Chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII: Khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo

GD&TĐ - Phong trào thi đua yêu nước trong ngành Giáo dục ngày càng hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng, được cụ thể hóa bằng những đổi mới, sáng tạo trong dạy – học, gắn với thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, động viên thầy và trò xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vượt qua khó khăn sau trận lũ lớn xảy ra vào đầu năm học 2019 - 2020. Ảnh: TL
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, động viên thầy và trò xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vượt qua khó khăn sau trận lũ lớn xảy ra vào đầu năm học 2019 - 2020. Ảnh: TL

Xuất phát từ trái tim

Theo đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, so với 10 năm trước, phong trào thi đua yêu nước trong ngành Giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Điều đó được minh chứng trên nhiều phương diện. Chẳng hạn: Kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và chuẩn bị cho lộ trình đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Đây là hai minh chứng cơ bản nhất và có chuyển biến rõ nét trong ngành Giáo dục.

Đại biểu Ngọc Mai phân tích: Để triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới là sự nỗ lực, quyết tâm lớn của ngành Giáo dục. Nhiều giáo viên, nhất là một số giáo viên lớn tuổi, trước đây ngại thay đổi, nhưng nay chủ động bắt nhịp đổi mới. Thầy cô sẵn sàng thực hiện dạy - học trực tuyến; tự học online và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Đặt vấn đề về tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thi đua đổi mới, sáng tạo, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng: Chủ trương, chính sách đúng là cơ sở để các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện. Tiếp đến cần có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ gia đình và xã hội. Ngoài ra, cần tạo điều kiện và môi trường để giáo viên thỏa sức sáng tạo. Cụ thể: Trước đây, sách giáo khoa được coi là pháp lệnh nên giáo viên phụ thuộc nhiều vào tài liệu này. Nay theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa chỉ là phương tiện để giáo viên tham khảo trong quá trình dạy học. Giáo viên được quyền sáng tạo trong dạy – học để đạt mục tiêu bài học.

Cho rằng, thi đua phải là nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh: Điều đó phải xuất phát từ trái tim, sự tâm huyết và lòng yêu nghề. Thi đua với chính bản thân mình, ngày hôm nay làm việc tốt hơn hôm qua, tiết dạy hôm nay chất lượng hơn ngày hôm qua. Mỗi ngày có một cái mới, hôm sau tốt hơn hôm trước. Nói cách khác, mỗi giáo viên tự phấn đấu, có động lực để vượt lên chính mình. Thi đua không để hơn người khác hay vì danh hiệu này, phần thưởng kia, tất cả phải vì học sinh thân yêu.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG

Mạnh dạn bước ra vùng an toàn

Khẳng định các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong ngành Giáo dục đều gắn với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh – thành viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: Từ phong trào thi đua đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, trong dạy -  học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhiều trường vùng khó đã có những cách làm sáng tạo trong dạy học. Từ những vật liệu sẵn có, giáo viên đã mô phỏng lại đảo Gạc Ma, Trường Sa… để học sinh được học trực quan, sinh động. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tình yêu với biển đảo quê hương. “Đó là những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo thực sự. Họ làm giáo dục bằng tất cả tình yêu, thậm chí dành cả thanh xuân của mình để bám trường, bám lớp” – đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ.

Cũng theo đại biểu Hồ Thị Minh, có những thầy, cô giáo họ đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để thực hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo mà nhiều người cho là “gàn dở”. Đó là những nhà giáo đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt lên chính mình để mang đến những giờ học bổ ích, có chất lượng cho học trò. “Với tôi, họ đáng hoan nghênh, trân trọng và biểu dương” – đại biểu Hồ Thị Minh nói.

Là đại biểu Quốc hội, nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đại biểu đoàn Kiên Giang) nhìn nhận: Những năm qua, phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong ngành Giáo dục có sức lan tỏa rất lớn. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Kiên Giang – nơi đại biểu công tác, phong trào thi đua yêu nước, gắn với đổi mới, sáng tạo trong dạy – học được giáo viên và học sinh hưởng ứng tích cực.

Với đặc thù là trường dân tộc nội trú tỉnh – nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và khát vọng đổi đời của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang, vì thế, mọi phong trào hoạt động của nhà trường đều hướng đến học sinh và lấy học sinh làm trung tâm, trong đó phải kể đến một số giải pháp nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh nội trú. Theo đó, nhà trường đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực như thành lập các câu lạc bộ: Phát thanh học đường; văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu khoa học…

Ấn tượng và được học sinh đón nhận là, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Kiên Giang tổ chức lớp học buổi tối từ 19 - 21 giờ từ thứ 2 - 6 hàng tuần. Những lớp học này, các thầy, cô giáo sẽ dạy học, phụ đạo miễn phí cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện nhiều dự án dạy học theo hướng tích hợp liên môn. Chẳng hạn, dự án về an toàn thực phẩm. Theo đó, giáo viên tích hợp môn Công nghệ với Hóa học. “Thay vì thầy – trò ngồi trên lớp dạy – học, chúng tôi tổ chức cho học sinh đến siêu thị. Bằng kiến thức đã học, giáo viên hướng dẫn các em lựa chọn thực phẩm an toàn và một số kỹ năng mềm gắn với việc vận dụng kiến thức đã học. Sau đó yêu cầu học sinh viết báo cáo. Thông qua hoạt động này, chúng tôi lồng ghép được nhiều môn học như: Giáo dục công dân, Hóa học, Công nghệ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh” – đại biểu Châu Quỳnh Dao trao đổi.

Cô – trò Trường Tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: TG
Cô – trò Trường Tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: TG

Phát huy nội lực của ngành

Là người gắn bó và theo dõi từng bước trưởng thành của ngành Giáo dục, GS.TS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục hoan nghênh những đổi mới, sáng tạo của ngành GD-ĐT trong thời gian qua. Ở bậc học nào cũng có những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa Giáo dục, tỏa hương thơm cho đời.

Theo GS Phạm Minh Hạc, có nhiều cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên tâm huyết âm thầm, lặng lẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Những hy sinh, cống hiến của họ không gì có thể bù đắp. Đáng mừng là trong những năm qua, vai trò, vị thế của nhà giáo ngày càng được khẳng định trong xã hội. Hàng năm, Bộ GD&ĐT đều tổ chức vinh danh những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc. Đó là nguồn động viên, động lực lớn để đội ngũ thầy cô giáo tiếp tục phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

“Tôi khá tâm đắc với cách làm của một thầy hiệu trưởng trường THPT về giáo dục học sinh cá biệt. Phương pháp của thầy là “lạt mềm buộc chặt”, “mưa dầm thấm lâu” và thầy đã thành công khi cảm hóa được những học trò cá biệt, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi. Hay có trường đổi mới, sáng tạo từ giờ chào cờ. Đó không còn là buổi sinh hoạt để kiểm điểm, phê bình hay tuyên dương học sinh trước tập thể, mà là buổi sinh hoạt bổ ích với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hấp dẫn, lồng ghép giáo dục học sinh” - GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Đánh giá về việc triển khai các phong trào thi đua của ngành Giáo dục trong những năm qua, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định: Phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục được triển khai và lan tỏa sâu rộng; góp phần tích cực vào đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Bên cạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trở thành truyền thống của ngành Giáo dục trong nhiều thập kỷ, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” và các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, tiếp tục được triển khai rộng khắp. Xuất phát từ thực tiễn, năm học 2015 - 2016 đến nay, ngành Giáo dục tích cực chỉ đạo thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đặc biệt trong 2 năm học gần đây, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã tạo được hiệu ứng tích cực trong và ngoài ngành Giáo dục.

“Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đã và đang phát triển sâu rộng, với tinh thần, khí thế mới, thực sự phát huy nội lực của ngành và huy động các nguồn lực của xã hội; tạo nên động lực to lớn để chấn chỉnh kỷ cương, xây dựng môi trường GD-ĐT lành mạnh” – ông Đức nhấn mạnh.

Phong trào NCKH trong HSSV phát triển mạnh mẽ.
Phong trào NCKH trong HSSV phát triển mạnh mẽ.

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã và đang hoàn chỉnh, đồng bộ. Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, thiết bị giáo dục, phòng thí nghiệm, thư viện tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và hiện đại. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng; hợp lý, đồng bộ về cơ cấu; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Chất lượng giáo dục học sinh và đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.

Cho rằng, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” tác động đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục phân tích: Nhiều đơn vị đã triển khai các hoạt động sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, qua đó khích lệ các nhà giáo tự học tập, rèn luyện tạo ra những hiệu quả, những chuyển biến mới.

Nhiều mô hình mới được áp dụng vào thực tế giảng dạy như: “Dạy học gắn với thực tiễn”; “Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học”; “Thư viện xanh”; “Nông trại trường em”, “Lớp học linh hoạt”, “Đổi mới công tác quản lý chỉ đạo dạy và học thông qua chương trình “Nối vòng tay yêu thương”, “Nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”… Điều này có những tác động to lớn trong thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Vũ Minh Đức, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên có ý nghĩa quyết định. Qua việc thực hiện các phong trào thi đua, nhất là việc hình thành các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” giúp giáo viên thay đổi về nhận thức, không bằng lòng, thỏa mãn với bản thân, không ỷ lại vào đời sống, thu nhập còn khó khăn để không dành thời gian cho việc tự nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng ứng xử sư phạm; từ đó vượt qua “sức ỳ” để chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng, tận dụng sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua cũng thúc đẩy giáo viên tìm hiểu và học hỏi các phương pháp dạy học tích cực như “phương pháp mảnh ghép”, “phương pháp trải nghiệm sáng tạo”, “phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy”, nghiên cứu và tìm hiểu sự khác biệt giữa dạy học theo hướng “tiếp cận nội dung” của chương trình cũ với dạy học theo hướng “tiếp cận năng lực” của Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, để dần từng bước vận dụng linh hoạt vào thực tế giảng dạy.

Qua các phong trào thi đua, tôn thêm lòng tự hào về vị thế của nhà giáo, khơi dậy sự tự tin, nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên. Phía trước vẫn còn những khó khăn thách thức, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải không ngừng vươn lên, xứng đáng với sự tin yêu của học trò. - Ông Vũ Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.