Vì vậy, thành tích học tập càng cao, cơ hội được các nhà tuyển dụng “săn đón” càng lớn. Nhưng quan niệm này không còn phù hợp trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh và yêu cầu kỹ năng mềm như hiện nay.
Hoảng sợ mỗi khi nhận phiếu điểm
Mỗi khi nhận phiếu báo điểm từ trường học, cảm giác tiêu cực lại ập đến với Friedel Wong, sinh viên năm ba, ngành Xã hội học, Trường ĐH Quốc gia Singapore.
Nam sinh chia sẻ: “Khi học phổ thông, tôi luôn nghĩ rằng bố mẹ sẽ thất vọng về kết quả học của mình, làm sao tôi có thể đỗ vào trường đại học tốt và tìm được việc làm tốt trong tương lai với điểm số như vậy. Bây giờ, khi đang học đại học, tôi tự hỏi liệu điểm số có quan trọng như mình tưởng hay không?”.
Chia sẻ của Friedel cũng là tâm trạng chung của phần lớn học sinh tại Singapore, nơi kết quả học tập là thước đo và quyết định thành bại của mỗi cá nhân.
Singapore là một trong những quốc gia sở hữu nền giáo dục chất lượng hàng đầu châu Á và được thế giới đánh giá cao. Trong những năm gần đây, các trường đại học tốp đầu Singapore như ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), ĐH Quốc gia Singapore (NUS) luôn chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới hoặc các trường đại học trẻ hàng đầu thế giới do nhiều tổ chức giáo dục uy tín như QS, THE bình chọn.
Tuy nhiên, song hành cùng những thành tích nổi bật, ngành Giáo dục nước này trong một thập kỷ qua đã gia tăng không ít áp lực cho học sinh. Ngay cả khi sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên ngày càng được chú trọng, học sinh Singapore vẫn phải chịu gánh nặng học tập quá lớn.
Một cuộc khảo sát liên trường tại Singapore được công bố vào tháng 6/2022 cho thấy, học sinh, sinh viên nước này bị “ám ảnh sâu sắc và tiêu cực” về điểm số và sợ thất bại.
Nỗi ám ảnh về điểm số và bằng cấp của Singapore có phần bắt nguồn từ nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các công ty đa quốc gia. Trên thực tế, chế độ tuyển dụng tại Singapore nhiều năm qua luôn đặt điểm số và thành tích học tập lên hàng đầu, tạo môi trường tuyển dụng cạnh tranh gay gắt.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung đánh giá, thành tích học tập là một căn cứ tuyển dụng hữu ích. Song các công ty cần mở rộng định nghĩa về “thành tích”, không nên gói gọn trong học thuật.
Tuy nhiên, thực tế tại Singapore, kết quả học tập vẫn là ưu tiên hàng đầu vì nó bắt rễ từ rất sớm. Ví dụ, học mẫu giáo hiện nay là một nhu cầu cần thiết hơn là một lựa chọn. Phụ huynh Singapore đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để con vào được trường mẫu giáo tốt, làm tiền đề để vào một trường tiểu học công lập tốt.
Theo lộ trình này, các em có thể vào được một trường THPT chất lượng và trúng tuyển trường đại học danh giá. Vì lẽ đó, thành tích học tập nhanh chóng trở thành thước đo “bất di bất dịch” trong các cuộc tuyển dụng. Điều này khiến sinh viên, dù đã trúng tuyển trường top, phải tiếp tục cố gắng duy trì kết quả học tập cao nhằm nâng cơ hội việc làm.
Trường ĐH Quốc gia Singapore tổ chức ngày hội việc làm năm 2022. |
Giảm áp lực, tăng trau dồi
Trong khi nhiều nhà tuyển dụng thừa nhận điểm số là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn ứng viên, ngày càng nhiều công ty Singapore đang mở rộng tiêu chí tuyển dụng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đầy cạnh tranh và biến động như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, phản biện...
Chính phủ Singapore đang thúc đẩy nền văn hóa học tập suốt đời, trong đó nhiệm vụ của giáo dục đại học là thúc đẩy sinh viên liên tục trau dồi kỹ năng và kiến thức chứ không chỉ kiếm điểm. Năm 2004, nước này ra mắt SkillsFuture, chương trình hỗ trợ và trả tiền cho mọi người học công nghệ thông tin và ngôn ngữ nhằm trau dồi các kỹ năng tân tiến phục vụ công việc.
Theo quan sát của nhà huấn luyện nghề nghiệp Yvonne Kong-Ho, trong những năm gần đây, các công ty Singapore đã mở rộng tiêu chí tuyển dụng như yêu cầu kỹ năng ngoài nhà trường, kinh nghiệm thực tập, đóng góp với cộng đồng... Các nhà tuyển dụng cũng “cởi mở” hơn khi nhìn vào trường đại học của ứng viên.
Ví dụ, DBS Piyush Gupta, ngân hàng lớn nhất Singapore, đang sử dụng robot lọc hồ sơ ứng viên, gọi là Jim. Hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo, Jim đã tăng đáng kể tốc độ duyệt hồ sơ ứng viên cũng như chất lượng nhân sự của DBS. Vì là robot nên Jim hoàn toàn loại bỏ được thành kiến khi duyệt hồ sơ – điều các nhà tuyển dụng thường mắc phải.
Chẳng hạn, các nhà tuyển dụng thường dành sự ưu ái cho hồ sơ của ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học tốp đầu. Nhưng Jim không như vậy. Nó sẽ rà soát tất cả hồ sơ, chọn ra những hồ sơ có tiềm năng và đáp ứng sát nhất với yêu cầu đặt ra của vị trí tuyển dụng. Do đó, mọi ứng viên đều có cơ hội như nhau.
Ngoài ra, ứng viên DBS cần làm bài kiểm tra đo lường tâm lý để đánh giá EQ (trí tuệ cảm xúc), AQ (khả năng đối phó với nghịch cảnh)... IQ (chỉ số thông minh) không phải thước đo duy nhất trong quá trình tuyển dụng.
Chủ tịch Hội đồng Du lịch Singapore Chaly Mah cũng nhận định ngày càng nhiều công ty đánh giá ứng viên thông qua các chương trình thực tập, hội thảo hay dự án nhóm..
Giám đốc điều hành của Ban Phát triển Kinh tế (EDB) Chng Kai Fong cho biết, ông thường xuyên gặp những ứng viên đưa ra “câu trả lời sách giáo khoa” cho các câu hỏi phỏng vấn. Tuy nhiên, cũng có một số ứng viên, thường có thành tích không quá nổi bật, nhưng thể hiện được sự quan tâm, ham muốn khám phá dành cho vị trí tuyển dụng.
“Một chàng trai chia sẻ với tôi niềm đam mê với bitcoin. Anh ấy biết về các loại tiền điện tử khác nhau, thậm chí tiết lộ đã tiết kiệm tiền để đầu tư. Đó là những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm, một phần thể hiện ở điểm số và CV, một phần thể hiện trong khả năng phỏng vấn”, ông Chng chia sẻ.
Nền văn hóa coi trọng điểm số
Người trẻ Trung Quốc tham dự ngày hội tư vấn việc làm. |
Coi trọng thành tích học tập khi tuyển dụng cũng là quan điểm của quốc gia châu Á Trung Quốc. Tại nước này, tư tưởng chú trọng điểm số vốn bắt rễ trong nền văn hóa lâu đời. Bằng chứng là gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, tại Trung Quốc được coi là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới bởi tỷ lệ cạnh tranh vào các trường tốp đầu rất cao.
Những năm trở lại đây, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm “sức nóng” của thành tích học tập. Tháng 5 vừa qua, nước này đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi, cải cách lớn đầu tiên trong 25 năm kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành.
Theo đó, học sinh tốt nghiệp trường trung học nghề được hưởng cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp như học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chính quy cùng trình độ. Các doanh nghiệp không được phép cản trở cơ hội được tuyển dụng của học viên trường nghề; đồng thời, phải thúc đẩy giáo dục nghề nâng cao chất lượng.
Các doanh nghiệp phải góp phần đào tạo công nhân lành nghề và thúc đẩy việc làm cho học viên trường nghề. Họ cũng được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên dạy nghề, thiết lập học bổng và trợ cấp cho học viên.
Trong văn hóa Trung Quốc, bằng cấp từ trường nghề vốn được xem là kém hơn bằng cấp từ các trường cao đẳng, đại học. Giữa các trường đại học, bằng cấp cũng được phân hóa rõ rệt theo chất lượng đào tạo do quan điểm chỉ sinh viên trường đại học danh giá mới xuất chúng. Chỉ những người thất bại trong kỳ thi tuyển sinh trung học đầy cam go mới học nghề.
Nhưng với Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi, bằng cấp không còn là ưu tiên hàng đầu mà kỹ năng, khả năng làm việc mới được coi trọng trong quá trình tuyển dụng.
Dù đã có những thay đổi rõ rệt, việc xoá bỏ tư tưởng coi trọng điểm số tại Trung Quốc khó có thể thực hiện, đặc biệt trong năm 2022.
Cuối tháng 7, khoảng 10,8 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp, con số kỷ lục về số nhân lực mới gia nhập thị trường lao động nước này. Trong khi đó hồi tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 18,4%, và có thể đạt 23% vào mùa cao điểm tốt nghiệp tháng 8.
Những con số khổng lồ trên khiến tỷ lệ cạnh tranh việc làm ở Trung Quốc trong thời gian tới được dự đoán sẽ tăng cao, thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng dựa trên kết quả học tập quay trở lại.
Áp lực học để thi đè nặng lên học sinh Trung Quốc. |
Như vậy, nhiều cử nhân đại học buộc phải học lên cao học sau khi nhận bằng bởi bằng thạc sĩ trở lên mới có giá trị tuyển dụng cao hơn. Cứ như vậy, vòng tròn học giỏi để thành công, muốn thành công phải học thật giỏi không dễ dàng chấm dứt.
Ngược lại, tại nhiều quốc gia châu Âu – nơi học sinh được định hướng nghề nghiệp từ sớm và được chọn nhiều mô hình học tập thay vì con đường duy nhất là học đại học, việc coi trọng điểm số trong quá trình tuyển dụng thấp hơn.
Đơn cử, tại Đức, giáo dục phổ thông được gắn liền với giáo dục nghề nghiệp, trong đó học sinh có thể chọn học nghề từ rất sớm. Do đó, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc là điều được các nhà tuyển dụng quan tâm.
Hay tại Phần Lan, với phương pháp giáo dục kích thích học sinh phát triển toàn diện, kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội là những điều kiện không thể thiếu của mỗi ứng viên. Giảm nhẹ gánh nặng từ thành tích học tập, đào sâu xây dựng kỹ năng mềm là những yếu tố quan trọng giúp thanh thiếu niên phát triển trong bối cảnh cạnh tranh việc làm như hiện nay.