Chất vấn và trả lời trúng các vấn đề cử tri quan tâm nhất

Phiên chất vấn-trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 10/11 diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm; nội dung tiếp tục được cải tiến, có sự trao đổi, tranh luận giữa người chất vấn với người được chất vấn.

Nhiều chuyên gia, các nhà trí thức khẳng định các câu hỏi đã tập trung đúng các vấn đề cử tri, xã hội quan tâm.

PGS.TS Bùi Thị An đánh giá các chủ đề mà Quốc hội chọn lựa để chất vấn trong kỳ họp lần này rất đúng và trúng. Ảnh: VGP/Kim Liên
PGS.TS Bùi Thị An đánh giá các chủ đề mà Quốc hội chọn lựa để chất vấn trong kỳ họp lần này rất đúng và trúng. Ảnh: VGP/Kim Liên

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Quốc hội dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: Y tế; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi kinh tế; giáo dục và đào tạo.

Nội dung chất vấn là vấn đề “nóng” và điển hình trong ngành y

Trao đổi với phóng viên sau phiên chất vấn hôm nay, nhiều chuyên gia, nhà trí thức khẳng định các câu hỏi và trả lời rất sát với những vấn đề cử tri cả nước quan tâm trong tình hình hiện nay.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII đánh giá các chủ đề mà Quốc hội chọn lựa để chất vấn trong kỳ họp lần này rất đúng và trúng. Đây đều là những vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm, liên quan đến đời sống hằng ngày, tương lai của nhân dân, của xã hội. Các ý kiến chất vấn về lĩnh vực y tế rất sát với những vấn đề cử tri cả nước quan tâm trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Nhìn chung các câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên chất vấn là những vấn đề quan trọng của ngành y tế thời gian qua. Các ĐBQH đã lựa chọn được những vấn đề hiện nay rất “nóng” và khá điển hình trong ngành y tế như: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược về vaccine trong thời gian tới. Việc bảo đảm cung cấp và quản lý giá xét nghiệm, các vật tư y tế liên quan đến COVID-19 như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm… Có thể thấy, đây là những vấn đề chính còn có bức xúc, bất cập trong ngành y tế mà cần phải có hướng giải quyết.

Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã xác định rõ trách nhiệm, nêu giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc của ngành y tế, nhất là trong quá trình điều hành hoạt động của ngành.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng ngoài việc đưa ra hướng giải quyết chung tại phiên chất vấn thì các ngành chuyên môn phải tìm được mấu chốt, đưa ra giải pháp cốt lõi cho vấn đề cụ thể.

“Các đồng chí tư lệnh ngành phải hiểu rằng những vấn đề vừa qua, vấn đề nào gây cản trở nhất, bất cập nhất trong lĩnh vực của mình để đưa ra được giải pháp đột phá, hướng giải quyết tốt nhất; cần cụ thể chứ không chỉ chung chung”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh. Bà kỳ vọng các Bộ trưởng khi trả lời luôn đi thẳng vào vấn đề và đặc biệt là đưa ra các giải pháp ở tầm chính sách vĩ mô, không dừng lại ở cung cấp thông tin.

TS. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên ĐBQH khóa XIV: Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho thấy các Bộ trưởng nắm bắt vấn đề khá toàn diện, sâu sắc. Ảnh: VGP/Thu Giang
TS. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên ĐBQH khóa XIV:  Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho thấy các Bộ trưởng nắm bắt vấn đề khá toàn diện, sâu sắc. Ảnh: VGP/Thu Giang

Dành thời gian theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội, TS. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên ĐBQH khóa XIV cũng đánh giá các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đưa ra đã bám sát những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã thể hiện việc nắm bắt vấn đề khá toàn diện, sâu sắc.

Đơn cử như việc giải trình về thông tin tỉnh Bình Dương phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói rõ con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp và cho biết, đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành LĐTB&XH, đồng thời cử ngay đoàn công tác vào kiểm tra, xử lý. Điều này đã thể hiện việc Bộ trưởng nắm rõ các vấn đề.

Theo TS. Nghiêm Vũ Khải, sẽ là quá tham vọng nếu chúng ta nghĩ rằng phải giải quyết tận gốc tất cả các vấn đề nêu tại phiên chất vấn trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cần lựa chọn vấn đề mang tính cấp bách, có tính chất cốt lõi, lan tỏa để tập trung thực hiện, tạo điều kiện để đất nước có thể đứng vững trước những thách thức hiện nay. Sau chất vấn, Chính phủ cần khẩn trương đánh giá và tổng kết vấn đề để kịp thời điều chỉnh chính sách pháp luật. Những vấn đề nào cần Quốc hội thì Quốc hội phải có bước đi đột phá.

“Chúng ta luôn nói thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng cơ sở là 3 khâu đột phá. Trong đó, khâu thể chế là đi đầu. Tôi nghĩ rằng ý nghĩa của các phiên chất vấn không phải để đánh giá Bộ trưởng nào nói hay, nói ‘dở’ mà đó là một hình thức giám sát, giúp điều chỉnh thể chế, hệ thống pháp luật, nguồn lực để làm sao tới đây, đất nước ta bình tĩnh bước vào giai đoạn bình thường mới, cũng như  bảo đảm mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra”. TS. Nghiêm Vũ Khải cho hay.  

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Ý kiến trao đổi, tranh luận của ĐBQH cùng với câu hỏi của cử tri cả nước cho thấy cử tri các vùng miền đã quan tâm đến các vấn đề trên bàn nghị sự của Quốc hội. Ảnh: VGP/Việt Hà
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Ý kiến trao đổi, tranh luận của ĐBQH cùng với câu hỏi của cử tri cả nước cho thấy cử tri các vùng miền đã quan tâm đến các vấn đề trên bàn nghị sự của Quốc hội. Ảnh: VGP/Việt Hà

Câu trả lời đúng nội dung, nói trúng và rõ các vấn đề

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế đã có hơn 30 câu hỏi của ĐBQH. Đây là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của cử tri từ mọi miền đất nước. Những câu hỏi chất vấn của ĐBQH tập trung vào nhiều nội dung như vấn đề cơ cấu bộ máy tổ chức của ngành y tế hiện nay; việc nghiên cứu, đánh giá về đại dịch COVID-19 và những chỉ đạo về phòng, chống dịch của Bộ Y tế trong các năm 2020-2021; liên quan đến nội dung xã hội hóa y tế sao cho có hiệu quả; vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tỉnh, thành phố thời gian qua cùng những “lỗ hổng” trong quá trình này dẫn đến một số bác sĩ, giám đốc các bệnh viện bị truy tố trước pháp luật…

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng những ý kiến trao đổi, tranh luận của ĐBQH cùng với hệ thống những câu hỏi của cử tri cả nước, thể hiện cử tri các vùng miền quan tâm sâu sắc đến kỳ họp Quốc hội; thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm, phù hợp tình hình thực tế. Các ĐBQH đã cố gắng phản ánh đúng đắn những vấn đề cử tri quan tâm, băn khoăn, lo lắng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long trả lời chất vấn rõ ràng, mạch lạc, đúng nội dung, có trách nhiệm cao và thể hiện tinh thần nhân văn, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri cả nước để kịp thời chấn chỉnh những sơ suất, thiếu sót, bổ sung khiếm khuyết, phấn đấu đưa ngành y tế phát triển toàn diện, hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và không ngừng nâng cao sức khỏe nhân dân.

TS. Trần Bách Hiếu, Giảng viên Khoa Khoa học chính trị, Phó Trưởng Phòng Hợp tác phát triển, Bí thư Đoàn Trường Đại học KHXH&NV nhận xét Bộ trưởng Bộ Y tế đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn ngày hôm nay. Qua câu trả lời của Bộ trưởng, tất cả các vấn đề “nóng” của ngành y tế thời gian qua, nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19, vấn đề về giá xét nghiệm COVID-19, vaccine (việc phân bổ, bao phủ vaccine…) đều được thông tin rõ ràng, đầy đủ.

Bên cạnh đó, các vấn đề được ĐBQH hỏi cũng rất trúng và rõ các vấn đề của ngành y tế hiện nay. Các vấn đề của ngành y hiện nay quá “nóng” và cơ bản các đại biểu đồng tình với nội dung giải trình của Bộ trưởng. Mặc dù vậy, vẫn có  nhiều vấn đề các đại biểu muốn được thông tin cụ thể hơn. 

TS. Trần Bách Hiếu, Giảng viên Khoa Khoa học chính trị, Đại học KHXH&NV: Bộ trưởng Bộ Y tế đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn. Ảnh: VGP/Đào Chăm
TS. Trần Bách Hiếu, Giảng viên Khoa Khoa học chính trị, Đại học KHXH&NV: Bộ trưởng Bộ Y tế đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn. Ảnh: VGP/Đào Chăm

Chủ tịch Quốc hội đã điều hành phiên chất vấn-trả lời chất vấn rất sắc nét, rõ ràng và bảo đảm không chỉ Bộ trưởng Bộ Y tế là người đứng đầu ngành y phải trả lời, mà các bộ khác có liên quan đến lĩnh vực của ngành y tế cũng phải giải trình thêm.

Ví dụ, Bộ Nội vụ phải trả lời vấn đề liên quan về tiêu chuẩn, về vị trí việc làm của các bác sĩ hay Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình liên quan đến quản lý giá xét nghiệm… Như vậy, có thể thấy vấn đề thuộc Bộ nào, Bộ nào là cơ quan chủ quản, Bộ nào chịu trách nhiệm liên quan đến đâu, liên quan thế nào… đã được “phân vai” để có câu trả lời đúng vai trò.

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.