Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Đề cao giáo dục bản thân

GD&TĐ - Để chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục là quan điểm đúng đắn và mang ý nghĩa sâu sắc.

Buổi chào cờ đầu tuần của học sinh Hà Nội: Ảnh: T H
Buổi chào cờ đầu tuần của học sinh Hà Nội: Ảnh: T H

Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Luận - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao tỉnh Kon Tum, không phải chỉ cần sự vào cuộc của nhà trường mà mỗi con người phải tự học, tự rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống và tự giáo dục bản thân.

Chấn hưng để phù hợp với sự phát triển

Ông Phan Đức Luận cho rằng, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”. Đây là cách tiếp cận vấn đề rất hay và mang ý nghĩa sâu sắc.

Ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao tỉnh Kon Tum cho rằng, mỗi một người phải ý thức được việc tự giáo dục bản thân. Ảnh: TG
Ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao tỉnh Kon Tum cho rằng, mỗi một người phải ý thức được việc tự giáo dục bản thân. Ảnh: TG

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Lời nói này mang tính giáo dục sâu sắc. Hiện nay qua quá trình phát triển của xã hội xác định, văn hóa là nền tảng. Chính vì vậy mọi người phải đặt văn hóa truyền thống lên trên hết thì xã hội mới ngày càng phát triển.

Ông Luận cho hay, “chấn hưng” đã có từ lâu đời, đến nay thực hiện “chấn hưng” trong tình hình bình thường mới. Văn hóa là nền tảng của mọi ngành nghề. Do đó, nền tảng văn hóa đã đi sâu, đan xen và xuyên suốt trong mỗi con người.

“Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục” là rất đúng đắn, nhưng giáo dục có ý nghĩa rất rộng lớn và giáo dục không bao giờ là đủ. Không phân biệt ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới, mọi việc đều do con người quyết định. Những yếu tố bên ngoài chỉ tác động, hỗ trợ con người để hoàn thành tốt mọi việc. Bởi “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Có thể thấy mọi thứ đều bắt đầu từ giáo dục. Nhưng bên cạnh việc giáo dục từ nhà trường, giáo dục còn bắt nguồn từ gia đình, xã hội và đặc biệt là từ chính bản thân mỗi người.

Mỗi người từ nhỏ cho đến lớn phải ý thức được việc tự giáo dục bản thân mình. Bởi con người có thể tự học, tự rèn luyện và biết vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trước sự phát triển của xã hội hiện nay. Bởi mỗi công dân từ nhỏ đến lớn nếu ý thức được vấn đề tự giáo dục sẽ chủ động tiếp nhận kiến thức, nền tảng văn hóa đồng thời có những chuyển biến tích cực và năng động sáng tạo để phát triển bản thân, xa hơn là đưa đất nước ngày càng thịnh vượng.

“Nét chữ, nết người” luôn được các trường học rèn cho học sinh. Ảnh: Công Tiến
“Nét chữ, nết người” luôn được các trường học rèn cho học sinh. Ảnh: Công Tiến

Giáo dục lòng yêu nước

Nhấn mạnh “chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”, ông Phan Đức Luận trao đổi: Trước hết, giáo dục truyền thống phải được đặt lên hàng đầu. Bởi giáo dục truyền thống là nền tảng của văn hóa, như ở khu vực Tây Bắc có múa sạp, Tây Nguyên có múa xoang và biểu diễn cồng chiêng… Những phong tục, tập quán của từng địa phương là kho tàng văn hóa, bản sắc của các dân tộc tại Việt Nam.

Không chỉ ở từng địa phương mới có nét văn hóa vùng miền mà mỗi ngành nghề cũng có truyền thống riêng. Do đó, giáo dục truyền thống phải được đặt lên hàng đầu. Trong giáo dục truyền thống thì giáo dục lòng yêu nước phải được coi trọng hơn cả. Tuy nhiên, mỗi người thể hiện lòng yêu nước không chỉ qua lời nói mà bản thân đã và đang làm gì để đất nước ngày càng phát triển.

Ở thời xa xưa, các anh hùng, chiến sĩ yêu nước bằng cách cố gắng bảo vệ, lấy lại hoà bình cho đất nước. Qua đó, thể hiện ý chí chiến đấu quật cường, khí phách của dân tộc Việt Nam. Ngày nay con người có nhiều cách để yêu nước nhưng bản thân mỗi người phải chọn lọc để phù hợp với điều kiện bản thân việc yêu nước có kết quả. Do đó, mỗi người hãy thể hiện lòng yêu nước từ những việc nhỏ. Có thể yêu nước từ ngay trong gia đình, trường học và ngoài xã hội. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con và thầy cô là tấm gương sáng để các em noi theo, hoàn thiện nhân cách.

“Trước sự phát triển không ngừng của xã hội khiến văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Không chỉ ở tầng lớp trẻ mà những người lớn dần không còn mặn mà với nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, qua thời gian có những nét truyền thống trở nên lạc hậu nên cần phải nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi nhằm phù hợp với cuộc sống hiện tại. Do đó, cần phải chọn lọc những phong tục nào phù hợp, quan trọng để giữ gìn và bảo tồn còn phong tục lạc hậu cần phải bài trừ để đưa đất nước ngày một phát triển”, ông Luận nhận định.

“Tôi mong mỗi người dân nâng cao ý thức để cá nhân và cộng đồng có quan hệ tương tác qua lại. Qua đó, giúp đất nước ngày càng phát triển. Trong nhà trường, giáo viên làm gương cho học sinh noi theo. Còn trong các cơ quan, người đứng đầu phải làm gương về văn hóa, đạo đức. Đặc biệt, nhân cách và kiến thức song hành sẽ tốt hơn người có mỗi nhân cách, văn hóa hoặc kiến thức”, ông Luận nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ