Khi nhắc đến nghiện, chúng ta thường nghĩ đến rượu hay thuốc lá. Tuy nhiên, một loại nghiện khác đang ảnh hưởng đến hơn 14% người lớn và 15% trẻ em trên toàn thế giới: chứng nghiện thức ăn.
Thức ăn ảnh hưởng đến não bộ thế nào?
Những loại thực phẩm dễ chế biến, đặc biệt là những món giàu chất béo và đường, khiến con người thèm thuồng mỗi khi đói và ăn liên tục cho đến khi phát ngấy. Các nhà khoa học chứng minh rằng việc thèm ăn đồ ăn nhanh, hay còn gọi là thực phẩm dễ chế biến chứa nhiều chất béo và đường, không phải là cảm giác.
Trong hơn 50 năm qua, Mỹ và nhiều quốc gia khác ghi nhận hơn một nửa lượng thực phẩm mà người lớn tiêu thụ là thức ăn nhanh. Loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo và đường khiến cơ thể con người giải phóng một lượng lớn dopamine, giúp chúng ta cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc và càng muốn tiết ra nhiều hơn. Vì vậy, về mặt sinh học, thức ăn nhanh làm con người cảm thấy muốn tiêu thụ nhiều hơn.
Thức ăn ảnh hưởng đến não bộ theo nhiều cách khác nhau và một trong số đó là giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine, giống với cách hoạt động của thuốc gây nghiện.
Dopamine thúc đẩy chúng ta lặp đi lặp lại các hành vi có lợi cho sự tồn tại như ăn uống, sinh sản. Càng giải phóng nhiều dopamine, chúng ta càng có khả năng lặp lại những hành vi trên. Về lý thuyết, chất gì tác động lên não bạn càng nhanh thì chất đó càng gây nghiện.
Thực phẩm giàu chất béo và đường có thể làm tăng lượng dopamine trong cơ thể người lên tới 200% so với mức bình thường, tương đương mức tăng của nicotine và rượu, hai chất gây nghiện phổ biến nhất tại Mỹ.
Cụ thể, một nghiên cứu phát hiện ra rằng đường làm tăng mức dopamine trong cơ thể người từ 135 - 140% còn chất béo làm tăng tới 160%. Trong khi đó, cocaine chỉ làm tăng mức dopamine lên gấp 3 lần còn methamphetamine làm tăng gấp 10 lần so với mức bình thường.
PGS Ashley Gearhardt, chuyên gia Tâm lý học tại Đại học Michigan, cảnh báo: “Chúng ta không nhận ra rằng những thức này đang giết chết con người tương tự rượu và thuốc lá. Nhưng một khi đã phát hiện ra mức độ nguy hiểm của nó, chúng ta có thể phòng ngừa được”.
Các nhà nghiên cứu đang tái định nghĩa hiểu biết của con người về chứng nghiện thực phẩm và tìm lời giải cho bài toán: “Làm thế nào để con người hạn chế tiêu thụ những thức ăn này?”.
Phụ thuộc vào thức ăn nhanh
Khi con người được nếm thử những món ăn giàu chất béo và đường, cơ thể sẽ khó có thể cưỡng lại mong muốn được ăn thêm. Bởi lẽ chất béo và đường có nồng độ cao hơn các chất dinh dưỡng và có những đặc tính “khó tìm” ở chất dinh dưỡng như béo ngậy, giòn rụm, sánh mịn… Đây là những cảm giác và hình thức thực phẩm khiến việc ăn uống trở nên thú vị hơn.
Theo truyền thống, con người chế biến thực phẩm bằng những nguyên liệu nguyên chất như bột mì, bơ. Ngược lại, đồ ăn nhanh được chế biến từ thực phẩm như tinh bột, mỡ lợn. Thêm vào đó là các chất phụ gia như hương vị nhân tạo, chất nhũ hoá (giữ dầu và nước hoà lẫn với nhau), chất ổn định (giữ kết cấu của thực phẩm)… làm cho thực phẩm hấp dẫn hơn nhưng lại gây hại cho sức khoẻ của con người.
Các dấu hiệu của chứng nghiện đường có thể kể đến như thèm ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như khoai tây chiên, bánh mì, nước ngọt, kẹo. Sau khi ăn bữa chính, cảm thấy thèm ăn đồ ngọt và khó chịu khi không được tráng miệng cũng là dấu hiệu nghiện đường. Ngoài ra, người mắc chứng rối loại tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có thể góp phần dẫn đến chứng nghiện này.
Còn nghiện chất béo là việc thèm và tiêu thụ lượng lớn các món ăn nhiều dầu mỡ, các sản phẩm chứa mỡ, bì, da…
Việc nghiện chất béo và đường có thể khiến con người mắc chứng béo phì, gây nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ và ung thư. Còn bình thường, việc nghiện chất béo và đường nhưng không được nạp đúng lúc sẽ khiến cơ thể con người trở nên mỏi mệt, uể oải, mất tập trung.
Để giải quyết bài toán nghiện chất béo và đường, các chuyên gia tin rằng con người nên phân biệt giữa thực phẩm chế biến cao và thực phẩm tự làm. Nhận thức được những khác biệt trên là bước đầu tiên hạn chế các vấn đề sức khoẻ xuất phát từ chế độ ăn uống.
Bà Alexandra DiFeliceantonio, trợ lý giáo sư tại Viện nghiên cứu y sinh Franlin, Mỹ, nhấn mạnh: “Con người đã ăn bánh ngọt, bánh quy và pizza tự làm trong một thời gian dài nhưng phải đến khi thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến công nghiệp xuất hiện vào những năm 1980, chúng ta mới thấy tỉ lệ tử vong và bệnh tật liên quan đến chết độ ăn uống tăng lên”.
Ngoài việc giải phóng dopamine, có nhiều nguyên nhân khác khiến con người nghiện thức ăn nhanh, trong đó phải kể đến vấn đề xã hội và tâm lí. Thức ăn nhanh là dạng thực phẩm dễ chế biến nên dễ tiếp cận, có giá thành phải chăng và được quảng cáo rầm rộ năm nay qua năm khác. Do đó, các thế hệ, dù hiểu rằng thức ăn nhanh không lành mạnh, nhưng họ vẫn bị hấp dẫn một cách gần như là bắt buộc.
Hơn nữa, truyền thông cho thức ăn nhanh rất mạnh mẽ. Dù bạn có mắc chứng tiểu đường nhưng rất khó để bạn có thể cưỡng lại những bảng hiệu màu sắc rực rỡ in hình những món ăn được chế biến bắt mắt, hấp dẫn. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi: Khoai tây chiên vào giờ ăn trưa hay quảng cáo pizza lúc đêm muộn.
Ngoài ra, mỗi người cần có ý thức tốt hơn về việc tiêu thụ chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn có hại cho sức khoẻ. Cha mẹ, nhà trường cần giáo dục trẻ nhỏ về thực phẩm dinh dưỡng, xây dựng bữa ăn giàu dinh dưỡng và nấu ăn để hạn chế việc thanh thiếu niên tiêu thụ thức ăn nhanh.