Chất lượng giáo dục - Nhiệm vụ hàng đầu

Chất lượng giáo dục - Nhiệm vụ hàng đầu

(GD&TĐ) - Vào guồng năm học mới, một loạt vấn đề được đặt ra: Với các nhà trường phổ thông là quản lý thu – chi, quản lý dạy thêm – học thêm, đồng phục... ; Với các trường ĐH là việc triển khai các hoạt động theo Luật Giáo dục ĐH, tìm giải pháp trọng tâm cho việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên quy mô sang mô hình tăng trưởng và phát triển dựa trên chất lượng và hiệu quả... 

Từ nhiệm vụ năm học, “soi” triển khai thực tiễn

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trong năm học 2013 - 2014, nhưng trong đó toàn Ngành sẽ tiếp tục chú trọng đặc biệt vấn đề chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, vấn đề giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh; Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với giáo viên và học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Chuẩn bị tích cực các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình  -  sách giáo khoa  phổ thông để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện sau năm 2015. 

Cùng với đó, ngành GD sẽ tập trung vào việc tiếp tục đổi mới quản lý về giáo dục, tách bạch quản lý nhà nước với quản trị chuyên môn của nhà trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo, xử lý nghiêm các vi phạm.

Các hoạt động này nhằm đẩy lùi tiêu cực, chấn chỉnh kỷ luật, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của cơ sở; kết hợp hài hòa giữa xây và chống; đẩy mạnh cuộc thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013).

 

Giải pháp lâu dài cho vấn đề dạy thêm - học thêm

Đối với giáo dục phổ thông, việc dạy thêm học thêm không đúng quy định đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã cónhiều quy định cụ thể, các địa phương vào cuộc và đã có chuyển biến theo hướng tích cực. 

Về lâu dài, cần thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh và phụ đạo tại lớp đối với học sinh học lực yếu kém; Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn; Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học. Việc nghiên cứu đề xuất bổ sung chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo cũng cần được quan tâm triển khai.

Hiện nay,  Bộ GD&ĐT  đang triển khai biên soạn chương trình, sách giáo khoa các bậc học phổ thông để áp dụng từ sau năm 2015 theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, góp phần khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan.

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2012 - 2013 của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định này trên địa bàn. Đến nay đã có 38 Sở GD&ĐT tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện dự thảo văn bản để trình UBND tỉnh. 

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, nhiều địa phương đã có các giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam…

Giáo dục ĐH chuẩn bị cơ sở cho việc phân tầng

Giáo dục đại học trong năm học này sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên quy mô sang mô hình tăng trưởng và phát triển dựa trên chất lượng và hiệu quả. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục Đại học trước hết là việc xây dựng khung trình độ quốc gia, làm cơ sở cho việc phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, phân luồng học sinh sau trung học và tổ chức liên thông, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế; 

Cùng đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, từng bước triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục; Quan tâm cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở tất cả các trình độ và các hệ đào tạo; 

Đặc biệt, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện để xã hội tham gia giám sát tuân thủ pháp luật và đảm bảo chất lượng của cơ sở  giáo dục đại học; Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo; Rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện Luật Giáo dục Đại học trong năm học mới

Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Sau 8 tháng triển khai thực hiện có thể thấy Luật Giáo dục đại học đang thực sự đi vào cuộc sống, đến được với người dân, trước mắt là đã làm cho nhận thức của nhân dân, của phụ huynh và các thí sinh có sự thay đổi trong việc lựa chọn ngành học và trường theo học theo yếu tố chất lượng và cơ hội tìm kiếm việc làm sau ra trường. 

Cùng với đó là sự thay đổi mạnh mẽ về quản lý của Bộ GD&ĐT: Chuyển từ quản lý nặng về chuyên môn sang quản lý nhà nước; không làm thay công việc của cơ sở mà tập trung thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định và chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định; Tự chủ trong xác định phương thức tuyển sinh; Tự chủ trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo...  Bên cạnh đó, ý thức và trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, của các thầy cô giáo trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo cũng đã được nâng cao hơn. 

“Trong năm học 2013 - 2014, việc thực hiện Luật Giáo dục đại học sẽ được chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh theo hướng tập trung xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đã ban hành” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay. 

Đã có 38 tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện văn bản và xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND tỉnh. 

Nguyễn Vinh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ