Theo AP, ông Flynn được cho là thường xuyên liên lạc với ông Kislyak vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Obama áp đặt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa ông Obama và ông Trump.
Ông Mike Flynn. Ảnh: AP
Trước đó, hồi năm 2015, ông Flynn từng xuất hiện trong đêm gala của đài RT- kênh truyền hình của Chính phủ Nga- và ngồi ngay cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt buổi lễ.
Nhà Trắng bối rối trong vụ ông Flynn
Hồi cuối tháng 1, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo Nhà Trắng rằng, việc ông Flynn được chỉ định làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ có thể “có vấn đề” do có sự khác biệt giữa “những thông tin mà ông Flynn công bố với công chúng Mỹ và những gì giới tình báo biết về các cuộc điện đàm của ông với phía Nga”.
Tờ Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về việc quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates trao đổi với Tổng thống Trump về “việc bổ nhiệm ông Flynn” và Washington Post cũng là tờ báo đầu tiên đưa tin rằng, ông Flynn đã trao đổi với Đại sứ Nga về các lệnh trừng phạt mà ông Obama áp đặt lên Nga.
Sau khi có những báo cáo đầu tiên về việc ông Flynn có liên hệ với Nga, Tổng thống Donald Trump dù không công khai ủng hộ ông Flynn nhưng vẫn để ông tiếp tục làm Cố vấn An ninh Quốc gia.
Cuối tuần qua, ông Flynn vẫn có mặt tại dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago và hiện diện cạnh ông Trump khi Tổng thống Mỹ điện đàm với các nhà lãnh đạo quốc tế. Ông Flynn cũng có mặt tại cuộc họp báo chung giữa ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau chiều 13/2.
Giới chức Nhà Trắng đã đưa ra những thông điệp hoàn toàn trái chiều nhau liên quan đến ông Flynn trong suốt cả ngày 13/2. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Kellyanne Conway khẳng định, ông Flynn vẫn nhận được “sự ủng hộ tuyệt đối” của ông Trump trong khi người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, ông Trump đang “cân nhắc tình hình” và tham vấn Phó Tổng thống Mike Pence sau khi ông Pence có cuộc trao đổi với ông Flynn về thông tin ông Flynn có liên hệ với Nga.
Trong bức thư từ chức của mình, ông Flynn thừa nhận rằng, ông đã khiến Phó Tổng thống Pence hiểu sai về nội dung các cuộc điện đàm giữa ông và Đại sứ Nga Kislyev khiến ông Pence công khai bác bỏ thông tin rằng ông đã trao đổi với ông Kislyev về lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Obama.
Bức thư từ chức của ông Flynn có đoạn: “Thật đáng tiếng bởi mọi việc diễn ra quá nhanh khiến tôi không thể cung cấp thông tin đầy đủ về các cuộc điện đàm của tôi với Đại sứ Nga cho Phó Tổng thống và các quan chức khác. Tôi đã chân thành xin lỗi Tổng thống và Phó Tổng thống và họ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi”.
Khi được hỏi liệu ông Trump có biết trước việc ông Flynn có liên hệ với Đại sứ Nga trước khi có thông tin từ báo chí hay không, ông Spicer khẳng định: “Không, chắc chắn là không”.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff tuyên bố việc ông Flynn từ chức “cũng không chấm dứt nổi những hoài nghi liên quan đến mối quan hệ của ông đối với Nga”. Theo ông Schiff, hiện vẫn chưa rõ ông Flynn làm như vậy với tư cách cá nhân hay theo yêu cầu của Tổng thống Trump.
Một “ngôi sao” vụt tắt
Tướng Flynn tốt nghiệp Đại học Rhode Island vào năm 1981 với tấm bằng khoa học quản lý và trở thành một sĩ quan trong lĩnh vực tình báo quân sự. Ông nổi danh trong quân đội Mỹ về tính chuyên nghiệp trong công tác tình báo và là người rất bộc trực.
Ông Flynn từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong ngành tình báo quân sự, như Giám đốc Tình báo cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Trưởng Tình báo của lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan.
Tướng Flynn từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho đến khi từ chức vào tháng 4/2014. Theo ông Flynn, ông bị ép phải từ chức bởi có bất đồng với Tổng thống Obama về cách tiếp cận trong cuộc chiến chống khủng bố.
Sau khi từ chức, ông Flynn thường xuyên chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Lầu Năm Góc vì các chính sách và cách tiếp cận của họ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống IS. Ông cũng là người thường xuyên kêu gọi Chính phủ Mỹ cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Nga.
Ông Flynn được ông Trump bổ nhiệm là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của ông trong suốt quá trình ông Trump tranh cử Tổng thống.
Ngay trong bức thư từ chức của mình, ông Flynn vẫn hết lời ca ngợi ông Trump: “Chỉ trong vòng 3 tuần, Tổng thống mới của nước Mỹ đã định hướng lại chính sách ngoại giao của Mỹ một cách cơ bản để phục hồi lại vị thế hàng đầu của Mỹ trên thế giới”.
Trong khi đó, Nghị sĩ Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, khẳng định, dù phải từ chức, ông Flynn vẫn rất đáng được ca ngợi: “Thủ đô Washington là nơi tập hợp rất nhiều con người đáng kính và ông Flynn xứng đáng nhận được sự biết ơn và kính trọng của người dân Mỹ”./.