(GD&TĐ) - Lịch sử báo chí yêu nước và cách mạng Việt Nam trước 1945 ghi nhận một dấu son đầy chói lọi, đó là sự tồn tại oanh liệt và dũng cảm của báo Tiếng Dân. Từ số đầu tiên, ra đời ngày 10/8/1927, cho đến khi đình bản, số cuối cùng (24/4/1943), Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) đã thực hiện đúng tôn chỉ của mình: "Mục đích của Bản báo là theo tâm lý chân chánh của quốc dân mà phô bày trên tờ giấy, cốt gìn giữ cái nền đạo đức sẵn có của ông bà, mà dung hợp với học thuật tư tưởng mới, để mở mang đường trí thức, đường kinh tế trong nước, công lý là hướng đường đi, công lợi là nơi quy túc... Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng..., đối với chánh phủ xin làm người bạn ngay..." (Lời phi lộ - Báo Tiếng Dân ra đời).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập báo Tiếng Dân năm 1927 và thông qua đó thể hiện tư tưởng đổi mới của mình |
16 năm trụ vững với 1766 số báo, Tiếng Dân là hiện thân của khát vọng về dân sinh, dân chủ, về tương lai tươi sáng của đất nước, về tự do, hạnh phúc cho những người dân cùng tại một nước thuộc địa - phong kiến. Khát vọng đó, mãi cho đến cuối đời vẫn hằn sâu nơi tâm khảm của một “ông cha già chí thân, tượng trưng cho một dân tộc”, như Điếu văn của ông Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc tại Lễ tang cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Cuối những năm 20 và suốt thập niên 30, miền Trung cũng có nhiều tờ báo xuất hiện, song lần lượt hoặc do chính quyền thực dân o ép hoặc do tài chính eo hẹp, đều chết dần hay tự đình bản. Chỉ có báo Tiếng Dân là vượt qua được những trở lực khách quan, tồn tại một thời gian tương đối dài, làm tròn thiên chức của mình đối với dân, với nước. Tờ báo được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo quần chúng độc giả, nhất là người đọc các tỉnh Trung Bộ. "Tiếng Dân đối với người miền Trung thời ấy như một ông thầy đối với người học trò nhằm giáo dục, khai phá, mở trường mới cho người dân thất học" (xem Nguyễn Q. Thắng - Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm - NXB thành phố Hồ Chí Minh - 1992, trang 69). Không ít ở những làng quê nghèo xứ Quảng, người ta chuyền tay nhau đọc Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng. Nếu đem so sánh sự nở rộ của báo chí Bắc Hà, luôn đổi mới nội dung, hình thức và sự phong phú, bình dân của báo chí Nam Kỳ, thì Tiếng Dân, một cơ quan ngôn luận thiên về những vấn đề xã hội, không chạy theo thị hiếu, không đăng tiểu thuyết diễm tình, truyện trinh thám... mà đứng được suốt ngần ấy năm, ta mới thấy tài làm báo của Huỳnh Thúc Kháng.
16 năm đó, Tiếng Dân không ngừng đứng về phía nhân dân, phía chính nghĩa để lên tiếng, để bảo vệ đồng nghiệp, không bao giờ "tán dương xằng, công kích nhảm". Tư tưởng của chủ bút Huỳnh Thúc Kháng xuyên suốt trong thời gian Tiếng Dân có mặt, đó là:
Bút giấy phơi lòng đỏ
Non sông tẩy vết đen
Năm châu phong hội mới
Làng báo gắng đua chen
Trên hết cả, Tiếng Dân là người bạn đường của người dân thấp cổ bé miệng. Ý thức được số phận của dân tộc, vận mệnh của người dân, Huỳnh Thúc Kháng đã không ngần ngại đứng ra bảo vệ lợi quyền chung. Ở Quảng Nam, vào năm 1929 - 1930, dù không có chứng cớ nào, chính quyền thực dân và tay sai đã bắt giam hai ông Nguyễn Hoè (quê huyện Quế Sơn) và Phạm Cự Hải (quê huyện Tiên Phước). Thế là báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng đứng ra kêu đòi. Phản đối trong nước chưa đủ, ông còn tập hợp hồ sơ gửi sang Hội Nhân quyền Pháp (Ligue des Droits de l"homme) ở Paris để can thiệp. Không chỉ thế, trên Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng còn đăng nhiều bài điều tra, nhiều tin tức về đời sống cơ cực của người dân. Ngày Phan Bội Châu qua đời (29/12/1940), trong làng báo chí công khai, Tiếng Dân là tờ báo bày tỏ sâu đậm tình cảm của mình đối với nhà chí sĩ yêu nước.
Về vấn đề tự do ngôn luận ở một nước thuộc địa, Huỳnh Thúc Kháng bày tỏ khá rõ ràng quan điểm. Trên Tiếng Dân số 135 (1-5-1929), ông đã viết:
"Ở nước ta, có quyền tự do ngôn luận hay không? Xét về phương diện pháp luật thì ở nước ta, vô luận là hạng ngôn luận nào, đều chẳng có một chút tự do gì cả". Đối với Trung Kỳ thì lại có đạo Nghị định Khâm sứ ngày 13 Janvier đem luật Gia Long mà thi hành đối với tội phạm về ngôn luận... Vậy ta có thể nói rằng vô luận về tính cách gì ở nước ta vẫn không có quyền tự do ngôn luận".
Cuối bài báo đó, Huỳnh Thúc Kháng thốt lên đầy đau đớn:
"Ôi! Ngôn luận tự do! Đến bao giờ ngôn luận tự do mới thực là xuất hiện".
Ngày báo Dân bị đóng cửa, Huỳnh Thúc Kháng đã sẻ chia với đồng nghiệp của mình: "Báo Dân đã chết rồi, có nói gì cũng không sống lại được... Song lấy lòng ngay thực nói cho đúng với thực tế thì báo Dân có phạm chăng là phạm cái tội khác chứ không phải cái tội náo động nhân tâm". (Tiếng Dân, 10/1938). Dân là tờ báo luôn bênh vực quyền lợi người dân và vạch trần những thối tha của Nam Triều. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), Dân là cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung kỳ. "Những người viết chính của báo Dân là những người cộng sản: Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Cửu Thạnh, Hải Thanh, Lê Bôi, Hà Thế Hạnh, Sơn Trà, Trịnh Xuân An, Tố Hữu..." (xem Hồng Chương, 120 năm báo chí Việt Nam - NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1985 - trang 49).
Báo chí bấy giờ, chỉ có Tiếng Dân là mạnh dạn đứng ra tố cáo những hành vi ám muội của thực dân, bảo vệ cho báo Dân.
Trong nhiều năm, Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận chính thức, dám vạch mặt chỉ tên những kẻ giả danh yêu nước, giả danh lợi dụng văn chương. Khi Ngô Đức Kế, đồng chí của Huỳnh Thúc Kháng từ những năm bị giam cầm ở Côn Đảo qua đời, Phạm Quỳnh quay trở lại vấn đề Truyện Kiều, bàn lại chính học cùng tà thuyết, thì ông không nén được cơn thịnh nộ. Trên Tiếng Dân, số ra ngày 17/9/1930, Huỳnh Thúc Kháng đã lên tiếng để "chiêu tuyết những lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời".
Với nhiều bút hiệu khác nhau, Huỳnh Thúc Kháng đã đảm nhiệm nhiều cột, mục trên báo. Và, cũng qua cách đặt bút hiệu, người đời cũng nhận ra tấm lòng của ông đối với đất nước, nhân dân. Có thể nói, báo Tiếng Dân phản ánh trung thành con người Huỳnh Thúc Kháng. Đó là con người khắc khổ, ưu thời mẫn thế, đầy nhiệt thành và phẩm hạnh.
Qua quãng đời làm báo, Huỳnh Thúc Kháng hiểu thấu hơn dân tộc và nhân dân của mình, để sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là người cộng tác đắc lực với Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao gửi Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rồi Chủ tịch Hội Liên Việt.
Cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương phản chiếu đầy đủ và quyết liệt về khát khao độc lập, dân chủ, tiến bộ của nhân dân và dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Năm nay (2013), Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Huỳnh Văn Hoa