Chấp nhận vất vả, thiệt thòi

GD&TĐ - Đến thời điểm này, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới hơn 8.000 - cao nhất cả nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, và trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” ấy, nhiều giải pháp quyết liệt đã được đưa ra...

Thủ tướng có Công điện yêu cầu TP hoàn thành ngay các công việc cần thiết về pháp lý và vận động để hạn chế ở mức cao nhất người dân đi lại. Tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch.

Khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ người điều khiển phương tiện vận tải ra, vào TP nhằm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không gây ách tắc và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân; chú trọng hỗ trợ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, không có tích lũy, thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do dịch bệnh...

Trước đó một ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong đó đề nghị TP cũng như các đơn vị cần sớm có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời kêu gọi người dân cảm thông nếu TP và các địa phương khác phải phong tỏa, giãn cách diện rộng...

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay của TP Hồ Chí Minh, việc xem xét thực hiện giãn cách, cách ly xã hội trên diện rộng là cần thiết. Về lý thuyết, cách ly xã hội là phương pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân thông qua việc giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, nhằm đối phó với tình huống nguy hiểm như bùng phát dịch bệnh.

Cách ly xã hội là không đóng cửa hoặc dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; các nhà máy vẫn hoạt động nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động; các cơ quan có thể ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ nhân viên làm việc tại nhà; người dân nên ở nhà chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa người với người; xe cộ được đi lại giữa các tỉnh lân cận nhưng phải khi thật sự cần thiết.

Giãn cách xã hội là nhóm biện pháp nhằm duy trì khoảng cách vật lý giữa người với người, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch bệnh và được phân làm nhiều cấp độ, từ khoảng cách tối thiểu giữa người với người đến hạn chế tập trung nơi đông người, đóng cửa các cơ quan, hạn chế đi lại...

Hiển nhiên khi thực hiện giãn cách hay cách ly xã hội, dù ở diện rộng hay diện hẹp cũng sẽ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cho nên điều cần thiết là phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Và điều đặc biệt quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận, chia sẻ của người dân.

Đợt dịch này tại TP Hồ Chí Minh được đánh giá là rất phức tạp, thế nhưng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự sẵn sàng hợp tác và chấp hành nghiêm các quy định của người dân, việc phòng chống dịch sẽ thành công.

Nhưng để đạt được điều đó, điều cần thiết lúc này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là TP phải siết chặt tay nhau, chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời hạn ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường. Phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn, không để dây dưa kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.