Chắt chiu thưởng Tết giáo viên

GD&TĐ - Kinh phí hạn hẹp, nên để có được chút kinh phí thưởng Tết cho giáo viên, các cơ sở giáo dục phải chắt chiu trong cả năm học.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình đoàn viên hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). Ảnh: ITN
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình đoàn viên hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). Ảnh: ITN

Thưởng Tết dù ít ỏi, nhưng sự quan tâm của nhà trường, công đoàn cũng góp phần tạo cái Tết ấm áp cho đội ngũ.

Vì dịch nên khó càng thêm khó

Nói đến thưởng Tết, điều đầu tiên thầy Nguyễn Văn Chanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ là sự trăn trở. Trăn trở bởi với trường tiểu học kinh phí rất khó khăn. Ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ chi trả tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp cho giáo viên.

Tiền chi cho hoạt động chuyên môn, tu sửa cơ sở vật chất nhiều khi không đủ. Chưa kể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã trích một phần kinh phí để phòng chống dịch, như mua nước sát khuẩn, phun khử trùng, máy đo thân nhiệt... Vì vậy, để có nguồn kinh phí động viên các thầy cô giáo trong dịp Tết là không dễ.

“Nhà trường phải tiết kiệm các quỹ, hạn chế chi tiêu để cố gắng lo cho mỗi cán bộ giáo viên tiền Tết và quà trị giá 500 nghìn đồng/người. Ngoài ra, trong dịp Tết này, trường tổ chức thăm một số thầy cô giáo đã nghỉ hưu; đến thăm, chúc Tết các gia đình cán bộ, giáo viên nhà trường. Trường đồng thời huy động thêm doanh nghiệp trong xã có quà tặng cho cán bộ, giáo viên. Phấn đấu mỗi thầy cô được thêm túi quà trị giá khoảng 100 nghìn đồng/người” – thầy Nguyễn Văn Chanh chia sẻ.

Tương tự, thầy Trần Lê Duy Khiêm - Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ Khuyết tật thành phố Cần Thơ (TP Cần Thơ) - cho biết: Mỗi dịp Tết, việc lương, thưởng cho đội ngũ nhà giáo luôn là vấn đề trăn trở ở các cơ sở giáo dục. Riêng Trường Dạy trẻ Khuyết tật thành phố Cần Thơ là đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, không có nguồn thu sự nghiệp. Nên việc thưởng cho đội ngũ nhà giáo gặp nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào tiền tiết kiệm chi thường xuyên để tăng thu nhập cuối năm.

“Việc thưởng Tết được nhà trường căn cứ vào Quy chế chi tiêu nội bộ, tiền tiết kiệm được chia cho giáo viên theo tỷ lệ thành tích xếp loại thi đua cuối năm học trước (loại A: 100%, loại B: 80%, loại C: 60%...). Ngoài ra, Công đoàn của trường trích quỹ mua quà Tết cho giáo viên (tùy theo ngân sách quỹ có hằng năm).

Năm nay, trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu đến đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục, việc chăm lo cho đội ngũ của nhà trường vẫn tính theo thông lệ hằng năm. Đối với các trường hợp gia đình giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sẽ xem xét hỗ trợ thêm căn cứ theo Quy chế chi tiêu nội bộ” - thầy Trần Lê Duy Khiêm cho hay.

Chia sẻ của ông Trần Đắc Viện - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Hưng Yên, các trường THPT trên địa bàn tỉnh thường chăm lo cho các thầy cô trong trường mức thưởng Tết khoảng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy trường từ quỹ phúc lợi và quỹ công đoàn. Riêng Công đoàn Giáo dục, dịp Tết năm 2021 đã chi 257 triệu đồng hỗ trợ đội ngũ dịp Tết.

Năm nay khó khăn hơn, các nguồn quỹ phúc lợi của ngành cũng hạn chế, nhưng bù vào đó lại xã hội hóa được số tiền trên 500 triệu đồng từ Tổng Công ty thăm dò dầu khí Việt Nam hỗ trợ các học sinh khó khăn. Riêng với cán bộ, giáo viên, Công đoàn đã xây dựng chương trình và thống nhất hỗ trợ 240 suất quà (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng, một số suất trị giá 1 triệu đồng) hỗ trợ cho các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Công đoàn ngành dự kiến đến thăm hỏi, chúc Tết khoảng 10 thầy cô hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Công đoàn Giáo dục tỉnh An Giang tặng quà nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay cho đoàn viên người dân tộc Khmer ở các công đoàn cơ sở trực thuộc. Ảnh: ITN
Công đoàn Giáo dục tỉnh An Giang tặng quà nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay cho đoàn viên người dân tộc Khmer ở các công đoàn cơ sở trực thuộc. Ảnh: ITN

Nỗ lực lo Tết cho nhà giáo

Mỗi dịp Tết đến, Công đoàn Giáo dục các tỉnh đều có những hoạt động ý nghĩa chăm lo đời sống nhà giáo. Tại Thái Bình, ông Hoàng Thế Tranh - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh - cho hay: Trước bối cảnh nền kinh tế, xã hội cả nước và tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, để tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong các đơn vị ngoài công lập, Công đoàn ngành đã chủ động nắm bắt tình hình đời sống của cán bộ, nhà giáo, người lao động trên địa bàn quản lý.

Công đoàn ngành kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đúng chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, nhất là trong dịp Tết.

Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình cũng chủ động xây dựng kế hoạch và khảo sát cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và con cán bộ, nhà giáo, người lao động bị tàn tật không tự phục vụ được. Kết quả, 447 cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Công đoàn ngành dự kiến tổ chức Tết sum vầy và hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 150 triệu đồng. Trong đó, 41 cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 700 nghìn đồng/người (tiền mặt 500 nghìn đồng và túi quà trị giá 200 nghìn đồng). Công tác chăm lo cho cán bộ, nhà giáo, người lao động thuộc các trường THPT ngoài công lập qua khảo sát có 406 người, mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người.

Tại An Giang, chia sẻ của ông Nguyễn Chí Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh, Tết Nhâm Dần 2022, nhà giáo và người lao động các trường THPT trên địa bàn An Giang được hưởng khoản thu nhập tăng thêm thấp nhất 300 nghìn đồng/người, cao nhất 7 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở tặng mỗi đoàn viên một phần quà Tết từ 300 - 500 nghìn đồng. Dự kiến hỗ trợ thêm cho 216 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn 300 nghìn đồng/người, với tổng số tiền 648 triệu đồng. Đồng thời, Công đoàn ngành Giáo dục tặng quà Tết cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở trực thuộc 500 nghìn đồng/người, với tổng số tiền 27 triệu đồng; đi thăm và hỗ trợ 15 đoàn viên đang điều trị bệnh (1 triệu đồng/người) với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc chăm lo cho đội ngũ của Công đoàn ngành có điểm mới, đó là hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (diện F0, F1); hỗ trợ khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn để công đoàn cơ sở thực hiện công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, tư vấn, hướng dẫn công đoàn cơ sở, nhất là công đoàn cơ sở ngoài công lập về đối tượng, thủ tục để hưởng các chính sách của Nhà nước, tổ chức Công đoàn đối với người lao động, đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.