(GD&TĐ) - Có một ngôi nhà nhỏ dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo nằm cuối thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cứ tối đến tiếng trẻ con học chữ ơ a lại vang lên. Chủ nhân của ngôi nhà này, được mọi người ví như “ông bụt”của trẻ nghèo. Hỏi ra mới biết “ông bụt” chính là chàng trai 20 tuổi Lê Thoại Kỳ…
Nghị lực từ cuộc sống
Mọi người đã quá quen thuộc khuôn mặt Lê Thoại Kỳ trên màn hình tivi trong vai trò là một MC, biên tập viên chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên). Nhưng ít người biết rằng, tuổi thơ Kỳ bắt đầu từ một cậu bé mồ côi. Lúc còn chập chững bước đi, mẹ Kỳ đã bỏ nhà ra đi và đến giờ vẫn chưa liên lạc, tiếp đến năm 12 tuổi cha mất, Kỳ phải sống cô đơn bên bà nội nay đã già yếu. Cuộc sống bắt đầu với những ngày vật lộn bươn chải để có tiền ăn học.
Kỳ kể “Cha mẹ mất nên tôi phải lo mọi thứ, một buổi đi học buổi còn lại ra chợ làm thuê cho các hàng quán, đạp xích lô, bưng bê hàng hóa…Thù lao mỗi ngày trên dưới 10 nghìn đồng. Thường thì hơn 10 giờ khuya mới về, hôm nào dư thức ăn thừa của khách thì xin về ăn, hoặc tối đó nấu cơm rồi tranh thủ học bài cho ngày mai tới lớp”.
Học sinh tham gia lớp học tình thương của Lê Thoại Kỳ |
Khó khăn là vậy, nhưng suốt quá trình học tập Kỳ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Điều đặc biệt, cái tên Thoại Kỳ thường xuyên ký tên trên nhiều tờ báo, đài ở địa phương và cả trung ương. Ngay từ nhỏ Kỳ đã viết báo rất say mê, nhất là những vấn đề liên quan tới những hoàn cảnh khó khăn. Chính công việc viết báo, chính tố chất có sẵn trong con người mà sau khi học 12 Kỳ được VTV Phú Yên để mắt tới và nhận vào đài làm việc. Và hiện nay Kỳ đang sống một mình không còn làm thuê mà dựa vào số tiền nhuận bút cộng tác với các báo, đài. Anh Nguyễn An Bang (biên tập viên VTV Phú Yên) cho biết “Trong công việc Kỳ rất chững chạc, dù chưa được qua đào tạo nghiệp vụ, nhưng nhờ sự đam mê học hỏi và nghị lực sống bản than nên Kỳ làm rất tốt, tôi xem Kỳ như một người đồng nghiệp giỏi”.
Vừa phải học vừa phải làm, nhưng Kỳ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Hiện nay Kỳ chủ nhiệm chương trình “Đèn đom đóm Phú Yên” của trung tâm công tác xã hội trẻ em tỉnh Phú Yên (thuộc sở lao động-thương binh-xã hội tỉnh Phú Yên). “Đèn đom đóm Phú Yên” chính Kỳ đề xuất thành lập đến nay thắp sáng hàng chục trẻ em nghèo toàn tỉnh với số tiền lên đến hết trăm triệu đồng. Bà Phạm Thị Tương Lại (phó giám đốc sở lao động-thương binh-xã hội tỉnh Phú Yên) cho biết “Nhiều năm liền Kỳ được sở tuyên dương, khen thưởng về những hoạt động từ thiện-xã hội. Tôi đánh giá rất cao về những việc làm của Kỳ, mới đây lớp học miễn phí được xem là một việc làm thiết thực rất ý nghĩa mà Kỳ đã mang lại cho nhiều em nhỏ thiệt thòi trong cuộc sống”.
“Hạnh phúc là sự chia sẻ”
Kỳ bày tỏ “Chính cuộc sống khó khăn bản thân mà tôi càng đồng cảm với những trẻ em cùng chung số phận, điều đó càng làm tôi thôi thúc đến với lớp học tình thương này, nhìn những nụ cười trong veo của các em dường như tôi cảm thất thấy ấm áp hơn”.
19 giờ ngôi nhà nhỏ của Kỳ lại rộn ràng tiếng trẻ em kéo đến, đa số các em đăng ký theo học đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn. Lớp học được gọi là “đa ghép” khi mà ngôi nhà phải chia làm nhiều lớp duy chỉ một thầy giáo Kỳ. Bảng chia làm rất nhiều phần, góc trên chia ra làm bài toán lớp 7, phía góc dưới dạy tiếng anh lớp 4, phía phải dạy địa lí lớp 5…cứ thế một tay cầm phấn, một tay cầm sách, lúc lại chạy đến từng chỗ hướng dẫn chỉ bảo từng em, tất cả bằng tình thương thiện nguyện trong tâm hồn của Kỳ. “Gọi là lớp học cho “sang” nhưng thực chất mỗi khi đến lớp các em ngoài việc mang theo sách vở còn không quên mang theo một chiếc ghế. Do chưa có điều kiện nên đành vậy, tuy các em ngồi phếch đất lấy ghế nhựa làm bàn học nhưng em nào cũng say mê học tập. Có hôm số lượng đông quá phải chia ra học trong nhà, ngoài hiên và cả trong nhà bếp”, Kỳ nhoẻn cười và cho hay.
Lê Thoại Kỳ dạy học bằng cả trái tim yêu trẻ nghèo |
Em Bùi Nhật Nguyên (học sinh lớp 5D trường tiểu học Quang Trung, TP. Tuy Hòa) cho biết “Nhà em khó khăn ngoài việc học trên lớp còn phải phụ giúp mẹ làm mọi việc trong gia đình, nên không có điều kiện đi học thêm như nhiều bạn. Biết được thầy Kỳ mở lớp dạy học miễn phí nên em đăng ký theo học. Em vào học được gần 2 tháng, ở đây thầy dạy rất nhiệt tình bằng những kiến thức thầy dạy em tự tin hẳn lên khi đến lớp”. “Thấy nhiều em đăng ký học nên tôi cũng cho con tham gia. Nhờ lớp học của Kỳ mà con tôi có thể bổ sung kiến thức mà lại không tốn tiền”, chị Nguyễn Như Tâm, mẹ em Nguyên vui vẻ kể lại.
Khi hỏi về công việc ý nghĩa mình đang làm, Kỳ tâm sự “Hiện nay các em đăng ký học rất đông, tôi chỉ mong muốn có được một phòng học đầy đủ tiện nghi để đảm bảo việc học tập, để các em tiếp thu bài tốt nhất. Mặc dù không được đào tạo ngành sư phạm, nhưng bằng những kiến thức mình đã từng học tôi sẽ cố gắng dạy lại cho các em. Có những hôm được điểm 9, 10 các em mang đến khoe tự nhiên cảm thấy vui sướng điều đó làm tôi yêu quý công việc mình làm ơn, hạnh phúc là sự chia sẻ chính điều đó sẽ giúp tôi gắng bó lớp học mãi”. Một triết lý giản dị đầy ý nghĩa ấy của chàng trai trẻ giàu tình thương đã gieo cho nhiều trẻ em biết đến con chữ nhiều hơn.
Quỳnh Phong