Phụ huynh châu Á thích trường tư

GD&TĐ - Trong bối cảnh toàn cầu hoá giáo dục, các gia đình ở châu Á như Malaysia, Nhật Bản... ngày càng quan tâm đến các trường tư thục tại nước ngoài.

Phụ huynh châu Á muốn con học trường tư quốc tế.
Phụ huynh châu Á muốn con học trường tư quốc tế.

Điều này đồng thời phản ánh nhu cầu được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao.

Hiện nay, đời sống xã hội của người dân châu Á, nhất là các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan tăng cao nên ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm đến du học từ phổ thông. Trong đó, các trường tư thục nước ngoài được phụ huynh chú trọng hơn cả.

Lấy ví dụ, nhiều phụ huynh Trung Quốc đưa con đến Thái Lan, Malaysia nhập học nhưng chỉ chọn các trường quốc tế với chương trình giảng dạy được công nhận toàn cầu.

Trường quốc tế Lanna, một trong những trường quốc tế có quy trình tuyển chọn khắt khe nhất tại Chiang Mai, Thái Lan, ghi nhận số lượng đơn đăng ký nhập học năm 2022 - 2023 tăng gấp đôi so với năm trước, trong đó một phần đáng kể là học sinh nước ngoài. Chị Grace Hu, nhân viên tuyển sinh tại Trường quốc tế Lanna, chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, các phụ huynh Trung Quốc đang vội vã ‘chạy đua’ chuyển môi trường học tập mới cho con”.

Còn tại Malaysia, các trường quốc tế tại có chất lượng giáo dục tốt với mức giá phải chăng đang thu hút đông đảo học sinh nước ngoài. Phần đông học sinh đến từ các quốc gia châu Á, trong đó tập trung ở Đông Nam Á và Trung Quốc.

Theo cơ quan thu thập dữ liệu giáo dục quốc tế ISC Research, từ năm 2019 đến nay, số lượng tuyển sinh tại các trường quốc tế của Malaysia đã tăng 11%, lên mức 111 nghìn học sinh. Để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh lớn, ngày càng nhiều trường quốc tế mọc lên. Ước tính, trong giai đoạn trên, số lượng trường quốc tế đã tăng lên gần 400.

Theo bà Fiona McKenzie - Giám đốc chuyên môn của tổ chức giáo dục Carfax Education (UAE) Vương quốc Anh là điểm đến giáo dục từ phổ thông đến đại học hàng đầu cho các gia đình châu Á.

Điều này nhờ vào danh tiếng của nhiều trường tư mà các dòng dõi quý tộc đang theo học như Eton College, Harrow và Rugby School. Những trường tư thục Bắc Mỹ cũng nhận được sự quan tâm không nhỏ do môi trường học tập cởi mở và khuyến khích sự sáng tạo.

Điểm chung của các trường tư thục là chương trình giảng dạy tiêu chuẩn quốc tế, môi trường học tập quốc tế, chất lượng cao. Xu hướng này cho thấy phụ huynh châu Á đang tìm kiếm những môi trường giáo dục linh hoạt dành cho con cái với hy vọng thế hệ sau được thụ hưởng nền giáo dục chất lượng và cuộc sống toàn cầu.

Tổ chức giáo dục Carfax Education ước tỉnh, chỉ trong năm 2030, thế giới cần bổ sung ít nhất 150 trường học tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh quốc tế ngày một gia tăng. Các trường này cần được xây dựng dựa trên nhiều tiêu chí quan trọng, bao gồm kết quả học tập, danh tiếng trong và ngoài nước cũng như thông tin về học phí và chương trình giảng dạy.

Tuy nhiên, thị trường giáo dục tư thục cũng gặp nhiều thách thức. Tại Vương quốc Anh, các trường tư hiện đối mặt với lạm phát, thuế khiến học phí phải đẩy lên cao để duy trì ngân sách. Khó khăn này buộc các trường phải tìm ra những phương pháp mới nhằm không ngừng cải thiện chất lượng giảng dạy, cân bằng nguồn lực và thu hút học sinh quốc tế.

Bà Fiona McKenzie khẳng định: “Các trường tư thục đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm quảng cáo và kêu gọi các học sinh đăng kí. Các chiến dịch này giúp phụ huynh châu Á có nhiều lựa chọn ở nhiều nước trên thế giới hơn”.

Theo The Pie

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ