“Cháu bà nội... tội bà ngoại”

Việc giúp con trông cháu là việc rất bình thường, không chỉ giúp cho bà có niềm vui mà còn đỡ đần gánh nặng gia đình cho con cái. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó cũng có nhiều điều phức tạp gây ảnh hưởng tới mối quan hệ trong gia đình.

“Cháu bà nội... tội bà ngoại”

Mẹ chồng nói trước là sức khỏe yếu nên khi sinh con, Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) được mẹ đẻ dưới quê lên chăm sóc. Ban đầu, vợ chồng Yến cùng bà ngoại ăn riêng trên tầng 2. Bố mẹ chồng và cậu em chồng tự cơm nước dưới tầng một.

Tuy nhiên, vài bữa sau đó, mẹ chồng ốm quá nên Yến đành nấu một mâm để cả nhà ăn chung. Hết thời ở cữ, Yến trở lại đi làm, mẹ chồng lại bảo tách ra ăn riêng cho bà ngoại đỡ ngại.

“Chau ba noi... toi ba ngoai” - Anh 1

Điều Yến thấy buồn nhất là mẹ chồng Yến có suy nghĩ chăm cháu là việc của bà ngoại. Vợ chồng Yến đi làm, bà ngoại ở nhà trông cháu hầu như chẳng bao giờ nấu nổi cơm trưa. Cháu bện hơi bà, rời tay bà ra là khóc.

Có lần, bà ngoại nhờ bà nội bế cháu một lúc để cắm vội nồi cơm, xào ít thịt, luộc ít rau cho qua bữa, chứ bình thường, bà hay ăn cơm nguội, bánh mỳ hoặc mỳ tôm nhưng được độ 10 phút, cháu tè, bà nội trao trả ngay cho bà ngoại.

Có lần, bà ngoại nhờ bà nội trông cháu ngủ một lúc để chạy ra chợ, mua vài quả trứng với cọng hành. Chẳng ngờ, lúc về, bà ngoại đã thấy bà nội sang nhà hàng xóm chơi, còn bị trách: “Bà đi lâu thế. Mua có mỗi quả trứng mà cũng lâu”.

Bà ngoại thắc mắc: “Bà không ngó hộ tôi con Cún à?” thì bà nội phẩy tay: “Ôi, nó ngủ không cần phải ngó”. Đến khi bà ngoại lên mới tá hỏa vì cháu quơ tay bị chăn chùm vào nửa mặt.

Nghe mẹ đẻ kể lể, Yến thấy bức xúc thay. Yến còn bảo: “Hay bà về đi, con tìm người trông con Cún cũng được. Bà ở trên đây, trông cháu vất đã đành, ăn uống lại chẳng có bữa.

Bà gầy đi nhiều quá” nhưng bà ngoại cương quyết: “Là mẹ nói thế thôi chứ chẳng trách gì bà nội Cún cả. Cứ để mẹ trông cháu, vợ chồng mày yên tâm mà làm ăn”.

Lấy chồng, Yến mới thấy thương mẹ đẻ. Giờ, bà ngoại lại lặn lội từ quê lên trông cháu, không thể dễ chịu như ở nhà mình, Yến lại càng thương mẹ hơn. “Đúng là làm mẹ rồi mới biết thương mẹ” – Yến than thở.

Thương mẹ nên hễ đi làm về là Yến giành việc để mẹ đẻ nghỉ ngơi: “Mẹ không phải lau nhà nhiều thế làm gì. Lần sau, cứ để con về, con lau”. Thế nhưng bà ngoại chẳng nghe. Hễ cháu tè “bãi” nào, bà lại cặm cụi lau “bãi” đó nhưng mà vẫn bị mang tiếng là chưa sạch.

Bà ngoại lên trông cháu, khi phải sống chung thì chắc chắn sẽ có những bất tiện, khó xử. Mâu thuẫn thường phát sinh khi con gái cảm thấy mẹ đẻ bị ấm ức trước mẹ chồng, hoặc thương mẹ đẻ vất vả trông cháu, không quen với sinh hoạt, nếp sống… ở đây.

Chưa kể, có nhiều khi vì mâu thuẫn cách chăm con, chăm cháu mà mẹ đẻ, con gái cũng nảy sinh mâu thuẫn, khiến “hành trình” trông cháu của bà ngoại càng gian nan hơn.

Nếu để bà ngoại lên trông con thì bản thân con gái nên cân nhắc những khó khăn từ đầu, xem có thể trợ giúp gì cho mẹ đẻ được. Nên trao đổi với chồng và nhờ sự giúp đỡ của chồng. Nếu có được sự thông cảm và tôn trọng của nhà chồng thì tốt nhất.

Theo LĐTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.