Xét nghiệm gene chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next-generation sequencing, NGS), các nhà khoa học có thể chẩn đoán sớm bệnh Parkinson.

Việc hoàn thiện 20 gene mục tiêu giúp bệnh nhân nhận diện bệnh sớm để phòng ngừa.
Việc hoàn thiện 20 gene mục tiêu giúp bệnh nhân nhận diện bệnh sớm để phòng ngừa.

Bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next-generation sequencing, NGS), các nhà khoa học có thể chẩn đoán sớm bệnh Parkinson, từ đó có các biện pháp phòng bệnh sớm.

Mô tả đầy đủ bất thường trong gene bệnh nhân

PGS.TS.BS Mai Phương Thảo, Trường Đại học Y Dược TPHCM và cộng sự vừa nghiên cứu thành công khả năng ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm gene trên bệnh nhân Parkinson phục vụ cho chẩn đoán sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh lý Parkinson (Parkinson’s disease - PD) là bệnh lý thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer, được mô tả lần đầu tiên năm 1817 bởi bác sĩ James Parkinson với các đặc điểm: Run không chủ ý, yếu cơ, dáng đi khom về phía trước.

Bệnh ảnh hưởng đến 0,3% dân số chung, số bệnh nhân PD trên thế giới ước tính năm 2020 là 9,4 triệu người, là gánh nặng sức khỏe và ngân sách kinh tế thế giới. Điều này nhấn mạnh việc nghiên cứu về bệnh lý PD, bao gồm thể di truyền và vô căn là vô cùng cần thiết.

Parkinson là bệnh đa yếu tố, có thể do sự tương tác bởi nhiều gene hoặc do sự thay đổi tính nhạy cảm của các allen, các yếu tố môi trường, hoặc do tương tác qua lại giữa môi trường và biểu hiện gene, từ đó làm ảnh hưởng não bộ.

Với những nỗ lực trong việc xác định các đột biến gene gây bệnh bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next-generation sequencing, NGS), nhiều kết quả ghi nhận một số lớn trường hợp tuy có mang gene nhưng không biểu hiện bệnh.

Hiện nay các nghiên cứu trong lĩnh vực Parkinson đã xác định 23 gene hoặc vùng trên nhiễm sắc thể liên quan đến Parkinson có tính gia đình và di truyền theo quy luật Mendel.

Phân tích sinh hóa ghi nhận sản phẩm của các gene này thường đóng vai trò quan trọng cho quá trình kiểm soát chất lượng protein nội bào cũng như sự dẫn truyền thần kinh, vận chuyển các chất trong tế bào thần kinh.

Tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện nào mô tả đầy đủ phổ bất thường di truyền trong bệnh lý PD. Các nghiên cứu về đề tài Parkinson chủ yếu tập trung khảo sát đặc điểm lâm sàng (triệu chứng vận động, ngoài vận động) và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson.

Với những tiến bộ công nghệ di truyền phân tử, đặc biệt là giải trình tự thế hệ mới giúp phát hiện đồng thời nhiều dạng biến đổi di truyền trên nhiều gene liên quan đến bệnh Parkinson, phát triển nghiên cứu hệ thống về di truyền PD tại Việt Nam.

Tất cả đều tiến tới phát hiện ra thuốc nhắm trúng đích, thử nghiệm phương pháp điều trị mới và phòng ngừa bệnh hoặc làm chậm tiến triển bệnh.

Tìm ra 20 gene mục tiêu trên bệnh nhân Parkinson ở Việt Nam

Nhóm nghiên cứu tập trung vào các mục tiêu phân tích các thay đổi di truyền trên các gene liên quan đến bệnh Parkinson; khảo sát thay đổi di truyền trên người thân trực hệ của bệnh nhân Parkinson có mang biến đổi di truyền; phân tích mối liên quan kiểu gene - đặc điểm lâm sàng trên bệnh nhân Parkinson.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu mẫu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với số lượng mẫu thu được là 208, trong đó, 83 bệnh nhân EOPD (bệnh Parkinson khởi phát sớm) và 125 bệnh nhân LOPD (bệnh Parkinson khởi phát muộn).

Thực hiện khảo sát bằng kỹ thuật MLPA trên 208 trường hợp bệnh nhân Parkinson, phát hiện 5 trường hợp có mang đột biến mất/lặp đoạn ở các gene LRRK2, PRKN, PINK1.

Nhóm liên hệ và thu nhận được 50 mẫu người thân của bệnh nhân, trong đó, thu được 31 mẫu thân nhân của 18 trường hợp bệnh nhân mang biến thể nhóm P/LP/R và 19 mẫu thân nhân của 7 trường hợp bệnh nhân mang biến thể nhóm VUS. Đã hoàn thành kiểm tra các biến thể có liên quan cho từng mẫu thân nhân.

Nhóm nghiên cứu đã thiết lập được quy trình kết hợp phương pháp giải trình tự thế hệ mới và kỹ thuật MLPA trong phát hiện các biến thể có quan tâm ở 20 gene mục tiêu. Các biến thể có liên quan tới PD ở Việt Nam tập trung phần lớn ở gene LRRK2, GBA1 và PRKN.

Trong đó, biến thể R1628P trên gene LRRK2 chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Điểm đặc biệt là biến thể này không ghi nhận thấy ở người thân của bệnh nhân, cho thấy đây là biến thể dòng mầm tự phát và có thể rất có ý nghĩa trong đánh giá nguy cơ cho dân số Việt Nam.

Có thể sử dụng bảng 20 gene mục tiêu giải trình tự thế hệ mới và MLPA của đề tài này trong khảo sát di truyền bệnh Parkinson, đặc biệt trên đối tượng khởi phát sớm (tuổi khởi phát ≤ 50).

Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thiện các sản phẩm như quy trình xét nghiệm gene liên quan bệnh Parkinson bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới; báo cáo đặc điểm di truyền học trong bệnh lý Parkinson; báo cáo kết quả về mối liên quan giữa đột biến gene với lâm sàng trong bệnh lý Parkinson.

PGS.TS.BS Mai Phương Thảo cho biết, các kết quả khảo sát đa gene góp phần nhận diện sớm những người có nguy cơ cao mắc bệnh, từ đó có kế hoạch tầm soát và phát hiện kịp thời cho bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu này sẽ tác động đến nhóm bệnh nhân Parkinson và thân nhân của họ tại Việt Nam.

Bệnh nhân sẽ nhận được những tư vấn cần thiết, chọn lựa xét nghiệm phù hợp ngay trong nước với chi phí hợp lý, thủ tục thuận lợi và thời gian có kết quả nhanh chóng, chính xác, không phải mất số tiền lớn ra nước ngoài thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.