Chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa

GD&TĐ - Thời gian gần đây, ngành Giáo dục TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa. 

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”.
Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”.

Nhiều trường học đã có cách làm hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh.

Không ép học sinh tham gia

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, chia sẻ: Khái niệm “hoạt động trải nghiệm” chưa được hiểu đúng ở tất cả trường học. Trước đây chưa triển khai Chương trình GDPT 2018, hoạt động ngoại khóa còn có tên gọi ngoài giờ chính khóa, được triển khai nhằm củng cố kiến thức, tăng cường kỹ năng sống, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh và có thu phí khi thực hiện. Hoạt động ngoại khóa không bắt buộc, giáo viên không tính điểm hay kiểm tra, đánh giá học sinh…

Còn hoạt động trải nghiệm theo Chương trình GDPT 2018 được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Dương Trí Dũng làm rõ: Không bắt buộc tổ chức ngoài khuôn viên trường học. Các trường có thể tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như hoạt động giáo dục theo chủ đề, câu lạc bộ… Với hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường, có tiến hành thu phí, ban giám hiệu cần bàn bạc cụ thể với phụ huynh, tổ chức đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia.

“Trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, với những học sinh không tham gia, cơ sở giáo dục xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh, có kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thay thế. Riêng cấp tiểu học, trường phải đảm bảo an toàn cho học sinh, không tổ chức hoạt động trải nghiệm ra khỏi TPHCM”, ông Dũng nhấn mạnh.

“Thời gian qua một số đơn vị vẫn tổ chức chưa đúng quy định, gây bức xúc trong phụ huynh và xã hội. Vấn đề này sẽ được ngành Giáo dục chấn chỉnh. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường phải dựa trên sự thỏa thuận với phụ huynh, có kế hoạch bài bản...”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cần thiết cho hoạt động giáo dục, đặc biệt đối với Chương trình GDPT 2018. Để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất, học sinh phải được tiếp cận với thực tế. Quá trình tổ chức nhà trường phải xây dựng kế hoạch dựa trên hướng dẫn của Sở và Phòng GD&ĐT.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cũng đồng thời cho biết, mới đây Sở đã ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Trong đó, Sở yêu cầu nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với Chương trình GDPT, đặc biệt chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của tham quan, học tập tại Khu Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của tham quan, học tập tại Khu Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút.

Nhiều mô hình tiết kiệm, an toàn, hiệu quả

Nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức sôi nổi các hoạt động ngoại khóa kết hợp giáo dục kỹ năng sống hoặc các chủ đề liên môn học trong và ngoài địa bàn thành phố.

Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) có gần 100 học sinh tham gia chương trình ngoại khóa tại một địa điểm ở huyện Bình Chánh (TPHCM). Trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” đã mang lại nhiều điều bổ ích, lý thú cho học sinh. Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng, chia sẻ mỗi năm nhà trường tổ chức 2 đến 3 lần hoạt động ngoại khóa ngoài địa bàn xã đảo Thạnh An. Vì là hoạt động có thu phí nên nhà trường phải thông báo đến phụ huynh để đăng ký cho con em tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc.

“Hàng năm trường phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn xã đảo Thạnh An tổ chức cho học sinh trải nghiệm “một ngày làm chú bộ đội”, “một ngày làm diêm dân”… Những hoạt động tổ chức trong địa bàn xã thì chi phí không đáng kể. Ngoài địa bàn, điều kiện nhiều gia đình học sinh còn khó khăn nên trường tự đứng ra tổ chức, không hợp đồng với công ty du lịch để tiết kiệm nhất các khoản đóng góp của phụ huynh”, thầy Bình chia sẻ.

Vừa qua, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) tổ chức cho học sinh ba khối 10, 11, 12 tham gia ngoại khóa tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Số lượng học sinh tham gia khá đông nên trường huy động 24 xe du lịch cùng cán bộ, giáo viên đi theo để đảm bảo an toàn.

Cô Nguyễn Thị Tường Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) - cho biết với hoạt động ngoại khóa được nhà trường tổ chức, học sinh sẽ được lựa chọn 2 hình thức: Tham quan, học tập tại TP Đà Lạt 3 ngày 2 đêm hoặc đến trường tham gia 2 buổi sinh hoạt chuyên đề kỹ năng. “Có khoảng 700 học sinh đăng ký ngoại khóa tại trường, hơn 900 em đến Đà Lạt (Lâm Đồng). Dù ở trường hay Đà Lạt, tất cả học sinh đều phải tuân thủ nguyên tắc, quy định của hoạt động”, cô Minh khẳng định.

Trường THCS Lương Định Của (Quận 2) cũng tổ chức học tập trải nghiệm môn Ngữ văn và Lịch sử cho gần 1.000 học sinh tại Khu Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang). Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng, cho hay học sinh đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhà trường không ép buộc. Công tác đảm bảo an toàn cho học sinh suốt chuyến đi được nhà trường lên kế hoạch tỉ mỉ, phân công cụ thể nhiệm vụ từng giáo viên.

Đặc biệt, ban giám hiệu còn đề xuất phía công ty du lịch (nhà trường ký hợp đồng) hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho 5 học sinh có người thân mất trong đợt dịch Covid-19, mồ côi cha mẹ; giảm 50% cho những em hoàn cảnh khó khăn. “Sau 2 năm phải tạm dừng hoạt động ngoại khóa, chuyến đi đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với học sinh. Đặc biệt học sinh khối 9 ngoài tham quan học tập còn là dịp xả stress để quay lại ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hiệu quả…”, cô Hiếu cho hay.

“Trường học tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa, kế hoạch phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình GDPT. Xây dựng chương trình phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, nhân viên và học sinh lên hàng đầu, rà soát kỹ các phương án đảm bảo an toàn. Sở cũng khuyến khích đơn vị tổ chức đi tiền trạm địa điểm tổ chức trước khi xây dựng phương án an toàn cho học sinh…” - ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ