Chắt chiu lo thưởng Tết giáo viên

GD&TĐ - Để có phần quà dù nhỏ thưởng cho giáo viên, nhân viên dịp Tết Nguyên đán, nhiều trường phải “co kéo” từ nguồn ngân sách và các khoản chi...

Thầy Triệu Quốc Hưng cùng đồng nghiệp Trường Phổ thông DTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NTCC
Thầy Triệu Quốc Hưng cùng đồng nghiệp Trường Phổ thông DTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

“Chắt bóp”

Trường THPT Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh) dự kiến thưởng Tết cho giáo viên (người thấp nhất 3 triệu đồng) bằng nguồn ngân sách được trích từ khoản chi tiêu nội bộ mà nhà trường chắt bóp chi còn dư.

Trước đó, vào đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể cho các khoản chi tiêu hoạt động; tiết kiệm tối đa chi phí như điện, nước, văn phòng phẩm. Đặc biệt, nhà trường tăng cường nhắc nhở giáo viên, học sinh sử dụng thiết bị, phòng thí nghiệm cẩn thận nhằm hạn chế việc hỏng hóc, tốn kém kinh phí sửa chữa. Đối với các thiết bị giảng dạy STEM, nếu có thể sử dụng vật liệu tái chế thì vận dụng. Bàn ghế và một số thiết bị văn phòng, đồ dùng giảng dạy hư hỏng, cái nào tự sửa được thì thầy cô, nhân viên phát huy nhằm tiết kiệm không phải thuê thợ.

Thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ hạn chế tối đa các khoản chi không cần thiết nên hằng năm chúng tôi tiết kiệm một khoản nhỏ trong số tiền ngân sách được cấp để thưởng Tết, động viên cho thầy cô. Mức thưởng sẽ không cào bằng mà dựa trên thành tích người lao động đạt được như: Chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, hoàn thành nhiệm vụ. Dự kiến mức thưởng thấp nhất 3 triệu. Dù số tiền thưởng không lớn, nhưng ban giám hiệu hy vọng sẽ tiếp thêm động lực, tạo niềm vui cho thầy cô phấn đấu, yên tâm công tác”.

Ngoài ra, Trường THPT Hương Khê cũng trích tiền phần trăm vượt giờ theo quy định Nghị quyết 107/2023/NQ-HĐND tỉnh Hà Tĩnh (ban hành ngày 14/7/2023) để làm quỹ phúc lợi, khen thưởng cho giáo viên, kết hợp kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho những thầy cô khó khăn, ốm đau bệnh tật.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn) nằm ở vùng miền núi khó khăn. Vì vậy, nhiều năm qua nhà trường triển khai các biện pháp tiết kiệm chi tiêu để Tết đến Xuân về có phần quà nhỏ động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Thầy Hiệu trưởng Triệu Quốc Hưng chia sẻ: “Nói thưởng Tết hơi quá, nhưng năm nào trường cũng có món quà nhỏ 600 nghìn đồng tặng thầy cô trước khi nghỉ Tết. Số tiền này, chúng tôi cân đối từ việc hạn chế tổ chức các hoạt động, tiệc liên hoan các ngày lễ như 8/3, 20/10, các chuyến đi tập huấn xa, tham quan…; thay vào đó trường tổ chức một số hoạt động bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu đặt ra để cuối năm có kinh phí dôi dư động viên giáo viên, người lao động”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Không mơ

Đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt thầy cô đang công tác vùng sâu, xa, khó khăn việc thưởng Tết không phải là điều nghĩ tới hay có cảm giác háo hức chờ đợi. Thay vì ngóng chờ, họ tự động viên nhau Tết là khoảng thời gian quý, tạm rời xa bục giảng, giáo án để chuyên tâm đoàn tụ bên gia đình. Đối với họ, dịp trước và sau Tết có chăng phải nghĩ tới là tạo không khí học tập, lo tổ chức Tết cho học trò, giúp các em có niềm vui trường lớp, từ đó không nghỉ, bỏ học.

Thầy Đinh Văn Từ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quỳ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) tâm sự: “Với đặc thù trường dân tộc nội trú, nguồn ngân sách được cấp đủ để chi tiêu cho hoạt động nhà trường. Vì vậy, cán bộ, giáo viên và nhân viên mỗi dịp cuối năm không có khái niệm thưởng Tết như các ngành nghề khác. Dẫu vậy, chúng tôi cố gắng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để có chút ít động viên thầy cô, mỗi người 100 nghìn đồng”.

Thầy Đinh Văn Từ cũng trải lòng: Diện tích đất đai ít, không có vườn để học trò, thầy cô trồng rau tăng gia sản xuất. Mặt khác, phụ huynh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên việc huy động xã hội hóa để tổ chức Tết cũng thực sự khó khăn.

Thấu hiểu vất vả của thầy cô, hằng năm một số phụ huynh có điều kiện khá giả cùng nhau góp gạo nếp, lá dong, nhà trường trích kinh phí mua thêm đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng cho học sinh đón Tết Nguyên đán tại trường trước khi nghỉ. Với cách tổ chức này, nhà trường, phụ huynh cũng dành tặng được mỗi thầy cô 1 cặp bánh chứng ăn Tết.

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Bắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa (Tuần Giáo, Điện Biên) và các đồng nghiệp không có khái niệm thưởng Tết. Tuy nhiên, đối với giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, trường sẽ liên hệ công đoàn giáo dục huyện, tỉnh, tổ chức xã hội… để kêu gọi hỗ trợ, động viên tinh thần thầy cô.

“Mỗi ngành, nghề có đặc thù riêng, do đó, giáo viên không có thưởng Tết không thể nói chịu thiệt thòi. Nghề giáo có niềm vinh quang, tự hào, hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được dù điều kiện vật chất còn hạn hẹp. Nếu so với ngành kinh doanh thì càng khập khiễng, khó nói. Do vậy, tôi luôn động viên đồng nghiệp được nghỉ Tết là vui rồi”, thầy Bắc chia sẻ.

Cô Nguyễn Hồng Ngân - Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ mơ đến thưởng Tết, bởi ngành mình còn nhiều khó khăn. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi động viên, tặng nhau niềm vui tinh thần, hoặc cùng góp để liên hoan nhỏ ấm áp trước và sau khi nghỉ Tết. Nghề giáo là nghề ‘trồng người’, thưởng Tết lớn nhất chính là sự khôn lớn, trưởng thành của học trò; thậm chí là niềm vui đơn sơ khi các em không nghỉ/bỏ học, có tiến bộ dù nhỏ nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu