suốt mấy ngày. Tôi nhận ra rằng, những tìm tòi, đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy của tôi hầu như chỉ mới lan tỏa được ở thành phố. Học sinh thành phố thì điều kiện đã rất tốt rồi. Trong khi học sinh ở nông thôn, miền núi cần tôi nhiều hơn thì tôi lại không thể đến với các em.

Tôi chợt nghĩ rằng chỉ có công nghệ thông tin (internet) mới có thể rút ngắn khoảng cách địa lý, đưa tôi đến được với các em. Tôi làm Youtuber mang kiến thức đến cho các em, nghiên cứu lập ra một trang facebook Học văn, chia sẻ lên đó những tài liệu bổ ích trong việc học Văn trong nhà trường, giải đáp những thắc mắc, những yêu cầu của các em trong quá trình học tập. Tôi cũng tìm tòi tổ chức những buổi dạy học, gặp gỡ trực tuyến trên các ứng dụng như: Zoom, Google meet, Messenger…

Không thể ngờ rằng những tìm tòi ứng dụng công nghệ thông tin ấy lại rất thuận lợi cho thầy Minh khi đại dịch Covid -19 ập tới. Khi dịch bệnh phức tạp, học sinh không thể tới trường, thầy Minh ngay lập tức bắt tay vào việc dạy học trực tuyến một cách linh hoạt và hiệu quả cho cả học sinh thành phố và cả học sinh nông thôn, miền núi.

Hoạt động dạy học trực tuyến của thầy nhanh chóng tạo được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh và học sinh nhiều nơi. Năm 2020, thầy Minh được Bộ GD&ĐT mời tham gia Bàn tròn trực tuyến về dạy học trực tuyến và mời thầy dạy học trên truyền hình.

Với những nỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp trồng người, đóng góp cho ngành giáo dục, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Giấy khen của Sở GD và ĐT, Thành Ủy Tuy Hòa, ...

Từng được thầy Minh dạy dỗ, em Lương Quỳnh Bảo Ngọc (sinh viên K48, khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP TP.HCM), cựu học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Chánh chia sẻ: “Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi may mắn được học thầy, được lớn lên từ những bài giảng của thầy và được cảm nhận “chữ tâm thầy viết dâng đời””.

Hơn 17 năm trong nghề, thầy Minh được nhận nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải quốc gia, thành tích dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, Bằng khen của Bộ GD và ĐT, Công Đoàn giáo dục Việt Nam về đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, giấy khen của Sở GD & ĐT Phú Yên, Thành Ủy Tuy Hòa cùng nhiều giấy khen, nhiều giải thưởng khác… Nhiều sáng kiến kinh nghiệm, bài báo khoa học đã công bố, nhiều sách chủ biên và viết chung đã ấn hành,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Cập nhật sxmb mới nhấtTìm hiểu overthinking là gì