Thực tế giảng dạy cho thấy, bộ tài liệu góp phần giáo dục các em về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người thanh lịch, văn minh.
Giáo dục phong cách người Hà Nội
Trong buổi đầu tiên của năm học 2021 - 2022 dưới hình thức trực tuyến, học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được học bài Em hỏi và trả lời trong bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Học sinh được dạy về cách chào hỏi, phải trả lời đủ cả câu, không hỏi và trả lời trống không, biết nói lời yêu cầu, đề nghị với mọi người.
Cô Trần Thị Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bộ tài liệu “nhằm giáo dục học sinh kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử với người xung quanh. Đặc biệt tập trung giáo dục các hành vi ứng xử văn hóa, không nói tục, chửi bậy, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
Bộ tài liệu cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, pháp luật, truyền thống lịch sử Thủ đô và phong cách người Hà Nội cho học sinh Thủ đô; nâng cao ý thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống, lối sống, đạo đức của học sinh Hà Nội; phấn đấu để học sinh có hành vi chuẩn mực, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa và phong cách người Hà Nội.
Để việc giảng dạy bộ tài liệu đạt hiệu quả, không làm quá tải chương trình, nhà trường yêu cầu các thầy cô giáo thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, tham gia các hoạt động một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả. Trong thời gian học trực tuyến, các bài giảng luôn được áp dụng công nghệ hiệu quả để thu hút học sinh.
Rất thích thú khi nói về môn học “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”, em Nguyễn Thanh Lâm - học sinh Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) nhận thấy hiệu quả sau mỗi tiết học là nhiều bạn trong lớp không nói tục chửi bậy, còn bản thân thì ý thức với lời nói của mình. Nhờ hướng dẫn của cô giáo, em biết cách chào hỏi, cách ứng xử, lễ phép với thầy cô, hiểu về phong tục tập quán, văn hóa, nét đẹp của người Hà Nội.
Bộ tài liệu không chỉ thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh mà còn nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) bày tỏ niềm tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu trong nhà trường.
Dạy nếp sống thanh lịch từ cấp học mầm mon
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương duy nhất đưa vào giảng dạy tại các nhà trường bộ tài liệu giáo dục địa phương có tên gọi “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.
Năm 2019 - 2020, sở triển khai biên soạn, thẩm định tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” dùng cho trẻ em 5 - 6 tuổi. Mới đây, UBND TP ban hành quyết định triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu cho học sinh từ cấp học mầm non. Việc giảng dạy nhằm bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho tuổi trẻ học đường Thủ đô.
Từ năm 2020, Trường Mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) được sở GD&ĐT chọn giảng dạy thí điểm bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” cho học sinh mầm non. Khi nhận được tài liệu, ban giám hiệu, tổ chuyên môn cùng giáo viên phụ trách họp và phân công giáo viên thực hiện các hoạt động, triển khai thí điểm với 20 trẻ của lớp mẫu giáo lớn.
Theo cô Lương Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng nhà trường, thực tế cho thấy tài liệu đã mang lại những kiến thức bổ ích, hoạt động mới mẻ cho cả giáo viên và trẻ. Các cô giáo nhận định đây là tài liệu thiết thực để áp dụng vào chương trình giảng dạy kỹ năng sống tại lớp. Trẻ thì vô cùng thích thú bởi những hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu, dễ hiểu, dễ nhớ thông qua các hoạt động hấp dẫn mà cô giáo hướng dẫn.
Bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) nhận định: Cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích và thiết thực khi đưa vào dạy trẻ tại các trường mầm non. Đây là cuốn sách sử dụng đồng thời cho các bé (để học) và cô giáo (để dạy). Phụ huynh cũng có thể tham khảo để phối hợp với các cô cùng dạy cho con em mình.