Dự án được chọn vào Top 5 dự án được trao giải thưởng “Impactful Social Innovative Concepts” của Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021.
Giúp chẩn đoán nhanh, chính xác hơn
Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu 2021 (Social Business Creation) do Trường Đại học HEC Montréal, Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức và bảo đảm về chuyên môn và phương pháp.
Dự án Brain Analytics do nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM thực hiện, nghiên cứu về phần mềm ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer thông qua kết quả ảnh MRI.
Nói về những nội dung mà dự án hướng đến, Phạm Thị Như Trang (SV Khoa Kỹ thuật Y sinh IU) - đại diện nhóm chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn xây dựng được một công cụ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer nhanh chóng và chính xác hơn so với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Công cụ này dự kiến có thể áp dụng tại các bệnh viện ở thành phố lớn và địa phương nhằm giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
Giá thành dự kiến cho mỗi lần khám bằng phần mềm này sẽ ngang hoặc thấp hơn việc chẩn đoán thông thường. Bên cạnh đó, do phần mềm có khả năng ứng dụng được ở toàn quốc, bệnh nhân không cần phải chi trả chi phí đi lại, ăn ở do phải di chuyển lên bệnh viện tuyến đầu để chẩn đoán nữa”.
Theo Tiến sĩ (TS) Hà Thị Thanh Hương (Trưởng Bộ môn Y học tái tạo - Khoa Kỹ thuật Y sinh IU) - người hướng dẫn SV, dự án được thành lập vào tháng 8/2019 với sự tài trợ của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.
Đến nay, dự án đã xây dựng được trang web cơ bản để chẩn đoán bệnh Alzheimer, kết quả có độ chính xác lên đến 96% khi so sánh với cơ sở dữ liệu Alzheimer của Hoa Kỳ (ADNI) trong vòng 10 phút.
“Từ tháng 9/2020, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát thị trường nhằm hiểu rõ hơn về nhu cầu của các bác sĩ và bệnh nhân trong việc chẩn đoán Alzheimer. Ở thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển để có thể mang đến giải pháp hữu ích nhất đến cho người dùng” , TS Hà Thị Thanh Hương chia sẻ.
Cơ duyên từ người thân mắc bệnh Alzheimer
Nói về cơ duyên thực hiện dự án, một thành viên của nhóm cho biết, 3 nhà đồng sáng lập của dự án (TS Hà Thị Thanh Hương, TS Ngô Thanh Hoàn, TS Nguyễn Thanh Đức) đã hình thành ý tưởng, hợp tác xây dựng dự án khi gặp nhau tại hội nghị quốc tế về Kỹ thuật y sinh “7th International Conference in Vietnam on the Development of Biomedical Engineering” do Khoa Kỹ thuật y sinh IU chủ trì.
Động lực thúc đẩy hình thành dự án là một trong ba nhà đồng sáng lập có người thân mắc bệnh Alzheimer. Đồng thời, TS Hà Thị Thanh Hương - Chuyên gia thần kinh học tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), cũng nhận thấy Alzheimer sẽ là vấn nạn sức khỏe quan trọng trong tương lai và cần được giải quyết sớm.
Hai nhà đồng sáng lập còn lại cũng là chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hình ảnh và trí tuệ nhân tạo đã đề ra giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer. ĐHQG TPHCM cũng đang phối hợp với IU để thực hiện chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”.
Theo TS Hà Thị Thanh Hương, sau một thời gian thảo luận để chính thức thành lập dự án, nhóm đã nhận được sự tham gia của các bác sĩ đầu ngành về Alzheimer, thần kinh, lão khoa và chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Bên cạnh đó, sự đóng góp từ các kỹ sư đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ và phần mềm lớn tại Việt Nam, TS Ngô Thị Lụa (Khoa Kỹ thuật Y sinh), sinh viên và cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Y sinh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển của dự án.
“Ở cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội năm nay, sinh viên Phạm Thị Như Trang đã đại diện Brain Analytics tham gia cuộc thi và cũng là người thực hiện chính các công việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của nhóm.
Trang đang là sinh viên năm tư, thuộc khoa Kỹ thuật Y sinh IU. Để tốt nghiệp chương trình kỹ sư hướng Kinh thầu y sinh, sinh viên phải thực hiện luận văn về việc thương mại hóa một sản phẩm liên quan đến y học – Brain Analytics” - TS Hà Thị Thanh Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Hà Thị Thanh Hương cũng thông tin thêm, nhờ vào chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET (Hoa Kỳ), sinh viên được trang bị những kỹ năng hữu ích và ứng dụng được ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo ra các sản phẩm cần thiết cho xã hội. Tổ chức ABET đã giúp khoa Kỹ thuật y sinh thiết lập chương trình đào tạo vững chuyên môn, kết nối với các doanh nghiệp và xã hội thực tế.
Ngoài ra, Phạm Thị Như Trang cho biết, trong quá trình thực hiện dự án cũng nhận được sự hướng dẫn từ anh Đinh Anh Khoa (Trưởng phòng Đổi mới Sáng tạo BOSCH), trong lĩnh vực khởi nghiệp và kinh doanh thông qua cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) TPHCM 2020”.
Khi hay tin Dự án là 1 trong 5 đội nhận giải thưởng “Innovative Social Business Concept” trị giá 2.000 USD ở vòng 2 Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021, Phạm Thị Như Trang chia sẻ: “Cảm xúc đầu tiên của nhóm là rất vui và bất ngờ khi nhận được tin từ ban tổ chức. Việc được một cuộc thi quốc tế đánh giá cao tiềm năng phát triển và tác động tích cực đối với xã hội đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục thực hiện và mang dự án tới người dùng trong thời gian sớm nhất”.
“Trong vài tuần qua, tôi đã dùng dự án của các bạn làm tài liệu tham khảo cho các bài giảng của tôi về Trí tuệ nhân tạo và nó rất hữu ích với xã hội của chúng ta. Đây là một bài học hay và tôi chúc các bạn những điều tốt nhất trên hành trình này. Dự án của các bạn rất ấn tượng với mục đích thật sự tốt!” - Một trong hai thành viên Ban giảm khảo vòng bán kết Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu nhận xét về dự án Brain Analytics.
Bình luận