Chấm thi đúng tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, công tác chấm thi sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 22/7. Tinh thần chung của địa phương là hoàn thành chấm thi đúng tiến độ, nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Chấm thi là khâu quan trọng và được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ảnh minh họa
Chấm thi là khâu quan trọng và được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ảnh minh họa

Bảo đảm tiến độ

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Vĩnh Long về việc chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 an toàn, khách quan, nghiêm túc ở các khâu, công tác chuẩn bị chấm thi đã được Sở GD&ĐT Vĩnh Long chuẩn bị chu đáo.

Khẳng định điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn cho biết: Sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng, công tác tổ chức chấm thi được khởi động. Ban Thư ký tiến hành tiếp nhận bài thi và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Ban Làm phách bài thi tự luận, Ban Chấm trắc nghiệm và Ban Chấm thi tự luận làm việc. Sáng 9/7, Ban Làm phách bài thi tự luận và Ban Chấm thi trắc nghiệm bắt tay vào công việc; riêng Ban Chấm thi tự luận làm việc từ ngày 11/7.

Để tăng tính khách quan, minh bạch, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Đoàn thanh tra công tác chấm thi với sự tham gia của Thanh tra tỉnh. Bộ GD&ĐT cũng thành lập đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Vĩnh Long. Đoàn kiểm tra của Bộ và sở làm việc độc lập với các Ban của Hội đồng thi và giám sát toàn bộ hoạt động chấm thi, bảo đảm quá trình chấm thi diễn ra đúng quy chế.

Để chấm 40.232 bài thi (trong đó có 29.987 bài thi trắc nghiệm và 10.245 bài thi tự luận), tỉnh Vĩnh Long đã huy động 31 thành viên tham gia Ban Chấm thi trắc nghiệm và 139 thành viên tham gia Ban Chấm thi tự luận gồm đủ thành phần theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm và Trưởng ban Chấm thi tự luận đều do các Phó Giám đốc sở phụ trách.

Các thành viên tham gia chấm thi đều được lựa chọn cẩn thận, chỉ những người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của Bộ GD&ĐT mới được tham gia chấm thi hoặc phục vụ chấm thi. Dự kiến công tác chấm thi hoàn thành theo đúng tiến độ của Bộ GD&ĐT. Học sinh tỉnh Vĩnh Long có thể đón xem kết quả từ 00 giờ 00 ngày 24/7.

Chia sẻ thông tin tại Thái Bình, theo ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Thái Bình, Ban Chấm thi tự luận làm việc từ 7 giờ 30 ngày 10/7. Trước đó, công việc làm phách 1 vòng độc lập được triển khai từ chiều 9/7. Ban Làm phách cách ly hoàn toàn với bên ngoài, thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế thi. Với chấm thi trắc nghiệm, công tác này triển khai từ 10/7 với sự chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đủ các quy định về an ninh, an toàn: Camera giám sát và công an bảo vệ 24 giờ/ngày trong suốt quá trình chấm thi. Ban Chỉ đạo kỳ thi tỉnh Thái Bình giao sở GD&ĐT tạo phối hợp với Viettel Thái Bình để công bố kết quả thi, thời gian công bố vào ngày 24/7 theo quy định.

Tại Đồng Nai, công tác chấm thi cũng sẵn sàng với 153 cán bộ được huy động trong ban làm phách bài thi tự luận; 155 cán bộ, giáo viên trong ban chấm thi tự luận. Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, dự kiến địa phương hoàn thành chấm thi vào 20/7, sớm hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt thông tin: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hội đồng thi tỉnh Hải Dương bố trí 154 cán bộ tham gia Ban Chấm thi tự luận. Trong đó có 4 trưởng ban, phó trưởng ban; 1 trưởng môn chấm thi (do phó trưởng ban chấm thi kiêm nhiệm); 42 thư ký; 9 tổ trưởng tổ chấm thi (đã bao gồm phó trưởng ban kiêm tổ trưởng tổ chấm kiểm tra); 84 cán bộ chấm thi (bao gồm cả tổ chấm kiểm tra); 16 công an, bảo vệ, phục vụ. Công tác chấm kiểm tra bài thi tự luận thực hiện đúng theo quy chế, bảo đảm chấm ít nhất 5% tổng số bài. Bài chấm kiểm tra được lựa chọn ngẫu nhiên kết hợp với lựa chọn những bài điểm cao, bài có dấu hiệu bất thường.

Khu vực chấm thi bảo đảm an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau để thuận lợi cho công tác tổ chức và quản lý của Ban chấm. Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra, giám sát tất cả khâu của Ban chấm; bố trí mỗi phòng chấm có ít nhất một cán bộ thanh tra, giám sát; cử cán bộ thanh tra cùng công an giám sát công tác lưu giữ bài thi, chuyển giao bài thi; chấm thi…

Với chấm thi trắc nghiệm, Giám đốc Lương Văn Việt cho biết: Tổng số lãnh đạo, cán bộ ban chấm thi trắc nghiệm có 17 người; công an; bảo vệ, phục vụ (cùng ban chấm tự luận) gồm 16 người. Sở đã chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chấm thi, bảo quản bài thi theo các quy định tại Quy chế thi; chuẩn bị 3 máy quét; 5 máy tính (2 dự phòng); 2 máy in (các máy đều có bộ lưu điện).

“Để bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác chấm thi trắc nghiệm, sở GD&ĐT đã phối hợp với công an tỉnh; sở Y tế và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Ban chấm. Cụ thể, bố trí 2 cán bộ công an PA03 và 2 cán bộ thanh tra giám sát các khâu của Ban Chấm trắc nghiệm. Chuẩn bị và trang bị đủ số lượng camera giám sát trong và ngoài phòng chấm, phòng bảo quản bài thi, bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động của các thành viên trong khu vực chấm thi. 100% các phòng chấm, hành lang, cổng đều được bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang...” - ông Lương Văn Việt cho hay.

Tại Bắc Kạn, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, cho biết: Sở GD&ĐT bố trí khu vực chấm thi độc lập. Trong khu vực chấm thi có đầy đủ phòng cho việc thực hiện chấm thi; có công an bảo vệ 24/24 giờ trong thời gian chấm thi. Các phòng chấm thi, để bài thi có 2 camera giám sát 24/24 giờ, có lưu điện và máy phát điện dự phòng. Các thiết bị, máy tính, máy scan... phục vụ chấm thi trắc nghiệm, nhập điểm bài thi tự luận được chuẩn bị đầy đủ.

Với chấm thi tự luận, ban làm phách bài thi được bố trí độc lập với các ban của Hội đồng thi, bảo đảm cách ly triệt để theo Quy chế và hướng dẫn thi. Thực hiện đánh phách theo đúng quy chế và quy trình của phần mềm. 46 cán bộ chấm thi được huy động (chưa kể trưởng/phó ban chấm, trưởng môn chấm thi, tổ trưởng tổ chấm). Quá trình chấm thi sẽ được thanh tra, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt.

Với chấm thi trắc nghiệm, sở huy động 12 cán bộ đã được tham gia tập huấn nghiệp vụ do Bộ GD&ĐT tổ chức. Địa phương chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ công tác chấm thi. Quá trình chấm thi sẽ được thanh tra, kiểm tra, công an giám sát nghiêm ngặt các quy trình và các bước thực hiện theo tiến độ...

“Bắc Kạn sẽ thực hiện công bố kết quả thi theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT. Việc công bố kết quả thi trên hệ thống máy chủ của sở GD&ĐT, bảo đảm đường truyền, các thiết bị an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu tra cứu và truy cập khai thác thông tin của toàn bộ thí sinh dự thi” - ông Ma Thế Quyên cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.