Chàng trai 'săn vàng' tại IMO 2022

GD&TĐ - Ngô Quý Đăng - Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.

Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế. Ảnh: TG
Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế. Ảnh: TG

Tại IMO 2020, không chỉ giành Huy chương Vàng Toán quốc tế, nam sinh này còn xuất sắc xếp hạng 4 thế giới. Sau 2 năm, Quý Đăng lại góp mặt trong đội tuyển và hoàn thành mục tiêu chinh phục chiếc Huy chương Vàng thứ 2.

Chàng trai của giải thưởng lớn

Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam tham dự và giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO). Tại IMO 2020, không chỉ giành Huy chương Vàng, nam sinh này còn xuất sắc xếp hạng 4 thế giới với 36/42 điểm và làm trọn vẹn 5/6 bài toán của kỳ thi này.

Ngoài ra, Ngô Quý Đăng còn sở hữu nhiều giải thưởng khác như Huy chương Vàng kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng; Huy chương Vàng kỳ thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ; vô địch quốc gia kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo; Huy chương Vàng kỳ thi vô địch Toán quốc tế Australia mở rộng và Huy chương Vàng kỳ thi Olympic quốc tế Zhautykov về Toán, Vật lý và Khoa học máy tính năm 2022.

Với thành tích đó, Ngô Quý Đăng vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và được lựa chọn là 1 trong 20 Gương mặt tiêu biểu của Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2021.

Nhớ lại thời khắc đoạt Huy chương Vàng IMO 2020, Ngô Quý Đăng chia sẻ, đây là niềm vui bất ngờ, là kết quả em không ngờ đến. Ngay cả việc được chọn vào đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế em cũng không nghĩ có tên mình. Khi được chọn vào đội tuyển, là thí sinh nhỏ tuổi nhất cũng là thử thách với bản thân. Tuy nhiên, em luôn phấn đấu hết sức mình để đạt được mục tiêu đề ra.

Kể về con, anh Ngô Đăng Đạt, bố của Đăng, cho biết: Từ nhỏ, Đăng đã thích những trò chơi có con số và được ông ngoại là giáo viên dạy Toán hướng dẫn các phép cộng, trừ, nhân, chia. Sau đó, Đăng lựa chọn học Toán tại Trường Archimedes. Nhờ đó, Đăng đã rèn được khả năng tự học, chủ động hỏi thầy cô giảng những phần chưa hiểu.

Ông ngoại là giáo viên dạy Toán đã kèm cặp, tiếp sức cho Đăng kiến thức môn học trong những năm nam sinh học tiểu học. Lên THCS, Đăng bắt đầu đi tìm những bài toán khó, bài nào không làm được thì hỏi thầy. Các thầy cô ở Trường THCS Archimedes và sau này là THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã giúp Đăng nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học.

Còn bạn cùng lớp với Đăng là Đinh Vũ Tùng Lâm cho biết, từ những năm học THCS, Đăng đã gắn với biệt danh “vua giải thưởng” vì đã giành được nhiều huy chương danh giá. Đầu năm lớp 10, Đăng đã hiện thực hóa ước mơ khi trở thành một trong 6 thành viên đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2022. Không chỉ giỏi Toán, Đăng còn học giỏi nhiều môn học khác và năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường tổ chức.

Ngô Quý Đăng (thứ 3 từ trái sang) và đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2022. Ảnh: TG

Ngô Quý Đăng (thứ 3 từ trái sang) và đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2022. Ảnh: TG

Chinh phục khát vọng

Chia sẻ về bí quyết học Toán của mình, “vua giải thưởng” cho biết: “Không có bí quyết đặc biệt, không có khả năng gì vượt trội so với mọi người. Tuy nhiên, qua quá trình học, em đúc rút ra được một số công thức riêng. Công thức học tập đem lại thành quả, tuy không quá lớn nhưng đã kiểm chứng việc đi đúng hướng và là động lực để em tiếp tục theo đuổi môn Toán sau này”.

Đăng kể, học tiểu học, em chưa có khả năng tự học, vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của ông ngoại. Nhưng lên đến THCS, em đã rèn khả năng tự học. Và Đăng cho rằng, muốn thành công thì không thể thiếu tự học, phải có tư duy, sáng tạo, độc lập. Ngoài việc nghe thầy cô giảng trên lớp, Đăng còn nghiên cứu nhiều tài liệu, đọc những kiến thức chia sẻ trên mạng Internet.

“Em cũng nghĩ ra một cách học khá hiệu quả, đó là chuẩn bị quyển sổ nhỏ, bài toán nào hay hoặc khó, em sẽ chép đề bài và lời giải vào để thi thoảng đọc lại. Cách học này giúp nhớ được những gì mình đã học, phát hiện phần kiến thức còn hổng. Hiện, cuốn vở này có 100 bài, em phải thay sang cuốn sổ mới”, nam sinh chia sẻ.

Cùng với đó, việc trình bày bài thi cũng rất quan trọng. Trước đây, em trình bày rất xấu và nhiều lần mất điểm dù giải đúng. Được thầy cô nhắc cần trình bày rõ hơn, viết chữ đẹp hơn, em đã làm bài cẩn thận và kết quả thi cải thiện rõ rệt.

Nhờ nỗ lực của bản thân, nam sinh một lần nữa có tên trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế. Năm nay, kỳ thi Olympic Toán diễn ra tại Oslo, Na Uy. “Được ra nước ngoài thi đấu sau 2 năm thi trực tuyến là kỷ niệm đẹp, cơ hội để bản thân và thành viên đội tuyển được giao lưu với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó, quá trình tập luyện đội tuyển với các bạn cũng giúp em có thêm nhiều kiến thức và kỷ niệm không thể nào quên”, Quý Đăng kể.

Thầy Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu “săn” thêm Huy chương Vàng, Đăng không ngừng bổ sung kiến thức. Bên cạnh nâng cao phần đại số, em cũng tập trung cho phần hình học từ thầy giỏi ở trong và ngoài nhà trường, một điểm yếu của em trước đây. Phần thưởng cho những nỗ lực ấy là chiếc Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42.

“Đăng là gương mặt đặc biệt của đội tuyển Toán năm nay. Ngoài năng khiếu sẵn có, em còn là tấm gương sáng về khả năng tự học, rèn luyện. Năm nay, đội tuyển được tập huấn trong điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất từ trước đến nay tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, là tiền đề thuận lợi để Đăng và các bạn tỏa sáng rực rỡ tại IMO 2022”. - Thầy Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.