Chặng đường mới

GD&TĐ - Trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp 11, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội. Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ được bầu trong tuần tới. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Như vậy, có thể nói Quốc hội đã bắt đầu chặng đường tiếp theo của mình với mục tiêu tối thượng là “phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân” như lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nhìn về phía trước, Quốc hội sẽ phải đương đầu với những thách thức lớn trong cả 3 hoạt động trọng tâm (lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước).

Bởi lẽ, Việt Nam bắt đầu bước vào chiều sâu của kỷ nguyên số, chuyển đổi số toàn diện và cần đến những động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó, toàn cầu bước vào giai đoạn hậu Covid-19 với nhiều bất ổn. 

Chẳng hạn ở khía cạnh lập pháp. Những vấn đề hoàn toàn mới như “tài sản số”, “đồng tiền kỹ thuật số”, “tiền mật mã”, “thương mại số xuyên biên giới”… nếu chỉ nhìn ở khía cạnh kỹ thuật đã đầy phức tạp.

Việc tạo lập các khung khổ pháp lý mang tính khuyến khích và trở thành động lực cho nền kinh tế số càng khó hơn, bởi nó cần đến những tư duy chính sách, tư duy pháp lý và cách tiếp cận chưa từng có tiền lệ.

Thách thức lớn hơn ở chỗ kỹ thuật số - Internet mang bản chất xuyên quốc gia. Do đó, nền tảng pháp lý riêng rẽ của từng quốc gia có thể không đủ hiệu quả để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới và đòi hỏi các nhà lập pháp phải kiến tạo những hệ thống pháp lý chung mang tính toàn cầu. 

Muốn “giải” những vấn đề hóc búa của bối cảnh phát triển mới, “chất lượng” từng đại biểu và hệ thống các cơ quan của Quốc hội phải được nâng cấp mạnh mẽ cả ở kỹ năng truyền thống như làm chính sách, làm luật lẫn kỹ năng mới là hợp tác quốc tế và làm việc ở môi trường lập pháp xuyên quốc gia.

Và chúng ta có cơ sở để tin rằng Quốc hội nhiệm kỳ tới có khả năng xử lý các thách thức như vậy. 

Đầu tiên, nguồn lực của Quốc hội mới “dồi dào” hơn khi Quốc hội sẽ có tới 40% số lượng đại biểu là chuyên trách. “Chất” của đại biểu chuyên trách còn ở chỗ các ứng cử viên đại biểu Quốc hội được giới thiệu cho khóa mới có năng lực được quy hoạch tương đương cấp thứ trưởng.

Bên cạnh đó, Quốc hội nhiệm kỳ tới có thể sử dụng lợi thế của công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hay còn gọi là “Quốc hội điện tử”.

Ở hướng thứ nhất, việc hình thành một cơ sở dữ liệu đầy đủ các quy phạm pháp luật, từ đó kết hợp sử dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có thể giúp xử lý vấn đề trùng lặp, thiếu thống nhất của các quy phạm pháp luật.

Ở khía cạnh thứ hai, Quốc hội điện tử chính là công cụ tăng tương tác giữa đại biểu và các thành phần cử tri, trong đó có lực lượng chuyên gia – không chỉ chuyên gia trong nước mà còn là chuyên gia khắp toàn cầu.

Các công cụ tương tác trực tuyến (như họp trực tuyến; tham gia trực tuyến vào điều trần, chất vấn, giải trình phục vụ xây dựng chính sách) cung cấp những giải pháp hiệu quả với chi phí thấp cho các hoạt động như vậy.

Thách thức rất nặng nề nhưng với nguồn lực và hướng đi đúng, kỳ vọng và niềm tin của cử tri vào Quốc hội nhiệm kỳ mới cũng rất lớn lao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.