Gia đình người Mông hồi sinh rừng gỗ quý sa mu, pơ mu

Gia đình người Mông hồi sinh rừng gỗ quý sa mu, pơ mu

Bà con người Mông xã Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn nhắc, người có công đầu trong việc tạo nên những cánh rừng pơ mu, sa mu tươi tốt nơi đây là già Vừ Pà Rê - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã. Để giờ đây, Tây Sơn đã có hơn 50ha rừng trồng mà dân bản vẫn tự hào “đẹp nhất xứ Nghệ”.

Hồi sinh rừng pơ mu, sa mu

Huồi Giảng (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là một bản làng người Mông. Bà con từ thủa xa xưa luôn chọn sinh sống ở những nơi núi cao, chìm trong sương núi; với những cây đào cổ đã được trồng từ đời này qua đời khác; với nếp nhà lợp bằng gỗ sa mu, pơ mu ngả màu thâm nâu, cũ kỹ của khói bếp quanh năm và mưa nắng bao mùa.

Người Mông ở Huồi Giảng cũng tự hào với cánh rừng pơ mu, sa mu đã cao lớn, nhiều cây có đường kính gần bằng vòng tay người ôm, tỏa mùi thơm về tận bản. Nhưng để có được khu rừng này, là bao tâm huyết, công sức lặng lẽ, cộng dồn suốt hơn 20 năm qua. Bắt đầu từ khi già Vừ Pà Rê vào rừng tìm cây sa mu, pơ mu con đem trồng và chăm sóc.

Ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, các bản Huồi Giảng 1, 2, 3 (xã Tây Sơn) được xem là một trong những xứ sở của cây sa mu, pơ mu tự nhiên ở xứ Nghệ. Người Mông từ dựng nhà cửa đến làm cán con dao đi rẫy cũng dùng loại cây gỗ có mùi thơm đặc trưng này.

Ông Vừ Rá Tênh cũng là người tiên phong trồng táo mèo ở Tây Sơn
 Ông Vừ Rá Tênh cũng là người tiên phong trồng táo mèo ở Tây Sơn

Nhưng dần dần, những cây cổ thụ trong rừng bắt đầu thưa vắng. “Năm 1997, bố tôi gọi 6 người con trai lại nói: Ông trời trồng cây trong rừng, đến đời bố đã khai thác gần hết rồi. Bây giờ, bố con chúng ta phải trồng rừng cho cháu con. Nếu không sau này sẽ không còn cây pơ mu, sa mu trong rừng nữa, con cháu sẽ không biết Huồi Giảng ta có cây gỗ quý”, ông Vừ Rá Tênh, con trai già Vừ Pà Rê nhớ lại.

Thời điểm đó, già Rê đang là Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, là đảng viên nên đứng đầu, đi trước “trồng rừng và bảo vệ rừng”. Nghe lời bố, các con cùng với bố Rê vào rừng tìm cây sa mu, pơ mu giống về ươm. Những cây con đầu tiên trồng xuống, dễ dàng bắt rễ và lớn lên, như đó là nơi chúng vốn thuộc về.

Từ bản Huồi Giảng 3, già Vừ Pà Rê còn vận động bà con các bản Huồi Giảng 1, 2 cùng tham gia. Người Mông quý cây gỗ trong rừng, và cũng biết là nó ngày càng ít đi, nên nghe theo và ủng hộ. Ai muốn trồng cây già Rê đều cấp bầu cây giống.

Phong trào trồng cây gây rừng do già Vừ Pà Rê phát động từng bước nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dân bản trong xã. Những cánh rừng sa mu, pơ mu bắt đầu phủ xanh trở lại trên dãy núi Pù Lan. Không những thế, nhiều hộ dân người Mông sinh sống ở các xã khác như Huồi Tụ có độ cao và đặc điểm khí hậu tương tự cũng đến bản Huồi Giảng (xã Tây Sơn) xin giống để thử trồng và nhân rộng.

“Về sau này, bà con tự vào rừng nhặt hạt để ươm cây giống chứ không tìm cây con nữa. Khi bố tôi qua đời, con cái và dân bản Huồi Giảng vẫn tiếp tục trồng và giữ cánh rừng pơ mu, sa mu. Chứng kiến những cánh rừng hồi sinh, lớn lên là niềm vui mừng, tự hào không chỉ của riêng gia đình tôi mà của người dân Tây Sơn”, ông Vừ Rá Tênh nói.

Một số hộ ở xã Huồi Tụ đã sang Tây Sơn xin giống pơ mu, sa mu về trồng
 Một số hộ ở xã Huồi Tụ đã sang Tây Sơn xin giống pơ mu, sa mu về trồng

Nhân rộng diện tích rừng trồng

Sau hơn 20 năm, những cây sa mu, pơ mu đã cao lớn, có thể khai thác làm cột nhà hay nhiều vật dụng khác. Bà con người Mông vẫn thích làm nhà bằng gỗ to, nhưng tuyệt không xâm hại đến một cây sa mu, pơ mu nào.

Ngoài những gốc cây sa mu, pơ mu cổ thụ trong rừng già vẫn giữ gìn được, giờ đây Tây Sơn còn có một khu rừng rộng trên 50 ha mà bà con xem là của quý. Từ phong trào trồng rừng của xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cũng đã xây dựng dự án và thực hiện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để nhân rộng toàn xã. Ý thức bảo vệ rừng của dân bản cũng ngày một nâng cao hơn.

Nói về công tác bảo vệ rừng, ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho hay: Bà con rất có ý thức trong việc bảo vệ cây rừng do mình trồng được. Bên cạnh đó, Nhà nước đã “đóng cửa rừng”, Tây Sơn lại có diện tích lớn rừng phòng hộ, vì vậy người dân chỉ khai thác và sử dụng cây gỗ tạp.

Người Mông ở Tây Sơn biết trồng trọt, nuôi trâu bò để phát triển kinh tế
 Người Mông ở Tây Sơn 
biết trồng trọt, nuôi trâu bò để phát triển kinh tế

Ngoài các quy định của pháp luật, bản làng còn quy định thêm vào trong hương ước để bảo vệ rừng như đưa ra các hình thức xử phạt nếu ai đó chặt cây làm nhà hay phát rẫy làm nương không xin phép, không đúng nơi quy định.

Từ sa mu và pơ mu, Tây Sơn đã phát triển trồng mới thêm cây đào, cây hồng và mới đây nhất là táo mèo. Cây táo mèo là một giống cây bản địa của nhiều vùng núi tại tỉnh Nghệ An như: Tây Sơn, Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), Nhôn Mai (huyện Tương Dương), Tri Lễ (huyện Quế Phong)…

Nhưng cây chủ yếu mọc hoang dã trong rừng, đến mùa bà con vào hái quả đem đi bán. Nhận thấy khí hậu, đất đai những vùng trên phù hợp cho sự phát triển của cây táo mèo, năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An triển khai dự án đưa giống táo mèo phía Bắc về trồng thử nghiệm.

Tại Tây Sơn, ông Vừ Rá Tênh và anh trai Vừ Xái Chù chính là người đầu tiên trong xã xung phong nhận trồng thử với khoảng 700 cây giống. “Mô hình này nếu thành công sẽ đa dạng hóa các loại cây trồng trong xã, có thể giúp bà con thoát nghèo.

Chúng tôi cũng học từ bố mình ngày xưa, đi đầu làm trước để dân bản noi theo”, ông Tênh cho hay. Sau một thời gian trồng thử giống táo mèo của miền Bắc, thấy cây phát triển tốt, ông Vừ Rá Tênh đã vào rừng kiếm hạt cây táo mèo bản địa để thử nhân giống. Kết quả, cả 2 loại táo mèo đều phát triển tốt, cho quả đều.

Thấy hiệu quả, ông Tênh và ông Chù bắt đầu vận động thêm các hộ dân khác cùng tham gia trồng song song 2 loại giống. Đến nay, xã Tây Sơn đã có 7ha táo mèo, trong đó, giống cây phía Bắc phát triển nhanh hơn và đã bắt đầu cho quả.

Dù chưa cho số lượng quả lớn nhưng bước đầu mô hình này đã mở ra thêm một nguồn thu nhập cho bà con bằng bàn tay chăm chỉ của mình. Như nguyện vọng của anh em gia đình ông Tênh, thực hiện các mô hình chăn nuôi trồng trọt là để xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Khi kinh tế gia đình ổn định, khá dần lên, thì người dân mới không phải vào khai thác rừng tự nhiên để kiếm sống nữa.

Bên bếp lửa, anh em ông Vừ Xái Chù, Vừ Rá Tênh kể thêm, vừa qua gia đình đã nhờ anh em, họ hàng bên Lào đưa về hạt giống cây gỗ trắc về trồng thử. Nếu cây sống tốt, Tây Sơn sẽ lại có thêm một loại cây gỗ quý nữa!

Những người con của già Vừ Pà Rê vẫn âm thầm, quyết tâm thực hiện lời nói của bố năm xưa. Để những cánh rừng Tây Sơn hồi sinh ngày càng xanh tốt, giàu có. Chỉ với mong ước đơn giản: Để cho con cháu sau này!

Bản Huồi Giảng 3 là nơi địa đầu của xã Tây Sơn, Kỳ Sơn, Nghệ An
 Bản Huồi Giảng 3 là nơi địa đầu của xã Tây Sơn, Kỳ Sơn, Nghệ An
Ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho hay: Đời sống đã có rất nhiều tiến bộ nhưng Tây Sơn vẫn là xã nghèo. Xã có hơn 300 hộ với 1.700 nhân khẩu, trong đó khoảng 1/4 số hộ là hộ nghèo. Để thoát nghèo, xã Tây Sơn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt.
Bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục để nâng cao nhận thức, trình độ người dân, không phân biệt con trai, con gái đều vận động đến trường đầy đủ. Từ việc có kiến thức, nhiều thanh niên trong xã biết cách làm ăn giỏi như Vừ Bá Gianh, Mùa Bá Lầu, Mùa Bá Vừ…
Những thanh niên này đã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu bò, lợn, gà đen… và các loại hoa màu dưới tán rừng cho thu nhập cao như: Mận, dưa chuột, bo bo dưới tán rừng. Hiện nay, xã Tây Sơn đã có đàn trâu trên 500 con, bò gần 1.000 con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.