Tiên lượng dị ứng thức ăn ở người
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược TPHCM cùng thực hiện đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản” do TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú chủ nhiệm gồm các nghiên cứu viên, kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm Trung tâm Y Sinh học phân tử phối hợp cùng các bác sĩ lâm sàng tại Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng.
Đề tài này có mục tiêu nhằm phân lập và sản xuất được các dị ứng nguyên phù hợp, đặc trưng cho bệnh nhân Việt Nam và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm in vitro giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng dị ứng thức ăn, nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ. Nhờ đó, có thể hỗ trợ giảm phản ứng dị ứng nặng cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Kim Tú, hiện nay, các test xét nghiệm chẩn đoán dị ứng - miễn dịch lâm sàng tại Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu để chuyển giao kỹ thuật, xây dựng test xét nghiệm dị ứng phù hợp, đặc hiệu, có thể ứng dụng tại Việt Nam.
Từ đề tài tiền thân là “Seafood allergy in Vietnam” (Dị ứng hải sản ở Việt Nam), hợp tác giữa Trường Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Quốc gia Cheng Kung (Đài Loan, Trung Quốc), nhóm đã thiết lập quy trình chiết xuất dị ứng nguyên từ thức ăn, phát triển kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm với độ nhạy 90%, độ đặc hiệu 75% trong chẩn đoán dị ứng hải sản.
Ở đề tài tiền thân này, nhóm nghiên cứu đã thiết lập quy trình để chiết xuất và kiểm tra thành phần các protein có trong các loại thủy hải sản thường được tiêu thụ ở Việt Nam (tôm sú, tôm thẻ, tép bạc, cua đồng, cua biển, cá lóc, cá chép...), có thể ứng dụng để tinh lọc protein từ các loại thực phẩm gây dị ứng cho bệnh nhân Việt Nam.
TS.BS Kim Tú cho biết, trong đề tài “Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản”, nhóm nghiên cứu thực hiện hai kỹ thuật: Kỹ thuật tạo chiết xuất dị nguyên thô từ thức ăn và kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm.
Với kỹ thuật tạo chiết xuất dị nguyên thô từ thức ăn, các dị nguyên đang được sử dụng hiện nay đa phần nhập từ nước ngoài. Do đó nguồn dị nguyên thức ăn có khác biệt so với loại thức ăn người Việt Nam tiêu thụ (người phương Tây thường tiêu thụ cá tuyết, cá hồi, trong khi đó, người Việt Nam lại có thói quen ăn cá lóc, cá diêu hồng…). Nhóm trực tiếp tách dị nguyên từ chính thức ăn bệnh nhân có phản ứng, nhờ vậy giúp cá thể hóa người bệnh.
Nghiên cứu nhóm phản ứng quá mẫn với thuốc
Kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm (Basophil activation test, BAT) là một kỹ thuật tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, cho độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Kỹ thuật BAT được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, đặc biệt trong chẩn đoán quá mẫn (trước đây hay gọi là dị ứng) thuốc.
Tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán dị ứng là nghiệm pháp thử thách, có nghĩa là cho bệnh nhân ăn lại thức ăn gây dị ứng để xem phản ứng của họ. Nghiệm pháp này không phải lúc nào cũng thực hiện được và có thể gây khó chịu cho bệnh nhân.
Đối với BAT, người bệnh sẽ được lấy máu. Nhóm nghiên cứu chọn lọc các tế bào bạch cầu ưa kiềm bằng cách đánh dấu tế bào, cho ủ với các dị nguyên để mô phỏng lại cách tế bào máu của người bệnh phản ứng với các dị nguyên thức ăn khác nhau. Từ đó, đánh giá mức độ phản ứng để chẩn đoán và tiên đoán nguy cơ dị ứng của người bệnh.
“Để chuẩn hóa quy trình, nhóm thực hiện thí nghiệm lặp lại nhiều lần, chỉnh sửa từng bước một để đảm bảo điều kiện tối ưu. Đối với kỹ thuật tạo dị nguyên thô, các nghiên cứu viên thử phân tách trên nhiều loại hải sản với điều kiện thí nghiệm, bảo quản khác nhau. Còn đối với kỹ thuật BAT, tôi cùng nhóm đã “xin” máu của nhau không biết bao nhiêu lần để chạy thí nghiệm chuẩn hóa trước khi thử trên mẫu bệnh nhân”, TS.BS Kim Tú chia sẻ.
TS.BS Kim Tú cho biết, nhóm đã thực hiện các kỹ thuật trên cho các bệnh nhân dị ứng hải sản tại TPHCM và khi phân tích, kỹ thuật BAT cho thấy khả năng chẩn đoán dị ứng hải sản với độ nhạy 90%, độ đặc hiệu hơn 70%. Ngoài ra, kỹ thuật chiết xuất dị nguyên thô có khả năng tách chiết protein trực tiếp và phù hợp với nguồn thức ăn phong phú ở Việt Nam.
“Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử trên các nhóm đối tượng dị ứng thức ăn khác và tiến tới thực hiện BAT trong nhóm bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với thuốc” - TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú cho biết.