Nghề truyền thống: “Liều thuốc” tôn vinh chưa đủ để tồn tại

GD&TĐ - Đi đôi với tôn vinh nghề truyền thống là hàng loạt các hoạt động như xét tặng danh hiệu nghệ nhân, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, như một phép tính ngược khi nghề truyền thống vẫn cứ mai một, thoi thóp.

Nghề làm gốm ở Hiển Lễ đã kết thúc.
Nghề làm gốm ở Hiển Lễ đã kết thúc.

Gốm thời Hùng Vương “tắt lửa”

Chào mừng 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuỗi hoạt động văn hóa tôn vinh nghề truyền thống tổ chức tại đình Kim Ngân (Hà Nội) thu hút đông đảo khách tham quan.

Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu nghề gốm truyền thống thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm với chủ đề “Chuyện của gốm”. Hoạt động giới thiệu đến công chúng một số sản phẩm gốm tiêu biểu của làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) và xưởng gốm Chi (Hà Nội).

Hàng chục sản phẩm gốm được chế tác tinh xảo, sắc men độc đáo được trưng bày. Chuỗi hoạt động văn hóa cũng giới thiệu nghề đan lát truyền thống Vinh Ba (Phú Yên) diễn ra tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm.

Tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội giới thiệu sản phẩm nghề sơn mài truyền thống với chủ đề “Tinh hoa sơn mài Việt”. Cùng với trưng bày sản phẩm nghề sơn mài, công chúng cũng được nghe nghệ nhân diễn giải về lịch sử nghề sơn mài, trải nghiệm một trong những quy trình làm sơn mài.

Đây là một trong những hoạt động thường niên nhằm tôn vinh nghề truyến thống. Đồng thời qua chuỗi hoạt động văn hóa này, ban tổ chức khơi gợi niềm quan tâm của người dân đối với nghề truyền thống cũng như các làng nghề Việt Nam. Qua đó có thể thực hiện công tác bảo tồn, phát huy nghề truyền thống ở các địa phương.

Tôn vinh nghề truyền thống là cần thiết, thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao nghề truyền thống vẫn bị mai một? Đặc biệt, có nơi sau tôn vinh cũng như xét tặng danh hiệu nghệ nhân, những tưởng nghề sẽ được vực dậy thì lại nhanh chóng mai một, mất đi.

Hà Nội có thể được xem là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, với 51/52 nghề. Ngoài lợi thế địa lý và đầu ra sản phẩm, Hà Nội còn quy tụ được nhiều chuyên gia và nghệ nhân tâm huyết để có thể “nuôi dưỡng” nghề truyền thống và giúp cho làng nghề phát triển ổn định.

Thế nhưng, tại địa phương khác thì sao? Nghề làm gốm làng Hiển Lễ, xã Cao Minh (Phúc Yên – Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Từng là một làng gốm sầm uất có từ thời Hùng Vương, gốm Hiển Lễ được thương buôn từ khắp nơi đến thu mua - biến nơi đây trở thành một làng nghề sầm uất nhất nhì miền Bắc.

Thời bao cấp, Hiển Lễ cũng có hàng trăm lò, sản phẩm gốm bền đẹp nức tiếng. Thế rồi vì nhiều lý do, nghề truyền thống mai một dần dù chính quyền ra sức hô hào gìn giữ. Đến năm 2014, lò gốm cuối cùng của làng dỡ bỏ, đánh dấu sự chấm dứt của một làng gốm lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Việc tôn vinh, phong tặng nghệ nhân là cần thiết nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Việc tôn vinh, phong tặng nghệ nhân là cần thiết nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Thay đổi hoặc “chết”

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hàng trăm nghề từng phát triển thịnh vượng, nhưng đến nay bị mai một dần. Các nghề như dệt lụa, làm kén tơ tằm, mây tre đan, đẽo cày, guốc mộc, sơn khảm, tranh truyền thống… Nguyên nhân được cho là thiếu tính ứng dụng, hoặc do bị cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp và giữa các làng nghề với nhau. 

Sự kết thúc của làng gốm Hiển Lễ để lại nhiều nuối tiếc, đại diện UBND Cao Minh nói rằng, gốm Hiển Lễ tuy bền, tốt nhưng ít được chú trọng về mẫu mã nên không thể cạnh tranh với đồ gốm mỹ nghệ ở các nơi khác. Dù rất muốn giữ nghề truyền thống cha ông, nhưng không ai thắng nổi cơ chế thị trường.

Từ bài học của gốm Hiển Lễ trong thời đại công nghiệp 4.0 đặt các làng nghề truyền thống trước thử thách nghiệt ngã về giữ gìn bản sắc. Làng nghề nào giàu bản sắc và dám đổi mới thì tồn tại, nhưng đổi mới mà không giữ được bản sắc thì có thể sẽ bị “hòa tan” và mất nghề.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nói rằng, đặc trưng của các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thì nhất thiết phải có cách đi phù hợp. Phải có quy hoạch và đưa công nghệ vào các quá trình này bằng cách hiện đại hóa công nghệ truyền thống.

“Vùng nguyên liệu đang mất dần, như vùng trồng dâu tằm không có thì làm sao phát triển được tơ tằm. Làm gốm từ đất cao lanh, đất sét nhưng đất không thể vô tận, nên phải có giải pháp cho những vấn đề này.

Làng nghề có từ nghìn năm nay chứ không phải bây giờ mới có. Cái gì thuộc về truyền thống thì phải quy hoạch cho truyền thống, để nó đi song song cùng với sự phát triển văn hóa nghệ thuật”, ông Dần cho hay.

Một yếu tố nữa tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của nghề truyền thống, đó là con người. Trong đó, việc phong tặng nghệ nhân giống như “đãi cát tìm vàng”, chọn lựa người xứng đáng với danh hiệu được phong tặng.

Tuy nhiên, việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân đến nay vẫn chưa thật hiệu quả. Nhật Bản chỉ có 47 nghệ nhân được phong tặng trong tất cả mọi ngành nghề, nhưng hiệu quả mà họ đem lại cho đất nước lại rất đáng giá. Ngoài việc được tôn vinh, ca ngợi, họ còn được những đặc ân mà tiền bạc không thể mua được, như chăm sóc khi ốm đau, được dùng cơm thân mật với nhà vua…

Còn ở nước ta, đã có thời gian việc phong tặng nghệ nhân theo cách ồ ạt. Thậm chí, có những người mượn sản phẩm để trưng bày, ngộ nhận tài năng, thuê người “lăng xê”, đánh lừa cả cán bộ thẩm định hồ sơ phong tặng.

Điều đó làm danh hiệu nghệ nhân “mất thiêng”. Trong khi nghệ nhân là những người phải có bí quyết riêng được lưu truyền, phải có sản phẩm giá trị thực sự, được lưu giữ hoặc trưng bày, và được nhiều người thừa nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ