“Chạm” ước mơ lên vải gai dầu

GD&TĐ - Sinh ra ở Hà Nội, nhưng như một mối lương duyên, Bùi Hạnh Nguyên (SN 1988) lại trót mê mẩn với gai dầu, với con xoay… của đồng bào Mông trắng trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm, niềm tự hào của nghệ nhân Mông trắng.
Vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm, niềm tự hào của nghệ nhân Mông trắng.

Cô gái ấy đã nối dài mối duyên với nghề canh cửi khi tự mình mở cửa hàng mang tên “Chạm” ở Thủ đô Hà Nội để gìn giữ nghề truyền thống và tìm lối đi mới cho những thớ vải gai dầu.

Cú “quay xe” đột ngột

Chúng tôi đến xưởng Chạm, nằm trong một con ngõ nhỏ ven Hồ Tây (TP Hà Nội) của Hạnh Nguyên sau những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh. Nhìn cách Hạnh Nguyên tỉ mẩn, say sưa với từng tấm vải, nhiều người vẫn tò mò không hiểu vải vóc có sức hút lạ kỳ thế nào với cô gái này.

Hạnh Nguyên kể, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương cô vào làm việc trong ngành công nghiệp dệt may ở vị trí thiết kế sản phẩm. Cách đây khoảng bảy năm, Hạnh Nguyên trở về từ Paris (Pháp) sau thời gian thực tập chuyên ngành thiết kế thời trang. Không cần nói thì ai cũng biết cô dư sức có thể tìm được một công việc với thu nhập đáng mơ ước với vị trí của mình.

“Nhưng tôi nghĩ rằng, công việc phải khiến mình hạnh phúc. Và hạnh phúc là phải cống hiến, phải tạo ra một giá trị nào đó dù nhỏ bé cho cộng đồng. Tôi luôn lăn tăn dù là người trong cuộc, bởi ngành công nghiệp thời trang đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Thế nên, tôi vẫn cứ có một trăn trở không được gọi tên chính xác cho đến khi lần đầu được chạm vào tấm vải gai dầu của người Mông trắng Hà Giang”, Hạnh Nguyên chia sẻ. Đó là một cảm xúc vừa lạ lẫm, vừa cuốn hút, lại gần gũi, thân thương khiến cô như vỡ òa hạnh phúc. Vải gai dầu có mùi thơm nhẹ của rau củ tự nhiên. Tuy chất liệu thô ráp nhưng mát lạnh.

Để tạo ra được một thớ vải đẹp, mát mà bền chặt, cần tới 15 công đoạn và 300 bước, tất cả đều được làm thủ công, đặc biệt thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường. Vải gai dầu lập tức thỏa mãn được niềm khao khát của cô gái đam mê thời trang.

Trò chuyện với bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt Lùng Tám, Hạnh Nguyên mới biết được, thứ vải diệu kỳ này đã gắn bó với sinh kế lẫn văn hóa của người Mông trắng ở Hà Giang từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, đến nay chẳng còn mấy gia đình người Mông trắng tâm huyết với gai dầu, con xoay nữa.

Trước thực trạng ấy, Hạnh Nguyên cảm thấy xót xa bởi sự vắng bóng của những thước vải quý, mộc mạc, giản dị nhưng lại là nét đẹp văn hóa không gì đong đếm được. Cô mong muốn gìn giữ nghề canh cửi của đồng bào, đồng thời muốn nâng cao thu nhập cho họ từ chính “cần câu cơm quý giá” 400 năm tuổi. Thế là Hạnh Nguyên quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với cây gai dầu như… một người “điên”.

Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, Hạnh Nguyên bỏ lại tất cả sau lưng, kể cả công việc lý tưởng nhiều người mơ ước. Cuối năm 2018, xưởng Chạm chính thức ra đời. “Tôi phải tìm mọi cách cùng cộng đồng người yêu vải tìm ra lối ứng dụng mới nhằm đưa vải gai dầu thân thiện, tỏa sáng trên thị trường”, Hạnh Nguyên chia sẻ. 

Hạnh Nguyên hướng dẫn các em học sinh người Mông tại Hà Giang tự làm đồ chơi từ vải gai dầu.

Hạnh Nguyên hướng dẫn các em học sinh người Mông tại Hà Giang tự làm đồ chơi từ vải gai dầu.

Khi những thớ vải biết cười

Trong studio nhỏ, nơi Hạnh Nguyên cùng các cộng tác viên tiếp khách hàng lẫn họp nhóm Workshop ngổn ngang những vải cho những sản phẩm đồ chơi sáng tạo từ chất liệu vải gai dầu. Những ai tiếp xúc với Hạnh Nguyên đều rất thích lắng nghe câu chuyện của cô về từng thớ vải, về cách chúng được dệt ra từ sợi gai dầu bện thủ công liên tiếp, nước màu tự nhiên, óng ánh biết cười và cả niềm hạnh phúc của những nghệ nhân.

Mỗi tháng, Hạnh Nguyên sẽ “đặt hàng” các xấp vải đã nhuộm màu kỹ, hồng cam từ cây pháng, màu vàng từ gỗ hoàng đằng, sáp cánh kiến cho màu hồng tím nịnh mắt… của bà con Mông trắng ở Hà Giang để mang về thiết kế đồ chơi.

Khó khăn của nghề truyền thống nói chung và của xưởng Chạm nói riêng là bởi cần phải cân bằng bài toán kinh tế sao cho người mua không quay lưng với vải mà vẫn phải bảo đảm người thợ, người nghệ nhân dệt vải nhận về thu nhập đúng với công sức. Hạnh Nguyên quan niệm rằng, những sản phẩm thủ công muốn có thị trường thì phải có tính chất ứng dụng cao.

Không thể đạt kết quả mới mà vẫn cứ đi con đường cũ. Nếu chỉ sử dụng để may quần áo như bình thường thì sẽ không nhiều người biết đến và sử dụng. Vì thế, Hạnh Nguyên đã mang chất liệu gai dầu gần gũi hơn với cuộc sống bằng cách làm thành đồ chơi cho trẻ em. “Con búp bê của mình được làm từ những mảnh vải gai dầu của người Mông dệt, người Thái nhuộm màu và bông nhồi bên trong của người Giáy trồng.

Mặc dù, loại bông đó đắt gấp ba lần bông thường và vận chuyển rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi làm bằng mọi cách để có được nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với trẻ em và môi trường sống”, Hạnh Nguyên cho biết.

Nếu ở xưởng Chạm tại Thủ đô, cô gái mê mẩn đang chăm chút từng miếng vải để làm đồ chơi thì cách đó khoảng 400 cây số, nhiều cô gái người dân tộc Mông trắng ở đỉnh trời Quản Bạ, Hà Giang cũng đang tỉ mẩn như vậy. Từ ngày liên kết với xưởng Chạm của Hạnh Nguyên, âm thanh con xoay, khung cửi của họ bên dòng Cán Tỷ hiền hòa dường như nhộn nhịp, vui tươi hơn. Giống như đời vải gai dầu, đời sống của họ cũng đang dần khá lên và nụ cười rạng rỡ hơn.

Trước đây, vì nghèo mà tại nhiều gia đình, người phụ nữ Mông trắng đã phải chọn sang phía bên kia biên giới để kiếm sống, hoặc lăn mình vào những nhà máy suốt quanh năm. Nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ chồng con nhưng họ chẳng còn cách nào khác. Thì bây giờ, họ có thể nương tựa vào tấm vải gai dầu để an cư nơi quê nhà.

Búp bê làm từ vải gai dầu thân thiện với môi trường.

Búp bê làm từ vải gai dầu thân thiện với môi trường.

Tháng 10/2020, Nguyên cho ra mắt sản phẩm gồm năm con búp bê với năm tính cách khác nhau và đặt cho chúng những cái tên riêng: Lạc, Mắm, Lá, Sữa và Mật. Ngoài ra, xưởng còn gia công chế tạo dòng búp bê vải hóa trang, búp bê bánh quy gừng, ví vải hình mèo, sổ tay, lót cốc... đều làm bằng vải gai dầu.

Mỗi xen-ti-mét vải đều được tiết kiệm, sao cho công sức của các nghệ nhân không bị hoài phí. Thời điểm đầu, Nguyên thường đem sản phẩm đồ chơi đến các hội chợ để giới thiệu. Với mức giá từ 200 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng (tùy từng sản phẩm), hầu hết khách hàng đều chê đắt. Nhưng sau khi biết câu chuyện đằng sau mỗi con búp bê, nhiều vị khách đã thốt lên: “Chúng xứng đáng với một mức giá cao hơn”.

Ý tưởng làm đồ thủ công từ vải gai dầu của Hạnh Nguyên đã được nhận chứng nhận của Hội đồng Anh tại Cuộc thi Thủ công và Thiết kế năm 2017 - 2018 vì góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề sinh kế của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh từ ý thức bảo vệ môi trường.

Hạnh Nguyên trích 5% doanh thu bán các sản phẩm của xưởng để mở lớp học dành cho trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn được tự tay thiết kế và làm đồ chơi từ chính loại vải truyền thống của dân tộc mình. Hiện tại, Hạnh Nguyên cũng đang nghiên cứu để ra thêm bộ sưu tập mới, tập trung vào văn hóa dân gian Việt Nam với các nhân vật như Thạch Sanh, chú Cuội… tương tự như búp bê vải cầu mưa của Nhật Bản, búp bê Hằng Nga của Trung Quốc, hay búp bê Kyung-wha-Dak của Hàn Quốc.

“Cuộc đời của vải có thể không dài nhưng được dệt trên đó là cả tinh thần và ý chí ngàn tuổi của con người. Tôi nghĩ rằng, những điều mình làm không chỉ góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa của đồng bào Mông, mà còn khiến tất cả chúng ta tự tin, tự hào khi sở hữu khối tài sản văn hóa quý giá của dân tộc mình: Những canh cửi, con xoay, những thớ vải gai dầu đẹp đẽ”, Hạnh Nguyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ