Chất lượng HSG các trường THPT chuyên đã tạo nên thành công tại các kì thi Olympic quốc tế 2012

Chất lượng HSG các trường THPT chuyên đã tạo nên thành công tại các kì thi Olympic quốc tế 2012

(GD&TĐ)- Trong năm 2012, các đoàn HS giỏi (HSG) của Việt Nam tham dự kì thi Olympic Châu Á và quốc tế các môn toán, lý, hóa, sinh đã gặt hái được 29 huy chương (HC); trong đó có 7 HC Vàng, 12 HC Bạc, 10 HC Đồng. Đáng chú ý, trong những thành tích đó có HC Vàng của học sinh (HS) thuộc trường THPT chuyên nằm ở tỉnh miền núi khó khăn. Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển để tìm hiểu những đổi mới trong phát hiện, bồi dưỡng HSG đã làm nên thành công đó.

Phóng viên (Pv): Thưa Thứ trưởng, 2012 là năm các đoàn HSG của Việt Nam tham dự kì thi Olimpic quốc tế ở các môn toán, lý, hóa, sinh gặt hái được nhiều thành công, vậy Bộ GD-ĐT đã có những cải tiến gì trong công tác tuyển chọn và bồi dưỡng HSG tham gia các kì thi khu vực và quốc tế? 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh, gdtd.vn  
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh, gdtd.vn  

Thứ trưởng (TT) Nguyễn Vinh Hiển: Có thế khẳng định rằng thành tích chung của các đoàn HSG năm nay có tiến bộ hơn 1, 2 năm vừa qua, đã phản ánh được chất lượng giáo dục nói chung và sự bền vững từ trước đến nay trong chất lượng dạy-học của hệ thống trường chuyên nói riêng. Trong năm học , Bộ GD-ĐT đã có những cải tiến một số khâu, trong đó có khâu tổ chức thi chọn HSG cấp toàn quốc, thi chọn đội tuyển đi thi các giải khu vực và quốc tế, tổ chức ôn luyện cho HSG trước khi đi thi. 

Trong khâu thi chọn HSG, Bộ đã chú ý cải tiến tăng về mặt thời gian và nội dung thi. Cụ thể, đối với những môn khoa học tự nhiên, đã bố trí thi 2 buổi. Thời gian của mỗi buổi thi đã tăng lên so với trước đây để gần giống với thời gian thi của các kì thi quốc tế. Do vậy, HS vừa được rèn luyện kĩ năng, nghiệp vụ cũng như được thử thách về mặt sức khỏe, tinh thần, làm quen với cường độ thời gian và áp lực của những kì thi quốc tế.

Nội dung đề thi đã quán triệt tinh thần là phải bao quát chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó có những câu hỏi khó để phân loại trình độ HS nhưng không mang tính chất đánh đố. Các câu hỏi đều phải dựa trên nền kiến thức cơ bản mà thầy và trò đã có quá trình cùng nhau hình thành và phát triển.

Đối với các môn thi thực nghiệm như vật lý, hóa học, sinh học, Bộ đã tăng cường những câu hỏi phần thực hành trong kì thi chọn HSG quốc gia. Sau đó, các em được học thực hành tại các trung tâm bồi dưỡng HSG của Bộ để tham gia thi chọn HSG cho các đội tuyển tham dự các kì thi  quốc tế. 

Ngoài 3 yếu tố trên, Bộ đã chú trọng lựa chọn các thầy cô tham gia dìu dắt đội tuyển, đưa đoàn HSG đi thi. Các cán bộ này đều có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và hòa đồng với lứa tuổi HS, để chăm sóc, tạo điều kiện cho HS có được tâm lý thoải mái trong suốt quá trình đi thi tại nước ngoài. 

Pv: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của trường THPT chuyên các tỉnh trong phát hiện, bồi dưỡng HSG, tạo nguồn cho các đội tuyển tham dự các kì thi quốc tế?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Trong thành tích chung của các đoàn HSG của Việt Nam tham dự kì thi Olimpic quốc tế năm nay có vai trò quan trọng của các trường THPT chuyên tại các tỉnh, thành phố cả nước. Đây là những nơi đã tạo ra chất lượng thực sự, đào tạo HS một cách bài bản. Công tác tập trung huấn luyện, tuyển chọn HSG cũng quan trọng nhưng là khâu cuối; nếu như trước đó HS không có chất lượng thực sự thì khâu cuối cùng này cũng không thể khắc phục được. 

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2011-2020. Trong đó đã có những định hướng rõ để tạo điều kiện cho các trường chuyên vận động, phấn đấu hoàn thiện, nâng cao năng lực của mình. 

Đề án đã khẳng định trường THPT chuyên là một mô hình phát triển giáo dục một cách toàn diện; chương trình dạy học trong trường là chương trình cơ bản của bậc học phổ thông. Tuy nhiên, các thầy giáo dạy trong trường THPT chuyên phải biết phát triển bộ chương trình đó, biết dạy HS chuyên nâng cao trình độ kiến thức cũng như nâng cao năng lực tư duy, tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của HS…

Chính vì vậy, năm nay có những trường THPT chuyên chưa từng có HSG quốc tế như trường THPT chuyên Biên Hòa tỉnh Hà Nam, thậm chí là ở địa phương khó khăn như trường THPT chuyên Sơn La tỉnh Sơn La đều đã có HS đạt HC Vàng Olimpic vật lý quốc tế, mặc dù từ trước đến nay HS Việt Nam thường yếu về các môn có nhiều kĩ năng thí nghiệm, thực hành. Điều này cũng minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của các trường, của Bộ đã tuyển chọn đúng các HSG có năng lực thực sự để đi thi, không phân biệt các em đến từ địa phương nào. Kết quả này cũng thể hiện sự cố gắng của các địa phương, các trường chuyên trong công tác phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi. 

Pv: Có một thực tế hiện nay là các trường THPT chuyên đang kêu khó về chất lượng của HS THCS trong công tác thi, tuyển đầu vào; Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng đầu vào của các trường này phục vụ công tác tạo nguồn cho tuyển chọn, bồi dưỡng HSG. 

TT Nguyễn Vinh Hiển: Theo tôi thì vấn đề quan trọng là làm sao để phát hiện được đúng các HS có năng khiếu để tuyển chọn, bồi dưỡng. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã chú ý chỉ đạo công tác này. 

Ngoài việc thi các môn toán, văn và môn chuyên, Bộ đã hướng dẫn bổ sung một số hình thức tuyển chọn khác. Một số trường THPT chuyên đã bắt đầu thực hiện việc khảo sát, đánh giá HS qua các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) khi tuyển sinh đầu vào. 

Nếu muốn HS thực sự giỏi thì riêng chỉ số IQ cao là chưa đủ, HS phải có thêm chỉ số vượt khó, biểu hiện học tập chủ động, tích cực trong suốt quá trình học tập ở THCS… Làm được như vậy thì khâu thi tuyển đầu vào của các trường THPT chuyên mới mong tuyển đúng các em thực sự giỏi để bồi dưỡng.

Pv: Thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để tăng cường năng lực cho các trường THPT chuyên trong toàn mạng lưới?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Có nhiều cách để tăng cường năng lực cho các trường THPT chuyên. Trong đó phải xây dựng trường THPT chuyên đạt chuẩn Quốc gia, xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo giáo dục toàn diện thật tốt. Song song với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của trường THPT chuyên. 

Giáo viên trường THPT chuyên phải có khả năng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục phong phú hơn các giáo viên trường phổ thông đại trà; bên cạnh đó là năng lực phát triển chương trình dạy học trên cơ sở chương trình thống nhất chung cả nước của bậc học phổ thông để giảng dạy trong trường THPT chuyên; có khả năng phát hiện đúng các HS giỏi thực sự để bồi dưỡng. 

Trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã thường xuyên có nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn của các trường THPT chuyên. Đồng thời tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo trường THPT chuyên tiếp cận với xu hướng mới về cách thức và nội dung kiểm tra, đánh giá thông qua các kì thi HS giỏi quốc gia, HS giỏi quốc tế. 

Đặc biệt, trong Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2011-2020 cũng nêu rõ mục tiêu quan trọng là tạo ra một mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục tiên tiến trong các trường THPT chuyên để các trường THPT khác hướng tới và noi theo. Mục tiêu này đã khác với quan điểm trước đây cho rằng trường chuyên chỉ là nơi đào tạo, bồi dưỡng HSG. Mặt khác, phải nhấn mạnh rằng bồi dưỡng HSG phải trên cơ sở chất lượng cao của giáo dục toàn diện.

Xin cảm ơn thứ trưởng!

Bá Hải (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ