Chàng trai người Dao bỏ phố về quê làm giàu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bỏ phố về quê, chàng trai người dân tộc Dao làm kinh tế giỏi đã thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ sự kiên trì.

Chàng trai người Dao bỏ phố về quê làm giàu.
Chàng trai người Dao bỏ phố về quê làm giàu.

Rời phố về quê

Anh Bàn Xuân Thủy (SN: 1997), xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên ngành Quản lý đất đai năm 2019, Thủy được nhận vào làm việc tại một công ty với mức lương khá ổn định. Tuy nhiên, với khao khát lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, chàng trai trẻ quyết định bỏ phố về quê làm kinh tế.

Thời gian sống và học tập tại thành phố giúp anh Thủy nhận ra vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là cơ hội cho các mặt hàng nông sản sạch có chỗ đứng trên thị trường, do đó anh Thủy quyết định khởi nghiệp từ chính các sản vật ở quê hương.

Cuối năm 2021, mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách với số tiền 50 triệu đồng, anh Thủy bắt đầu tiến hành cải tạo vùng đất đồi rộng khoảng 1 ha của gia đình, mở rộng mô hình nuôi lợn đen và gà đồi thương phẩm.

Mô hình nuôi lợn đen góp phần mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Thủy.

Mô hình nuôi lợn đen góp phần mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Thủy.

Với những kiến thức từ khi còn đi học, anh Thủy đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, chia thành các khu chuyên biệt, vừa đảm bảo vệ sinh lại đảm bảo quy trình chăm sóc an toàn. Ngoài ra, anh Thủy còn chủ động trồng thêm các loại rau, chuối rừng để tạo thức ăn xanh, bổ sung thêm cám gạo, cám ngô để gia tăng chất lượng thịt đảm bảo chất lượng thức ăn cho vật nuôi.

Chia sẻ về những ngày đầu mới xây dựng trang trại, anh Thủy cho biết: Khi mới bắt tay vào phát triển trang trại nuôi lợn đen và gà đồi có không ít khó khăn gặp phải, do thời tiết, khí hậu đàn vật nuôi mắc bệnh, bị tác động từ một số động vật khác, xổng chuồng… Nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ nản chí, cứ mỗi lần thất bại, anh Thủy lại rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để rồi lại tiếp tục khắc phục những khó khăn.

Đa dạng các mô hình kinh tế

Ở tuổi 25, với tinh thần ham học hỏi, sáng tạo vươn lên làm giàu, từ 4 con lợn giống ban đầu, mỗi năm trang trại đã phát triển lên đến 50 con lợn thịt. Hiện nay trang trại chăn nuôi của anh Thủy đang có 16 con lợn đen nái, gần 100 con lợn đen thịt thương phẩm và khoảng 300 con gà đồi nuôi lấy thịt. Hàng năm, xuất khoảng 3 tấn lợn hơi và 3 tấn gà thịt, với giá thành 130.000/ nghìn 1 kg cho thị trường các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương...Sau khi trừ các chi phí anh Thủy thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Mặc dù đã có nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng chàng trai trẻ ấy chưa dừng lại, nhận thấy những nét đẹp vốn có của núi rừng Na Hang được thiên nhiên ban tặng, anh Thủy tiếp tục đầu tư thêm homestay ngay tại địa phương. Nhờ thuận lợi về nguồn thực phẩm sạch nên homestay Mác Cọp của gia đình anh Thủy luôn đông khách lưu trú, anh cũng kết hợp giữa kinh doanh, buôn bán và quảng bá nông sản sạch của địa phương tới nhiều khách du lịch.

Homestay của anh Thủy tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa.

Homestay của anh Thủy tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa.

Hiện homestay có thể đón tối đa 30 khách/ngày, công suất phòng ngày cuối tuần thường xuyên đạt tới 85 - 90%, thu hút du khách tới từ khắp cả nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản…Cơ sở homestay của anh Thủy đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa. Ngoài ra, anh Thủy còn hướng dẫn bà con địa phương cách thức làm nông nghiệp sạch, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, từ đó góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, trở về quê sẽ gắn chặt với cuộc sống an nhàn, chàng trai trẻ duy trì lối sống năng động như khi còn ở Hà Nội, vẫn kết nối và làm việc với những người bạn có cùng lối sống gần gũi với thiên nhiên, đăng bài giới thiệu về quê hương, làm nông nghiệp sạch tại quê nhà.

Anh Thủy khẳng định: Dù làm bất cứ công việc gì ở đâu chỉ cần có đam mê, kiến thức, nắm bắt được khoa học kỹ thuật thì nhất định sẽ thành công.

Chị Đặng Thị Dương - Bí thư đoàn thanh niên xã Hồng Thái cho biết: Bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh Bàn Xuân Thủy còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thanh niên, mô hình kinh tế của anh Thủy đem lại hiệu quả về kinh tế và xã hội, tiềm năng nhân rộng trên địa bàn trong vùng và các địa phương khác, không chỉ cung cấp cho các loại nông sản sạch đem lại chất lượng và giá trị cao mà còn góp phần tạo sinh kế cho bà tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ